Từ của cho, cách cho đến... cách nhận!

Chia sẻ

Người xưa thường nói “của cho không bằng cách cho” với hàm ý rằng, ý nghĩa cao quý nhất của việc trao quà không phải ở giá trị vật chất của món quà, mà chính ở cung cách ứng xử của người trao.

Từ của cho, cách cho đến... cách nhận! - ảnh 1

Nói nôm na rằng, làm từ thiện phải xuất phát từ tấm lòng sẻ chia với những người gặp khó khăn, chứ đừng vênh vang, trịch thượng vung tiền ra như ban phát hoặc như “bố thí”, như thế là không tôn trọng người nhận.

Từ đầu năm đến nay, nước ta trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, vừa phải gồng mình chống dịch Covid-19, vừa phải xoay xở giải cứu nông sản, hỗ trợ nhiều ngành nghề sản xuất, tìm giải pháp chống hạn mặn lại ào ạt tấn công Đồng bằng sông Cửu Long… Trước khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ, đóng góp chống dịch Covid-19, đã có khá nhiều người xông pha làm từ thiện, những tấm gương tiên phong từ các nghệ sĩ với các khoản tiền lớn khiến công chúng cảm động. Trong bối cảnh đó, cặp vợ chồng nghệ sĩ Đông Nhi-Ông Cao Thắng đóng góp 50 triệu đồng vào dự án nước sạch cho người dân miền Tây. Việc từ thiện của Đông Nhi - Ông Cao Thắng cũng rất ý nghĩa. Thế nhưng, họ lại bị một bộ phận cư dân mạng chỉ trích thậm tệ vì “keo kiệt, bủn xỉn”, bởi sự so sánh số tiền 50 triệu đồng với số tiền tỷ, chục tỷ, thậm chí trăm tỷ kia ủng hộ khác. Không ít người đem cả cát-sê của Đông Nhi so sánh với đám cưới chục tỷ của vợ chồng cô năm trước ra để chứng minh rằng “thu nhập thế, giàu thế” mà ủng hộ từ thiện chỉ… có thế.

Không chỉ Đông Nhi - Ông Cao Thắng, mà một số sao Việt cũng bị “lôi” ra như người đẹp Minh Tú bị chỉ trích vì ủng hộ số tiền 10 triệu đồng, khiến cô đau buồn phải tự… lột ví mình ra để thanh minh.

Làm từ thiện không giống với đấu giá hàng hoá, bắt đầu từ giá sàn rồi ai là người trả giá cao nhất sẽ là người chiến thắng, người trả giá lượt sau phải hô mức cao hơn lượt trước, càng bám đuổi nhau càng kịch tính và được cho là thành công. Đó không chỉ là câu chuyện “của cho không bằnh cách cho” hay “của một đồng, công một nén”, mà mỗi món quà từ thiện còn ẩn chứa tấm lòng sẻ chia, là văn hóa “cho” và “nhận” giữa hai phía. Tỷ phú Bill Gates ủng hộ 90% gia tài của mình, tổng cộng lên tới hàng chục tỉ USD là vô cùng đáng ngưỡng mộ, nhưng cô bé lớp 4 Nguyễn Ngọc Trinh dành tiền lì xì hơn 3 triệu đồng để mua khẩu trang tặng bà con, đồng thời viết bức thư chia sẻ suy nghĩ của mình gửi Thủ tướng Chính phủ cũng cảm động không kém. Bên trong mỗi món quà là một câu chuyện “cho đi” để “nhận về”. Không có người được, người mất, mà cả hai cùng thắng, cùng thu hoạch được những bài học tình người.

Vậy điều cần rút kinh nghiệm qua câu chuyện ì xèo chê từ thiện “bủn xỉn” là gì? Đó không chỉ là thái độ sân si của một bộ phận cư dân mạng, lấy giá trị hiện kim ra để đo các tấm lòng vàng, mà cả ở cách loan truyền và tiếp nhận những thông tin từ thiện trong dư luận. Những cái tít chạy đua về con số, nào trăm triệu đến “tiền tỷ”, “chục tỷ”, “trăm tỷ”… dễ khiến cho một bộ phận công chúng choáng váng, không hiểu… tiền từ thiện ở đâu mà nhiều vậy? Hàng trăm tỷ như thế thì số tiền ăn sáng, tiền một ngày lương của mình dự định quyên góp liệu có thấm vào đâu không? Làm từ thiện mà dường như vẫn còn thấy băn khoăn vì mình… chỉ là hạt cát nhỏ bé, không biết chừng còn bị “bêu riếu” là keo kiệt.

Có lần tôi đến một ngôi chùa. Trong bảng vàng công đức treo trong chùa dài dằng dặc, tôi tò mò xem thử và ngạc nhiên thấy danh sách không sắp xếp theo thứ tự số tiền đóng góp từ cao xuống thấp như thường thấy, mà theo thứ tự A, B, C tên của người hảo tâm. Người đóng góp 100 ngàn có khi ở trên người đóng góp 1 triệu, 10 triệu… Cụ trông nom quét dọn chùa thong thả nói, lòng hảo tâm của mỗi người không thể xếp cao thấp được nếu chỉ căn cứ vào lượng của cải đóng góp. Mỗi một đồng tiền đều có giá trị như nhau. Mọi người sau khi đóng góp sẽ tự thấy phần công đức đó được hồi hướng trở lại trong tâm mình như thế nào. Bảng vàng công đức đó làm tôi cứ suy nghĩ mãi. Người đóng góp nhiều tiền, đương nhiên rất đáng được tôn trọng, biểu dương, nhưng người đóng góp ít hơn cũng không vì thế mà phải xuống chiếu dưới.

Người làm từ thiện đương nhiên phải nhớ câu “Của cho không bằng cách cho”, từ thiện thì không đòi hỏi phải bia đá, bảng vàng. Nhưng những người thụ hưởng hay xã hội nói chung cũng phải có “cách nhận”, cách tri ân/ vinh danh một cách thấu đáo và tế nhị, tôn trọng tất cả những người có “của cho”, không phân biệt cao thấp, không so đo theo giá trị của cải. Việc thông tin về các kết quả từ thiện cũng không nên quá chạy theo các con số, mà nên nhấn mạnh vào những tấm lòng cụ thể, đã hy sinh, nhường cơm sẻ áo ra sao?

Từ “của cho”, “cách cho” đến “cách nhận” là cả một hành trình văn hóa uyển chuyển, cao đẹp và thấm đẫm những giá trị nhân văn.

Mỹ Nguyễn

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.