Ngôi đình lưu giữ “địa chỉ đỏ” cách mạng

Chia sẻ

PNTĐ-Không chỉ là điểm đến văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1991, đình Phù Xá Đoài còn được xem như một “địa chỉ đỏ” trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 
Đình Phù Xá Đoài thuộc xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) nằm bình yên ven sông Cà Lồ. Không chỉ là điểm đến văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1991, đình Phù Xá Đoài còn được xem như một “địa chỉ đỏ” trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.  Nơi đây từng vinh dự được đón Bác Hồ về thăm năm 1967.
 
Ngôi đình lưu giữ  “địa chỉ đỏ” cách mạng - ảnh 1

 
Di tích lịch sử cấp quốc gia
 
Đình Phù Xá Đoài thờ danh tướng thời Lý - Lê Phụng Hiểu làm Thành Hoàng làng gắn với truyền thuyết Thánh Bưng: Đời Lý, ở vùng Thanh Hóa có ông Lê Phụng Hiểu. Thuở nhỏ, ông Hiểu không học chữ, chỉ thích tập ném đao, đánh gậy, cử tạ, múa quyền. Ông thường dùng một hòn đá tròn ở trên núi làm quả tạ để luyện tập. Hòn đá đó nặng tám người khiêng mới nổi.
 
Năm ông Hiểu hai mươi tuổi, những tay đô vật trong vùng chẳng còn ai dám tỷ thí với ông. Ông Hiểu có thể chỉ với một nắm đấm đánh ngã một con bò mộng. Sau khi dẹp “loạn ba vương”, Lê Phụng Hiểu được phong Đô thống Thượng tướng quân, tước Hầu, được triều đình ban cấp ruộng hơn nghìn mẫu tại quê nhà. Ông mất năm 77 tuổi, được thờ làm Phúc thần, tục gọi là Thánh Bưng. 
 
Đình làng Phù Xá Đoài được dựng vào thế kỷ XVII trên một khu đất cao ở phía Tây của làng. Đình quay về hướng Nam trông ra sông Cà Lồ có cấu trúc chữ Công và được trùng tu vào đời vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786). Từ đó về sau còn được sửa chữa nhiều lần. Gần đây nhất lễ khánh thành khôi phục cổng Đình là ngày 5/11/2015.
 
Đình Phù Xá ngày nay vẫn giữ được khá nguyên vẹn nét xưa, nhất là kiến trúc tòa đại đình và hậu cung. Đại đình là tòa kiến trúc 5 gian, 2 chái, làm theo kiểu thượng rường, hạ kẻ, mái đình cao, rộng, lợp ngói mũi hài, với 4 đầu đao cong vút. Tòa đại đình vững chãi trên 6 bộ vì kèo lớn, mỗi vì kèo có 6 cột lim, cột cái chu vi 1,6m, cao 6m, đặt trên chân đá tảng lớn. Phần ống muống Hậu cung có ba gian, gian giữa có sàn gỗ cao 1,55m ván bưng ba mặt, trên đặt long ngai và bài vị Thành Hoàng làng.
 
Đình có nghệ thuật trang trí, chạm khắc rất tinh tế, giàu tính biểu cảm. Hình tượng rồng là chủ đạo, rồng ổ, rồng uốn khúc uyển chuyển, vây rắn, móng diều hâu, trên nền mây. Các đầu dư đặc tả hình đầu rồng bằng nghệ thuật chạm lộng tinh tế của thế kỷ XVIII. Đặc biệt, mặt hổ phù lớn ở đình được tạo tác đẹp, rồng nổi khối cả vảy xếp, bờm tóc lan tỏa, mắt lồi, mũi sư tử, miệng rộng ngậm chữ “Thọ”, dưới có lá cúc ba cánh, gắn vào thân cột - đây là một chi tiết độc đáo, rất hiếm thấy ở các ngôi đình khác.
 
 Trong đình, còn giữ được nhiều di vật cổ đặc trưng, như những sắc phong, long ngai, kiệu và các đồ tế tự có giá trị văn hóa lịch sử. Đặc biệt nhất, đình Phù Xá Đoài có bức bình phong bằng đá xanh dựng trước sân đình, dài 3,8m cao 2,5m, theo hình dạng một bức cuốn thư. Đỉnh bức cuốn thư có đôi rồng chầu mặt trời lớn.
 
“Địa chỉ đỏ” trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
 
Năm 1956, ngôi đình được sử dụng làm kho cất giấu lương thực của nhà nước. Bốn năm sau, các lớp bình dân học vụ và trường cấp 2 Nguyễn Du được mở tại đây. Rồi tới năm 1962, trạm quân y của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng chọn ngôi đình làm nơi thực hiện nhiệm vụ...
 
Đến năm 1972, đình Phù Xá Đoài được tu sửa làm trụ sở HTX nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, nơi đây được chọn là địa điểm làm việc bí mật của các chuyên gia Liên Xô (cũ), CHDCND Triều Tiên sang giúp ta xây dựng sân bay quân sự Đa Phúc (nay là cảng hàng không quốc tế Nội Bài), và đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu từ tháng 2/1966 đến cuối năm 1968.
 
Một vinh dự lớn đối với người dân làng Phù Xá Đoài là vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán năm Đinh Mùi (ngày 9/2/1967) được đón Bác Hồ về thăm. Theo hồi ức của các cụ bô lão trong làng, Bác tới thăm vào khoảng 8 giờ sáng. Mục đích ban đầu Bác đến thăm và tặng quà các chuyên gia Liên Xô (cũ) làm việc tại ngôi đình ngày đó. Các cháu thiếu nhi trong làng hay tin Bác ghé thăm, kéo nhau sum tụ về đình, đứng vây xung quanh Bác. Rất đông bà con trong làng cũng đến đình Phù Xá Đoài để được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ kính yêu.
 
Bác chia kẹo cho từng cháu thiếu nhi và ân cần hỏi chuyện người dân trong làng. Bác nói với mọi người rằng, chuyên gia Liên Xô sang giúp ta đánh Mỹ, các cụ về động viên người dân giúp đỡ các chuyên gia hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dịp năm mới, Bác chúc các cháu thiếu nhi và toàn thể bà con mạnh khỏe. Đối với những người dân trong làng, đó là những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm thiêng liêng và tự hào mà mỗi lần nhắc lại, ai nấy đều không khỏi rưng rưng xúc động.
 
Đến nay, tại đình Phù Xá Đoài vẫn còn lưu giữ nhiều tranh ảnh và nhất là tấm bia lớn ghi lại một số sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra tại ngôi đình, như một cách giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc. Để tưởng nhớ công ơn và ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm năm 1967, đông đảo nhân dân làng Phù Xá Đoài đã đoàn kết nhất trí, cùng nhau đóng góp sức người, sức của, lên kế hoạch xây dựng tượng Bác Hồ. 
 
Bức tượng bằng chất liệu đồng nguyên khối nặng 575kg được khánh thành năm 2010, đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dựng trang nghiêm trong khuôn viên ngôi đình. Hàng năm, cứ vào dịp diễn ra hội làng (ngày 12/10 Âm lịch), ngày sinh nhật và ngày mất của Bác, người dân khắp nơi lại tìm về thăm đình Phù Xá Đoài, ôn lại những câu chuyện về lịch sử đấu tranh cách mạng, kính cẩn thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ kính yêu.
 
 
Minh Phương

Tin cùng chuyên mục

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".