Ngôi làng biến cỏ dại thành nghệ thuật

Chia sẻ

PNTĐ-Hiện nay, cỏ tế Phú Túc có mặt trên khoảng 20 quốc gia, một số nghệ nhân đã được công nhận, các thế hệ trẻ của Phú Túc cứ lớp lớp nối đuôi nhau về phát triển làng nghề.

 
Cách đây khoảng 400 năm, làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên là một vùng đất chiêm trũng có nhiều cỏ dại mọc um tùm, không chịu khuất phục cái nghèo, người dân Lưu Thượng đã tận dụng loại cỏ này để làm đồ gia dụng. Đến nay, loại cỏ này đã được nhiều nước trên thế giới biết đến cùng bàn tay tài hoa của người Lưu Thượng - đó chính là cây cỏ tế.
 
Ngôi làng biến cỏ dại thành nghệ thuật - ảnh 1
Công đoạn rửa mầu và phơi cỏ trước khi đan

 
Biến thất thế thành ưu thế
 
Lưu Thượng khoảng bốn trăm năm trước dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, diện tích trồng lúa khá hạn chế làm đời sống người dân khó khăn. Lúc đó, có một người phụ nữ đến làng sinh sống và nhận thấy loại cỏ dại này rất dẻo và dài có thể dùng đan lát thành đồ đánh bắt cua cá. Thế là bà cùng dân làng tự mày mò và chế tạo ra rất nhiều đồ gia dụng hằng ngày và truyền nghề này qua các đời. Ghi nhớ công ơn của bà, dân làng thờ phụng bà tại đình làng với tên gọi Nguyễn Thảo Lâm và tổ chức giỗ nghề vào ngày 16/10 âm lịch hằng năm.
 
Nghề ban đầu chỉ có ở Lưu Thượng sau đó đã lan sang cả 8 thôn trong xã Phú Túc, người dân không chỉ thu hoạch cỏ tế tự nhiên nữa mà còn chủ động trồng thêm để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hiện nay, người dân còn nhập ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình về làm nguyên liệu chế xuất. Những sản phẩm đan cỏ tế của Phú Túc cũng đa dạng và hội nhập hơn. Ban đầu chỉ là những chiếc rổ, giá, sảo, thì bây giờ đã có thêm con giống, giầy dép, hộp bút, đèn bàn, đồ trang trí cực kỳ bắt mắt.
 
Cỏ tế có màu nâu đặc trưng và có mùi thơm rất dễ chịu, người thợ có thể nhuộm các mầu cho sản phẩm như màu trắng, màu đỏ, màu đen để hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cỏ tế so với mây tre đan rất mềm và dai vì vậy sản phẩm làm từ cỏ tế thường có tuổi sử dụng rất cao, có sản phẩm sử dụng tới gần 20 năm mới có dấu hiệu hỏng. Hơn nữa, cỏ tế có mùi thơm không lẫn với bất cứ loại cỏ nào nên khi trang trí trong nhà như có thêm một loại “nước hoa” đặc biệt.
 
 
Ngôi làng biến cỏ dại thành nghệ thuật - ảnh 2
Sản phẩm cỏ tế được trưng bày tại Ngày hội làng nghề 

Xã Phú Túc hiện có 8 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó thôn Lưu Thượng được coi là nơi nghề đan cỏ tế xuất hiện đầu tiên. Tuy vậy người ta vẫn gọi chung là làng nghề cỏ tế Phú Túc để chỉ tất cả các làng làm nghề. Lệ làng từ xưa cấm không được truyền nghề ra ngoài, phụ nữ đi lấy chồng không được mang nghề theo. Làng nghề trước kia chỉ gói gọn trong thôn, phạm vi rất nhỏ hẹp, sản phẩm ít. Người trong làng thu mua cỏ tế, chế thành nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề khác là chính. Lưu Thượng là nơi cung cấp nguyên liệu cho làng đan ở Ninh Sở, làng rổ rá ở Cầu Bầu, làng nong nia ở Lau, Trường Thịnh, làng nón ở Chuông... 
 
Khéo tay hay làm
"Hỡi ai đi ngược về xuôi
Có về Giầu Tế với tôi thì về
Giầu Tế có cây bồ đề
Có ao tắm mát, có nghề đi buôn” 
(buôn guột)
 
Các loại cỏ tế sau khi được nhập về sẽ phân loại rồi phơi ít nhất 3 nắng để đạt độ dẻo dai cũng như màu sắc bắt mắt nhất, sau đó cỏ tế được chẻ ra làm 2, 3 phần rồi qua sự sáng tạo của người nghệ nhân mà hàng nghìn mẫu mã được làm ra. Sau khi tạo hình cho sản phẩm xong người thợ nhúng qua lớp dầu keo để cho có độ bền cao nhất rồi đem phơi thêm 2 nắng nữa để lên màu.
 
Trải qua thời gian phát triển, làm cỏ tế được chuyên môn hóa thành nhiều công đoạn, thậm chí nhiều gia đình chỉ làm một công đoạn như trồng - thu cỏ tế, sơ chế cỏ tế, đan lát, nhuộm, tiêu thụ…Cỏ tế nhiều lần được mang đi triển lãm ở hội chợ trong và ngoài nước, để nâng cao chuyên môn và nâng tầm thương hiệu, Phú Túc hằng năm đều tổ chức hội thi đan cỏ tế nhanh, khéo, sáng tạo để tìm kiếm tài năng và phát triển làng nghề.
 
Ngôi làng biến cỏ dại thành nghệ thuật - ảnh 3
Phú Túc thường xuyên tổ chức hội thi đan cỏ tế nhanh, khéo, sáng tạo

 
Từ cây cỏ tế hoang dại đến các sản phẩm gia dụng hàng ngày và bây giờ là các sản phẩm cỏ tế kỹ nghệ đủ để thấy được sự sáng tạo, mày mò trong làm ăn của người dân Phú Túc. Các sản phẩm cỏ tế có thể thay thế các đồ bằng nhựa, thủy tinh, về hình thức cũng được đánh giá cao hơn rất nhiều. Hiện nay, cỏ tế Phú Túc có mặt trên khoảng 20 quốc gia trên thế giới, một số nghệ nhân đã được công nhận, các thế hệ trẻ của Phú Túc cứ lớp lớp nối đuôi nhau về phát triển làng nghề.
 
Làng nghề đan cỏ tế Phú Túc tuy phát triển nhanh nhưng không đáp ứng hết nhu cầu khách hàng, bởi lẽ chất liệu cỏ tế đảm bảo an toàn về sức khỏe, môi trường và thẩm mỹ hơn so với đồ nhựa. Năm 1994, ông Sinh - một chủ doanh nghiệp sản xuất ở Phú Túc đã xin phép các cụ trong làng để truyền nghề ra bên ngoài với mục đích tìm kiếm nhân tài và tăng năng suất lao động.
 
Ban đầu, các cụ không đồng ý nhưng về sau nhận thấy, nếu không mở rộng sản xuất bạn hàng có thể tìm đến các làng khác để mua rồi làng nghề không thu hút được “người khéo tay hay làm” nên các cụ quyết định cho phép truyền nghề ra bên ngoài, đó cũng là động lực để nhiều thợ thuyền trong làng phấn đấu, đổi mới mẫu mã.
 
Giờ đây, Phú Túc đã trở thành một điểm du lịch làng nghề hấp dẫn với sản phẩm cỏ tế đặc trưng. Du khách có thể tham quan các cánh đồng trồng cỏ tế cao vút, khỏe khoắn hoặc ngắm nghía các sản phẩm ở khu trưng bày, tham quan công đoạn tại các gia đình, xưởng và tìm hiểu về lịch sử làng nghề.
 
Để đến với Phú Túc, du khách nên đến vào mùa thu, lúc mà cỏ tế mọc tốt nhất và cho mùi thơm nồng nhất. Hiện nay có tới 2 chuyến xe buýt chạy thẳng đến Phú Túc đó là 06E bến xe Giáp Bát - Phú Túc và xe số 91 bến xe Yên Nghĩa - Phú Túc rất tiện lợi để bạn bè gần xa đến với làng nghề biến “cỏ dại” thành nghệ thuật.
 
 
Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Thu Thuỷ chia sẻ, với vai trò Đại sứ thiện chí chương trình "Phú Thọ - Khát vọng xanh" tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, cô vô cùng vinh hạnh khi được góp phần nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng tới cộng đồng về bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.