Tháng Ba về

Chia sẻ

Làng tôi ở phía bên này đèo. Mùa về, hoa càphê nở trắng, từ xa cứ nghĩ là đá vôi bạc phếch, lại gần mới thấy nương nào nương ấy lúp xúp những chùm hoa bé xíu. Cũng vì thế mà gió mùa về, làng tôi đón gió sớm, rét hăm hở quất vào từng mái tranh ràn rạt

Tháng Ba, hoa xoài rụng đầy gốc, lưa thưa đậu được vài quả. Ít lúa nước dưới kia xanh mơn mởn, nhịp sống chậm buồn chờ mùa gặt, trong túi bọn trẻ lay lắt vài cái kẹo đã chảy nước bố mẹ để dành cho từ Tết. Chiều qua bước sang bên này đèo, nhìn những tia nắng gay gắt cuối cùng, tôi thấy ấm lòng gác lại một góc quê hương để bắt chuyến xe cuối ngày chạy qua thành phố.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ở phố huyện nào cũng có những ngày chợ phiên. Người ta mang rau trong vườn, cá dưới suối, cái rổ, cái rá đan được hay cả nải chuối chín trong mảnh vườn lãng quên của gia chủ... ra góp vào làm đông vui cho chợ. Tiếng chợ đánh thức tôi từ rất sớm, lại một ca làm việc căng thẳng trong một xưởng làm mộc, những cái máy “ăn” no điện đầu nguồn gằn lên nhức óc. Bụi gỗ bay mù mịt thơm tươi, phoi bào như những cánh hoa ban mỏng manh nằm phơi dưới sàn, nhịp hối hả của phố làm cảm giác một ngày ngắn lại.

Suốt ngày cặm cụi trong xưởng, hiếm khi tôi nhìn thấy mặt trời. Bỗng dưng, nhà xưởng tối sầm, các động cơ điện im bặt, nghe rõ từng tiếng bánh xe đạp điện cà trên mặt đường. Đám thợ “ồ” lên khoan khoái chạy ra, người bắn thuốc lào, người vội vã pha trà... trong khi người chủ xưởng mặt méo xệch vì lo không kịp thời hạn trả hàng cho khách. Tôi cũng vội vã bước ra, vượt qua màn khói thuốc lào từ các ống điếu rít lên, vượt qua hương trà Thái Nguyên thơm để đón chút sáng tự nhiên ngoài kia. Nhưng lạ thay, khi đã đứng ở sân, lại chỉ còn thấy gió lạnh thổi, bầu trời u ám. “Thôi!”, vậy là gió mùa lại về “càn quét” cái làng bên đèo vắng của mình. Nhớ hôm nào trước khi đi, tôi đã vứt bỏ mấy cái áo rét của bọn trẻ và bà tôi, định bụng mấy nữa mua áo mới khi các hàng áo rét của thị trấn xả hàng thu hồi vốn cho rẻ. Thế mà... rét lại nhanh quá, gió rét mà lòng tôi nóng như lửa đốt. Đi đâu, làm gì, vẫn cái làng, vẫn con ngõ đất đỏ au, cỏ xanh rì dẫn vào ngôi nhà quen thuộc. Bà một đời áo vá, cha mẹ tôi lam lũ, những đứa em ngây thơ giờ này có khi vẫn chạy nhảy trong cơn gió lạnh, đâu có biết gì. Tôi cứ nghĩ thế khi phóng chiếc xe máy cà tàng mượn của người bạn làm cùng từ bên này đèo ngược gió trở về.

Tháng Ba rét nàng Bân, bà tôi mộc mạc chân đất, miệng nhai trầu và bao lần vá áo cho chồng, cho con cho đến khi chân chậm mắt mờ. Gió lạnh thế, những người dân quê vẫn bám nương, bám ruộng, lưng bà tôi còng như một phoi bào mỏng manh cúi người quét lá vàng ngoài sân mà gió thổi về. Bao nhiêu cảm xúc lắng lại, cô đặc làm tôi chẳng thể nói gì. Những cái áo ấm tôi mang về khi ngoài đồi xa hoa xoan, hoa gạo đã rụng hết có muộn quá không khi cái rét đã tràn về? Nhìn khuôn mặt bà và những đứa em tím tái vì lạnh, tôi thấy ân hận vì không giữ được lời hứa với bố mẹ tôi đang làm ăn xa.

Có lẽ tiếng gọi âm thầm mà thôi thúc của ánh đèn thành phố phía hạ lưu những lúc nhá nhem hắt lên nền trời đã thôi thúc tôi, làm tôi không trụ lại ở cái làng bên đèo vắng này lâu được. Nhưng từ đôi mắt bà, đôi mắt những đứa em vẫn ánh lên một niềm vui, như thể nói với tôi: Chỉ có rét muộn thôi, còn khi ta luôn nhớ về những gì thân thương của ta thì không bao giờ là muộn...

Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.