Sắt son một niềm tin với Đảng

Chia sẻ

Tròn 90 năm kể từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ lãnh đạo cách mạng thành công, xây dựng đất nước lớn mạnh, mà còn tạo sức mạnh đoàn kết dân tộc, hình thành nên những thế hệ đảng viên một lòng kiên trung với Đảng.

Dành trọn cả đời đứng trong hàng ngũ của Đảng

Sinh năm 1928, năm nay bước sang tuổi 92, chỉ còn 2 năm nữa, đại tá Vương Chất trú tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vinh dự nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Là cán bộ tiền khởi nghĩa, sinh ra trong một gia đình sớm giác ngộ cách mạng, ông tham gia hoạt động rải truyền đơn từ lúc 14 tuổi, khi Đảng vẫn còn hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Năm 16 tuổi, ông lên đường nhập ngũ với niềm yêu nước cháy bỏng. Tính theo dòng lịch sử, đại tá Vương Chất đã tham gia và trải qua 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới với trên 40 năm chiến đấu trên các chiến trường Đông Dương ác liệt, vào sinh ra tử.

Đại tá Vương Chất cùng con gái và con trai trong ngày nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng

     Đại tá Vương Chất cùng con gái và con trai trong ngày nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng

Vị lão thành cách mạng nhớ lại những năm tháng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với hàng trăm trận đánh, sốt rét, ốm đau, đói khát, thiếu thốn, cùng với quãng thời gian hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam đã để lại một phần thân thể mình ở đó, nhưng ông vẫn một lòng kiên định với sự lãnh đạo của Đảng bấy giờ, rằng đất nước nhất định dành độc lập, tự do. Không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường, đại tá Vương Chất còn trải qua các chức vụ công tác khác nhau, là sĩ quan cao cấp quân đội. Ông vinh dự được tham gia đoàn ngoại giao của Đảng và Nhà nước ở một số nước XHCN Đông Âu, Liên Xô và một số nước tư bản Bắc Âu, được Bộ Ngoại giao gửi thư khen là "cán bộ tuyên truyền đối ngoại xuất sắc".

Năm 1948, khi vừa tròn 20 tuổi, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Mang trong mình hoài bão được cống hiến cho lý tưởng của Đảng, ông đã dành trọn cả cuộc đời mình phục vụ cho các cuộc chiến dành độc lập và bảo vệ đất nước. Năm 1971, ông bị thương ở chiến trường Trị Thiên Huế. Dù tỷ lệ thương tật 51% nhưng ông khai 44% để được tiếp tục ở lại chiến trường chiến đấu cùng đồng đội. Đất nước giải phóng, thống nhất, ông được điều động về công tác tại Bộ Quốc phòng, là phó phòng Báo cáo viên, rồi trưởng phòng Tuyên truyền - Cục Tuyên huấn TCCT. Năm 2018, ông vinh dự được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Vợ chồng ông sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai). Vững tin vào lý tưởng cao cả của Đảng nên ông luôn định hướng cho các con phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng.

- Niềm tự hào lớn nhất của tôi là các con đều nối tiếp chí hướng của mình. 2 con gái và con trai tôi đều là đảng viên. Tự hào hơn nữa là cả 2 con rể và con dâu cũng là đảng viên. Riêng con dâu, ban đầu lưỡng lự về việc có nên phấn đấu trở thành đảng viên không. Tôi liền phân tích thấu đáo cho con về lý tưởng và sự lãnh đạo của Đảng. Sau khi nghe tôi phân tích, con đã hiểu ra và phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng - Đại tá Vương Chất kể.

Cũng như cha mình, thượng tá Vương Đình Sơn (công tác ở Quân chủng Phòng không -Không quân, nay đã về hưu) luôn sắt son một lòng với Đảng. Kể từ ngày vinh dự trở thành đảng viên, đến nay thượng tá Sơn đã hơn 30 năm tuổi Đảng. “Tôi vẫn luôn tự hào mình là một đảng viên và cảm thấy may mắn khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bởi ở trong môi trường này, mỗi một đảng viên được học tập, rèn luyện, phê bình và tự phê bình mỗi ngày, đặc biệt là phải sống và làm việc gương mẫu hơn quần chúng. Chính điều này giúp cho người đảng viên sống tốt hơn, bản lĩnh hơn... Đất nước ta bây giờ được như thế này là cũng nhờ Đảng và Bác Hồ. Đây là một minh chứng cụ thể về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng hơn bao giờ hết” - Thượng tá Sơn nói.

"Đoàn viên, thanh niên tự hào là lực lượng dự bị tin cậy của Đảng. Chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc phát huy truyền thống của dân tộc, từ đó càng quyết tâm rèn luyện, xây dựng một thế hệ thanh niên tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn, tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc để xây dựng đất nước.

Ngày hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, nhân dân Việt Nam được sống trong hòa bình và hưởng những trái ngọt, mùa xuân hạnh phúc. Thế hệ được sinh ra, lớn lên trong hòa bình, được ước mơ và biến những ước mơ đó thành sự thực, vươn tầm ra biển lớn luôn trân trọng, ý thức về giá trị của hai tiếng hòa bình, để có được 2 chữ này, chúng ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu và nước mắt của thế hệ đi trước, và biết ơn sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam"

(Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Khối Các cơ quan thành phố Hà Nội)

Dù ở tuổi được nghỉ sinh hoạt Đảng thường kỳ vì lý do sức khỏe nhưng đại tá Vương Chất vẫn không muốn nghỉ. Ông bảo phải chống gậy đi sinh hoạt Đảng thì vẫn cố gắng vì nghỉ sinh hoạt tháng nào là thấy mình “lạc hậu” tháng đó. Bởi mỗi lần sinh hoạt được nghe đồng chí Bí thư chi bộ phổ biến tình hình trong nước, thế giới, công tác Đảng thế nào… để về phổ biến lại cho các quần chúng quanh mình. Niềm mong ước của đại tá Vương Chất là các con tiếp tục kiên định với vai trò đảng viên cho hết cuộc đời giống như mình và sau này các cháu cũng sẽ nối tiếp truyền thống gia đình một lòng theo Đảng.

Sống sót qua những nhà tù tàn khốc của địch là nhờ tin vào Đảng

Ông Nguyễn Tài Triệu (trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) là cựu tù chính trị nhà tù Hố Nai (Biên Hòa) và nhà tù Phú Quốc từ năm 1970 vẫn luôn cho rằng niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời là được trở thành đảng viên. Và, nhờ tin vào lý tưởng của Đảng, ông cũng như các đồng đội khác đã kiên trung trong sự tra tấn của địch trong những năm tháng tù đày. Năm 1965, học hết lớp 7 (hệ phổ thông 10 năm), ông Triệu khai tăng 2 tuổi để đi bộ đội. Lá đơn viết bằng máu của ông đã được khu đội Ba Đình duyệt. Sau một khóa huấn luyện ngắn ngày về kỹ thuật pháo ở Yên Thế, tháng 2/1966, ông lên đường vào chiến trường B. Ông đã có mặt tại chiến khu mặt trận Phú Yên và trở thành tay súng bộ binh của Trung đoàn 95, Sư đoàn 5. “Trong một trận chiến đấu tại ấp Hòa Tri, thị xã Tuy Hòa, tôi bị thương và bị địch bắt. Lúc đó, tôi 17 tuổi, nhất quyết không khai gì. Địch tống tôi vào bệnh viện dân y, nhưng chúng bỏ mặc vết thương tôi thối rữa tới mức hoại tử. Tôi bị cưa chân 3 lần. Địch giam tôi ở nhà tù Biên Hòa, tiếp tục tra tấn dã man. Cuối năm 1967, chúng đưa tôi sang trại giam Hố Nai (Biên Hòa), nơi tập trung các chiến sĩ của ta ở mặt trận Sài Gòn - Gia Định - Biên Hòa. Ở đây, tôi bắt liên lạc được với các đồng chí đảng viên, bí mật hoạt động theo chỉ thị của chi bộ. Chính những đảnh viên ấy đã giúp tôi nhận ra chân lý của Đảng và phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ. Ngày 20/7/1970, tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Trong chốn lao tù nghiệt ngã, đó là niềm hạnh phúc lớn lao, khơi dậy lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước của anh em chiến sỹ. Cuối năm 1970, địch chuyển chúng tôi từ Hố Nai ra đảo Phú Quốc. Tôi được làm Phó Bí thư Đoàn của trại 9. Trong chốn lao tù dù bị tra tấn nghiệt ngã, chúng tôi luôn ghìm chặt nỗi đau thể xác, tin vào một ngày mai tươi sáng được trở về với Đảng, với dân” - ông Nguyễn Tài Triệu kể lại.

Ông Nguyễn Tài Triệu tại buổi giao lưu nhân chứng lịch sửÔng Nguyễn Tài Triệu tại buổi giao lưu nhân chứng lịch sử

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Triệu làm việc và tham gia vào Đảng ủy của Nhà in Ngân hàng Trung ương, ở đó cho đến khi nghỉ chế độ (năm 2007). Tin tưởng và chứng kiến sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng qua kháng chiến nên khi được sống và làm việc trong thời bình, ông Triệu càng sắt son một lòng với Đảng.

Thiêng liêng giây phút tuyên thệ trước cờ đỏ búa liềm

Ngày 16/1/2020 là một ngày đặc biệt nhất đối với quần chúng Đinh Quang Lộc và Phạm Thị Hải Yến (công tác tại Phòng Giám sát - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp) khi được chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng. Xúc động hơn khi lễ kết nạp Đảng của họ diễn ra trong Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Đoàn viên, thanh niên Khối Các cơ quan TP Hà Nội dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Hỏa LòĐoàn viên, thanh niên Khối Các cơ quan TP Hà Nội dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Hỏa Lò

Nhận quyết định kết nạp Đảng viên, đảng viên mới Phạm Thị Hải Yến không giấu nổi niềm hạnh phúc, xúc động: “Ngày hôm nay, được đứng ở đây, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò để đọc lời tuyên thệ, tôi hồi hộp xen lẫn tự hào. Bởi đây là nơi các đảng viên ưu tú của Đảng, trong đó có 5 đồng chí Tổng Bí thư đã từng bị địch bắt giam. Tại “trường học cách mạng này”, các đồng chí đã trưởng thành và cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Hôm nay sẽ là một dấu ấn lớn trong cuộc đời tôi, tạo động lực cho tôi tiếp tục nỗ lực hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn nữa”.

Đảng viên mới Đinh Quang Lộc chia sẻ: “Việc tổ chức Lễ kết nạp Đảng tại các “địa chỉ đỏ” như Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò thực sự có ý nghĩa và là vinh dự đối với các đảng viên mới như tôi. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để có nhiều hoạt động hay, các công trình nghiên cứu sát thực với đời sống, xứng đáng với niềm tin: đảng viên phải gương mẫu đi đầu”.

“Mỗi tổ chức Đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là lực lượng đảng viên trẻ cần tiên phong, gương mẫu đi đầu đảm nhận những việc mới, việc khó, triển khai thực hiện các công trình, phần việc, đề án phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước, biến tình cảm của tuổi trẻ với Đảng, Bác Hồ kính yêu thành những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Bước vào thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, đảng viên trẻ, thanh niên phải là lực lượng xung kích trong làm chủ khoa học, công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, làm giàu chính đáng, nêu cao tinh thần tình nguyện, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”

(Đ/c Hoàng Thục Oanh, Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Công Thương Hà Nội)

Nhà tù Hỏa Lò là nơi ghi dấu những hình ảnh, câu chuyện quả cảm của các cán bộ, chiến sỹ được kết nạp Đảng trong thời gian bị giam cầm trong lao tù. Mặc dù bị giam giữ, kiểm soát ngặt nghèo nhưng những buổi kết nạp đảng viên vẫn bí mật diễn ra với nghi thức trang trọng. Từ những buổi lễ thiêng liêng đó, các Đảng viên tiếp tục mang ánh sáng của Đảng tới từng buồng giam, từng chiến sĩ, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, biến nó thành sức mạnh đập tan mọi âm mưu đớn hèn của quân địch.

Với ông Nguyễn Thế Nghĩa, người dùng máu nhuộm cờ và vẽ chân dung Bác Hồ tại Trại giam tù binh Phú Quốc, những ký ức về giây phút kết nạp Đảng trong tù cho các đồng chí của mình mãi mãi là những ký ức thiêng liêng. Năm 1972 tại nhà tù Phú Quốc, ông được Đảng uỷ giao nhiệm vụ chuẩn bị cờ Đảng sử dụng trong lễ kết nạp đoàn viên ưu tú Lê Đức Thiện. Ở thời điểm đó có nhiều hình thức kết nạp Đảng trong tù.“Có đơn vị lấy hình ảnh mặt trời ban mai buổi sáng, người thì vẽ xuống cát, người thì thấy than vẽ lên tường để kết nạp đảng. Riêng tôi nghĩ mình phải có một lá cờ Đảng nghiêm túc. Tôi đã kẹp tay vào tấm tôn cánh cửa, sau đó xin băng gạc quấn vào. Khi máu đã thấm, tôi tháo băng gạc ra thì chỗ đậm, chỗ nhạt, các đồng đội liền đề nghị: “Cho chúng em góp với” rồi cắn tay để máu nhỏ vào, tạo thành lá cờ có máu của tất cả anh em. Sau đó, tôi tán viên thuốc chống phù nề màu vàng, rắc lên vẽ hình búa liềm và cắn dập đầu que tăm chấm vào máu để vẽ chân dung Bác. Vẽ xong, nhiều anh em không cầm được nước mắt đã thốt lên: “Bác của chúng ta đây rồi!”. “Báu vật” được chúng tôi giữ kín một cách trân trọng, lần lượt đi khắp các trại giam, củng cố niềm tin, sự quyết tâm cho các chiến sỹ, cho chúng tôi cảm giác Bác Hồ, Đảng và nhân dân luôn ở bên mình!”- ông Nghĩa xúc động kể lại.

Hôm nay, Đảng đã bước vào tuổi 90, những thế hệ đứng trong hàng ngũ của Đảng dù đã già như ông Chất, ông Triệu, hay trẻ như Đinh Quang Lộc và Phạm Thị Hải Yến, họ đều có chung một niềm sắt son với Đảng, và tin tưởng, một lòng cống hiến cho mục đích và lý tưởng của Đảng đề ra.

Hạ Thi - Quỳnh Anh

 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.