Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.

Đã 2 tháng kể từ khi bà rời xa ông mãi mãi ở  tuổi 55 bởi căn bệnh ác tính, căn nhà có con cháu đi về thường xuyên nhưng ông vẫn thấy trống vắng bởi thiếu tiếng nói của bà. Ông nhớ lại cái ngày bà sinh con đầu lòng, bà bảo ông rằng bà thích nhất là được đi du lịch. Nhưng từ bé đến giờ bà chưa đi ra khỏi lũy tre làng bởi hoàn cảnh gia đình thiếu thốn trăm bề. Vậy nên sau này nếu có điều kiện ông hãy đưa bà đi du lịch những nơi bà muốn.

Bà bảo ông vậy bởi bà nghĩ ông là cán bộ có điều kiện đi đây đi đó. Nhớ đến đây, ông bần thần: "Tôi đã hứa với bà nghỉ hưu tôi sẽ đưa bà đi du lịch. Tôi cũng muốn cùng bà nhìn các con cháu lớn lên yên bề gia thất, muốn cùng bà già đi theo năm tháng.

Có nhiều điều tôi vẫn muốn làm cùng bà vậy mà chẳng còn cơ hội nữa. Giờ đây chỉ còn tôi ngồi đây, trong căn nhà vắng vẻ này với những dự định chưa thể và không thể thực hiện khi không có bà".

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cũng kể từ khi bà ra đi, ông bỗng cảm thấy sợ hãi khi phải ở nhà một mình. Ông chỉ sợ nhỡ ông cũng "đi" như bà mà các con chưa về, ông sợ không thể nói lời tạm biệt cuối cùng với những người ông yêu thương.

Những ngày xa bà, ông hay nhớ về quá khứ. Nhớ ngày ông bà mới yêu nhau. Ngày đó ông đã yêu bà ngay từ lần đầu gặp mặt bởi vẻ xinh tươi và giản dị như đóa hoa mọc dại ven đường của bà. Bà sinh ra ở quê, lớn lên trong cơ cực nên chịu thương chịu khó. Ông và bà đến với nhau chẳng có gì ngoài tình yêu và hai bàn tay trắng.

Ngày ông bà về chung dưới một mái nhà, căn nhà đơn sơ không có cả giường cưới, ông phải lấy tạm tấm gỗ kê làm giường. Nồi niêu cái sứt mẻ, cái méo mó bởi toàn là đồ đi xin hoặc bạn bè thương tình mang cho. Vợ chồng ông bắt đầu cuộc sống trong căn nhà nhỏ ở quê cách chỗ ông làm gần 30km.

Ông là cán bộ còn bà làm ruộng. Thu nhập của gia đình chả đáng làm bao. Những ngày mùa, bà thường tranh thủ đi gặt thuê, gánh lúa thuê kiếm thêm đồng tiền đóng học cho con. Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng bà lúc nào cũng vui vẻ vì bà biết ông thương bà, ông cũng hiểu bà rất thương ông.

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ông nhớ ngày bà báo tin có thai, cả hai nhìn nhau mắt ngân ngấn nước vì hạnh phúc. Tình yêu của ông bà đã đơm quả ngọt. Chỉ cần tưởng tượng mỗi khi đi làm về có con nhỏ chạy ra đón, những bữa cơm có con nhỏ ngồi bi bô là niềm hạnh phúc như dâng trào trong lòng ông.

Ngày bà chuyển dạ đứa con đầu lòng lúc giữa đêm đông rét cắt da, cắt thịt mà cha mẹ đôi bên thì ở xa nên chỉ 2 ông bà đắt díu đưa nhau đi viện. Bà đau mãi mà chưa sinh khiến ông vừa sợ vừa thương. Cho đến khi nghe tiếng đứa bé khóc chào đời, ông mới thở phào nhẹ nhõm nở nụ cười hạnh phúc.

Con gái bé nhỏ và xinh đẹp giống bà khiến ông ngắm nó không chớp mắt. Ông chưa bao giờ có cảm giác và nghĩ rằng, việc làm cha lại đem lại niềm hạnh phúc lớn lao như vậy.

Bà lấy ông cũng phải chịu khổ nhiều vì ông đi làm xa nhà. Việc chăm sóc con cái, đối nội, đối ngoại mình bà gồng gánh. Ngay cả kinh tế gia đình ông cũng chẳng giúp được cho bà bao nhiêu bởi đồng lương ba cọc ba đồng tằn tiện lắm ông mới phụ được cho bà thêm vài đồng. Vợ chồng ông cứ thế cùng nhau chăm chỉ làm ăn, chứng kiến con gái ngày một lớn. Rồi bà sinh thêm đứa thứ 2 cũng là con gái. Song ông thấy vô cùng hạnh phúc.

Ngày ấy ở quê vẫn trọng nam khinh nữ, nhưng 2 cô con gái nhà ông thì được ông cưng chiều rất mực. Cả hai được bố mẹ chăm lo học hành đến nơi đến chốn dù kinh tế không dư dả. Ông không vì bà đẻ con gái mà lạnh nhạt với bà. Ông nghĩ con nào cũng là con, trai hay gái không quan trọng bằng việc nuôi dạy con một cách đủ đầy, chu đáo.

Ông cũng bênh bà và bảo vệ bà, dứt khoát nói không khi cha mẹ ông có ý bảo vợ chồng ông đẻ thêm thằng cu.

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nhờ chăm chỉ làm lụng, vợ chồng ông cất được cái nhà cấp 4. Căn nhà tuy không to rộng nhưng là thành quả của nhiều năm hai vợ chồng chắt chiu dành dụm cộng với sự hỗ trợ của hai bên nội ngoại. Ông nhớ, ngày vợ chồng ông chuyển về ngôi nhà mới xây, bước vào căn nhà, bà xuýt xoa, ngắm nghía, chậm rãi sờ từng bức tường, nhìn từng góc nhà rồi vừa cười vừa nói: "Tốt rồi. Giờ cả nhà mình không phải lo lấy nồi, lấy chậu hứng nước mưa mỗi khi trời mưa nữa rồi".

Nghe bà nói, ông xót xa, trong lòng cảm thấy có lỗi vì đã không thể xây cho bà một ngôi nhà sớm hơn. Rồi bà bảo: "Con lớn lấy chồng rồi, giờ tôi chỉ mong  đứa út cũng yên bề gia thất là tôi với ông có thể an hưởng tuổi già". Ước mơ đó của bà còn chưa kịp thực hiện thì bà đã phải nhận cái "án tử" giáng xuống.

Bà không biết mình bị bệnh bởi cả đời mấy khi bà đi khám bệnh đâu. Bà vẫn tự tin rằng mình rất khỏe mạnh cho đến khi cảm thấy bữa cơm ăn không ngon, người lúc nào cũng mệt mỏi và sút cân nhanh. Căn bệnh ung thư dạ dày gặm nhấm cơ thể bà bao lâu nay đã di căn khắp cơ thể.

Bác sĩ bảo riêng với ông, bệnh của bà phát hiện quá muộn, cơ thể bà yếu rồi, không còn đáp ứng với các phương án điều trị, chỉ có thể dùng phương pháp giảm đau đớn và kéo dài thời gian sống. Những ngày tháng cuối đời của bà, ông xin nghỉ không lương để về chăm sóc bà.

Ông sợ bà tâm lý bệnh tật lại tiến triển nhanh hơn nên hầu như ông quanh quẩn bên bà. Ông nói dối bà là cơ quan cho ông nghỉ phép, khi nào bà khỏe lại ông sẽ tiếp tục đi làm. Thế nhưng bà lại rất lạc quan. Người phụ nữ nhỏ bé khi đối diện khó khăn lại mạnh mẽ khiến ông không ngờ. Bà vẫn thỉnh thoảng làm việc lặt vặt trong nhà. Đến khi chẳng còn đủ sức để làm gì nữa thì bà chỉ có thể nằm, thỉnh thoảng cố gắng đi lại vào ra nhưng một lời không kêu ca.

Ông lặng lẽ bên bà chăm sóc cho bà chu đáo như xưa kia bà chăm sóc ông. Rồi để bà an lòng, ông cũng không tỏ ra buồn bã nữa. Những lúc bà đã ngủ, ông lặng lẽ đứng bên bàn thờ gia tiên ước gì có phép màu để bà khỏe mạnh trở lại. Nhưng phép màu ấy đã không hiện ra.

Cả một đời làm vợ ông, cả một đời bà vất vả mà không một lời oán thán. Ông suy nghĩ, không biết có bao giờ bà cảm thấy hối hận vì đã lấy ông chưa? Ngước nhìn di ảnh của bà, ông thì thầm: "Nếu có kiếp sau, chúng ta vẫn là vợ chồng nhé. Tôi hứa, tôi sẽ làm một người chồng tốt hơn của bà".

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.
Cháu cầm lấy chút tiền này mà tiêu

Cháu cầm lấy chút tiền này mà tiêu

(PNTĐ) - Nó thường thấy khó chịu vì tính ông nội tiết kiệm, trước khi tiêu cái gì cũng phải cân nhắc, tính toán. Còn nó, và có lẽ cũng như nhiều thanh niên khác, thì luôn cho rằng, tiền kiếm ra là để tiêu, bóp mồm bóp miệng làm gì cho mệt.