Người lao động gắng gượng chống đỡ với dịch bệnh

Chia sẻ

Những ngày này, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái (riêng trong tháng 2/2020 đã tăng 70 % so với cùng kỳ 2019).

Mặc dù đã đăng ký xong BHTN, nhưng sự lo lắng về tương lai khi không có việc làm khiến nhiều lao động, nhất là lao động nữ vô cùng lo lắng.

Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệpNgười lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề

Chị Hoàng Thị Thanh Mai, nhân viên lễ tân một khách sạn ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nằm trong số nhân viên bị cắt giảm nhân sự cho biết, đã hơn 3 tháng, khách sạn không có doanh thu vì dịch bệnh Covid-19 và đã đóng cửa từ hơn 2 tuần nay vì không đủ tiền để trang trải các chi phí. Toàn bộ gần 200 nhân viên đều được thông báo nghỉ việc. Công ty chỉ có thể hỗ trợ được khoản bảo hiểm thất nghiệp (TN) nên mọi người đều hết sức khó khăn.

Với các doanh nghiệp (DN), sự sụt giảm không phanh về doanh thu hiện hữu rõ rệt. Chị Trần Thị Oanh, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư TGYM Việt Nam, kinh doanh phòng tập thể hình, trung tâm tiếng Anh và bệnh viện tư nhân, cho biết: hơn 50% lao động (LĐ) của công ty đã phải nghỉ việc và được công ty hỗ trợ hơn 50% tiền lương.

Chị Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ tịch HĐQT công ty Thép Phú Thành cũng cho biết: Mặc dù công ty chưa phải tính đến chuyện cắt giảm nhân sự nhưng doanh thu đã sụt giảm tới 50%, giảm về cả lượng hàng hóa bán ra và giá thành. Các dự án phải dừng hoặc chậm lại. Công ty vẫn đang cố gắng san sẻ với người LĐ, nhưng tình hình bệnh dịch còn kéo dài, hai bên sẽ đều cảm thấy rất mệt mỏi. “Tôi biết nhiều LĐ do giảm sút thu nhập nên buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đồng thời phải tìm thêm việc thời vụ mới để có thêm đồng ra, đồng vào”.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), các DN thực hiện cắt giảm quy mô sản xuất tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu LĐ đang làm việc, nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ. Tiếp đó là các DN dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải, với gần 500.000 LĐ đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, trên 500.000 LĐ đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các DN thỏa thuận với người LĐ thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương… Hàng chục ngàn hộ sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh (riêng Hà Nội 2 tháng đầu năm đã lên tới 3.000 hộ).

Về nhu cầu tuyển dụng LĐ, tất cả các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm 2019 từ 20-30%, trong đó Hà Nội giảm 37%. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, từ tháng 1 đến giữa tháng 3/2020, có khoảng gần 10.000 lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp TN. Trong đó, nửa đầu tháng 3 có gần 3.000 người, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Những lĩnh vực ngành nghề có số lượng đăng ký thất nghiệp gia tăng là dệt may, du lịch, vận tải, chế biến, da giày, trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ khách sạn lưu trú, ăn uống....

Cần nhanh chóng có những giải pháp gỡ khó

Ngày 20/3/2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đã đồng ý với việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm DN: DN có từ 50% số LĐ trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; DN bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19. Theo tình hình hiện nay, Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu việc mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng của Covid-19 để nhận được hỗ trợ. Về điều kiện, Bộ LĐ-TBXH cũng sẽ đề xuất việc hỗ trợ sẽ áp dụng cho tất cả các DN chứ không phải chỉ có DN bị ảnh hưởng từ 50%. Với đề xuất như trên, Bộ LĐ-TBXH ước tính sẽ có khoảng 1,5 - 3 triệu người LĐ, 150.000 - 200.000 DN được hưởng lợi chính sách.

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với Tập đoàn Dệt may (Vinatex) chiều 25/3, đại diện Hiệp hội dệt may kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH về việc miễn toàn bộ việc đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 6/2020, sau đó cho hoãn đóng đến tháng 12/2020 đối với phần của người sử dụng LĐ và miễn đóng phần của người LĐ; Miễn đóng bảo hiểm TN đến hết năm 2020; Sử dụng quỹ bảo hiểm TN để chi trả 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm, 50% còn lại do Tập đoàn chi trả; Miễn phí công đoàn đến hết năm 2020.

Trong tình hình khó khăn này, có thêm nhiều giải pháp để sinh tồn là một điều cần có ở các DN và cả người LĐ. Chị Đặng Minh Quỳnh, Tổng giám đốc công ty TNHH JEP Japan, đơn vị kinh doanh lĩnh vực xây dựng cho biết: Doanh thu công ty đã giảm tới 90%, gần như chỉ còn các nhân sự chủ chốt làm việc toàn thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định: Trong nguy có cơ. Trong thời gian này, công ty chuyển sang hướng làm việc online. Điều này khiến cho nhân viên vẫn có việc làm. Các dự án bị đình trệ, nhưng chúng tôi chuyển qua tăng cường làm các khâu chuẩn bị, rà soát thị trường cũ và mới, xây dựng lại các chương trình chăm sóc khách hàng. Tôi nghĩ, cả người LĐ và DN lúc này đều phải rèn cho mình bản lĩnh độc lập và kỹ năng ứng phó.

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.