“Mỏ vàng” trong đời sống đương đại

Chia sẻ

Hưởng ứng sự kiện Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, cuối tuần qua, lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 đã được tổ chức.

 
“Mỏ vàng” trong đời sống đương đại - ảnh 1
Trình diễn nghệ thuật truyền thống tại lễ hội

 
Sức sống làng nghề truyền thống
 
Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại gồm nhiều nội dung, trong đó điểm nhấn là khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ giới thiệu 16 làng nghề thủ công truyền thống, với sự tham gia của các nghệ nhân trình diễn quy trình thực hành, giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại. 
 
Đặc biệt, tại không gian lễ hội lần đầu tiên giới thiệu dòng tranh m ới được ghép từ các mảnh lụa, vải... của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được sáng tạo, hoàn thành thủ công bởi những nghệ sĩ khuyết tật. Lễ hội cũng giới thiệu không gian mỹ thuật dân gian có sử dụng công nghệ 3D Mapping hiện đại trong triển lãm đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống” nhằm tôn vinh giá trị di sản...
 
Theo PGS. TS. Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Hà Nội là thị trường giao lưu làng nghề trong nước và quốc tế. Theo thống kê, riêng Hà Nội chiếm 1/3 số làng nghề của cả nước, với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Các làng nghề Hà Nội cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, hội tụ đủ các nhóm nghề gồm: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh… 
 
Lễ hội là dịp giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Hà Nội tới du khách trong nước và quốc tế; tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống của các nghệ nhân. Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Phạm Khắc Hà chia sẻ: Nhiều người nghĩ rằng, làng lụa Vạn Phúc chỉ có vài mẫu hoa văn truyền thống quen mắt, nhưng ở lễ hội, làng nghề giới thiệu tới du khách các mẫu hoa văn mới có sự cải tiến về hình khối, màu sắc. Qua đó, du khách biết tới Vạn Phúc là một làng nghề đang trong quá trình thay đổi, tìm tòi cái mới nhưng vẫn giữ gìn truyền thống của cha ông...
 
Đặc sắc nghệ thuật dân gian
 
Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại còn đưa khách tham quan trở về, đắm mình trong nghệ thuật truyền thống, như: hát Chèo tàu, hát Dô, hát Xẩm, hát Ví, hát Trống quân... Các di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền và sáng tạo qua nhiều đời đã được phô diễn đầy cuốn hút tại khu vực Nhà Bát giác, vườn hoa Lý Thái Tổ, tạo thêm cơ hội tiếp cận với hàng vạn công chúng. 
 
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội nhận định: Trong nền công nghiệp văn hóa Thủ đô, nghệ thuật truyền thống chính là “kho báu”. Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 27 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương và Hà Nội giữ gìn, phát huy nhiều môn nghệ thuật truyền thống như: chèo, tuồng, cải lương, xẩm, ca trù, chầu văn, múa rối…
 
Tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các không gian biểu diễn nhạc truyền thống luôn thu hút khán giả, như: Chiếu xẩm và nghệ thuật truyền thống của nhóm Xẩm Hà Thành, các buổi diễn Chuyện nhạc Phố Cổ của nhóm Đông Kinh Cổ nhạc, biểu diễn ca trù của CLB Ca trù Hà Nội... 
 
Điều đó cho thấy giá trị và sức sống trường tồn của nghệ thuật truyền thống và văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi Hà Nội chính thức trở thành một trong 246 thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO - với lĩnh vực Thiết kế. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh thành phố trên lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững. 
 
Phó trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Bùi Hương Thủy cho biết, sở dĩ Hà Nội chọn Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại là hoạt động chào đón sự kiện Thủ đô đón nhận danh hiệu “Thành phố sáng tạo về thiết kế” là bởi tại nhiều quốc gia trên thế giới, văn hóa truyền thống đã được tích cực khai thác, sáng tạo để trở thành những sản phẩm, giá trị mới hấp dẫn công chúng, khẳng định bản sắc và tầm ảnh hưởng văn hóa trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, qua hàng nghìn năm, văn hóa dân gian vẫn được thế hệ trước lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau. Các di sản văn hóa dân gian được quan tâm, có các ý tưởng sáng tạo mới sẽ giúp cho các di sản này được bảo tồn, phát triển trong thế giới hiện đại, mang lại giá trị tinh thần và cả lợi ích kinh tế - xã hội, là nền tảng để người Việt Nam hội nhập thế giới.
 
Phương Nhiên

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.