Xem xét thí điểm không tổ chức HĐND ở Hà Nội

Chia sẻ

Đó là Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

 
Xem xét thí điểm không tổ chức HĐND ở Hà Nội - ảnh 1
Phường Nhật Tân, Q.Tây Hồ là 1 trong các phường sẽ thí điểm không tổ chức HĐND
Đổi mới cơ chế, nâng cao năng lực điều hành
 
Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ, Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước, có quy mô dân số đứng thứ hai cả nước. Do đặc điểm, tính chất tập trung, thống nhất cao của đô thị, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp TP, quận, thị xã; chính quyền phường chỉ là cấp tổ chức thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND ở phường là không còn phù hợp. 
 
Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.
 
Theo dự thảo Nghị quyết, tại 177 phường thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập. UBND quận, thị xã sẽ được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn. Như vậy, với khu vực đô thị tại TP Hà Nội sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và quận) và cơ quan hành chính tại phường. Tại khu vực nông thôn, mô hình tổ chức vẫn thực hiện theo ba cấp chính quyền như hiện nay (cấp TP; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn). Dự kiến, nếu không còn HĐND cấp phường thì Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 - 3.500 cán bộ HĐND phường.
 
Tăng cường vai trò giám sát và trách nhiệm cá nhân
 
Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội. Hiện nay, việc quản lý ở khu vực đô thị khác với nông thôn, đặc biệt đòi hỏi phải bảo đảm tính thống nhất và tập trung, xuyên suốt các hoạt động kinh tế-xã hội trong toàn đô thị, không nên chia cắt, giao cho nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý. Do vậy, việc Hà Nội đi đầu thực hiện thí điểm mô hình chính quyền địa phương phù hợp với khu vực đô thị có vai trò quan trọng.
 
Đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo cần thông qua kỳ họp của Quốc hội để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện. Theo đại biểu Đào Tú Hoa, cần cân nhắc kỹ về tên gọi của UBND, nếu đổi tên UBND thành Ủy ban hành chính thì toàn bộ dữ liệu có liên quan của TP phải thay đổi như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, giấy tờ thường trú, tạm trú của công dân. Tất cả tài liệu này liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng ngày, hàng giờ của công dân. Nếu đổi tên sẽ làm thay đổi dữ liệu trong hệ thống quản lý, thông tin, gây tốn kém và khó khăn không chỉ cho người dân mà cả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn phường.
 
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa (đoàn Hà Nội) khẳng định sự cần thiết của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, khi dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực thi, vấn đề được nhân dân, cử tri quan tâm, đặt câu hỏi là nếu không tổ chức HĐND cấp phường thì cơ quan nào có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan hành chính (UBND). Trong tờ trình nói rõ, tăng thêm chức năng giám sát cho HĐND cấp quận vì khi không còn HĐND phường thì UBND phường lúc đó là “cánh tay nối dài” của UBND quận, HĐND quận giám sát các hoạt động của UBND kể cả ở cấp quận và phường. Thứ nữa, tăng vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng cấp của các phường, UBND quận sẽ tăng thêm trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới. Bên cạnh đó, theo đại biểu Trần Thị Phương Hoa cần tăng thêm trách nhiệm của cá nhân thực thi nhiệm vụ khi được bổ nhiệm là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tại các phường khi không còn HĐND.
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII

Khai mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII

(PNTĐ) - Hội nghị Trung ương 12 chính thức khai mạc sáng nay (18/7) tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị diễn ra trong không khí cả nước đang tràn đầy phấn khởi, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của dân tộc và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
 Hà Nội xác định Văn kiện Đại hội phải đáp ứng được yêu cầu, các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp sát thực tiễn

Hà Nội xác định Văn kiện Đại hội phải đáp ứng được yêu cầu, các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp sát thực tiễn

(PNTĐ) - Thành phố Hà Nội xác định văn kiện không chỉ để dùng trong hệ thống chính trị và các cơ quan Đảng, mà phải mang hơi thở của cuộc sống, của thực tiễn, thể hiện được nguyện vọng, mong muốn của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, văn kiện phải đảm bảo khi người dân, doanh nghiệp... nhìn vào, thấy mình phải làm gì, được thụ hưởng gì; thấy được thành phố trong tương lai gần cũng như định hướng cho 10 năm, 20 năm tới ra sao... Trên cơ sở đó, văn kiện tạo ra nguồn động lực, có ý nghĩa hiệu triệu, truyền cảm hứng cho người dân, cho xã hội để đồng hành cùng thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Thu hút nhân tài để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thu hút nhân tài để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

(PNTĐ) - Sáng 17/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND Thành phố “quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” và dự thảo nghị quyết “quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội”. Đồng chí Nguyễn Lan Hương – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chủ trì hội nghị.