Covid-19 làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới ở Châu Á-Thái Bình Dương

Chia sẻ

Từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, bất bình đẳng về giới vốn đã hiện hữu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nay càng trầm trọng thêm. Điều đó khiến cho tình hình khó khăn của phụ nữ và trẻ em gái khu vực này trở nên tồi tệ hơn.

Việc phụ nữ mất thu nhập trong các tình huống lạm dụng khiến họ càng khó thoát ra khỏi vòng xoáy luẩn quẩn

Việc phụ nữ mất thu nhập trong các tình huống lạm dụng khiến họ càng khó thoát ra khỏi vòng xoáy luẩn quẩn (Ảnh: UN Women Vietnam)

Mất việc làm 

Báo cáo "100 ngày đầu tiên của đại dịch Covid-19 ở châu Á-Thái Bình Dương: Một góc nhìn về giới" của UN Women đưa ra bức tranh rõ nét về khía cạnh giới của các tác động kinh tế - xã hội bởi dịch bệnh. Đại dịch kéo theo nhiều thách thức khác, nhất là tác động tới đời sống kinh tế, chính trị tại nhiều nước, làm tình hình xung đột nhiều nơi xấu đi, gây ra tình trạng phân biệt đối xử, tác động tiêu cực tới phụ nữ, trẻ em.

Lao động nữ mất việc và dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng chục nghìn phụ nữ lao động nhập cư, thường làm việc không chính thức, đã bị buộc phải trở về nước và phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử, bên cạnh việc mất thu nhập. Cụ thể nhất là mặt hàng may mặc chiếm 84% xuất khẩu hàng hóa của Bangladesh nên gần 7 triệu lao động nữ ngành dệt may ở nước này đang gặp khủng hoảng trong đại dịch Covid-19. Bà Kalpona Akter - Giám đốc Trung tâm đoàn kết với người lao động Bangladesh - cho rằng, mất việc phần lớn đồng nghĩa với thiếu ăn. Ngoài ra, người lao động còn có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

Theo bà Rubana Huq - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp may mặc và xuất khẩu hàng dệt may Bangladesh (BGMEA), người lao động cần được hỗ trợ tiền lương trong 3 tháng tới. Nếu không, trên 4.000.000 lao động làm việc tại hơn 4.000 nhà máy phải ra đường. Nguy cơ hỗn loạn là có thật. Theo BGMEA, các đơn hàng bị hủy và bị từ chối đã vượt mức 3 tỷ USD khiến 1.108 nhà máy bị ảnh hưởng.

Bạo lực giới

Giãn cách xã hội làm tăng nguy cơ bạo lực gia đìnhGiãn cách xã hội làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình (Ảnh: UN Women Vietnam)

Khi nhiều quốc gia bị phong tỏa, hàng triệu người phải ở nhà để tránh khỏi sự lây nhiễm. Đây là một biện pháp bảo vệ nhưng nó còn mang đến một mối nguy hiểm chết người khác: Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang được xem là bóng tối của đại dịch Covid-19. Sự tù túng làm gia tăng căng thẳng được tạo ra từ những lo lắng về an ninh, sức khỏe và tiền bạc. Nó làm gia tăng sự cô lập đối với phụ nữ và kẻ bạo hành, tách rời họ khỏi cộng đồng và các nguồn lực có thể giúp đỡ họ một cách tốt nhất.

Đồng thời, khi hệ thống y tế trở nên quá tải, bạo lực gia đình cũng đạt đỉnh điểm và trở nên tồi tệ hơn do thiếu hụt dịch vụ trợ giúp vì các trung tâm phải chuyển hướng để ứng phó với dịch Covid-19.

Hơn 37% phụ nữ ở Nam Á, 40% phụ nữ ở Đông Nam Á và tới 68% phụ nữ ở Thái Bình Dương bị chồng hoặc bạn tình bạo hành. Đường dây nóng cho nạn nhân của bạo lực gia đình ở Malaysia đã báo cáo các cuộc gọi tăng 57%. Tại Singapore, đường dây nóng trợ giúp phụ nữ đã tăng 33% so với các cuộc gọi nhận được năm ngoái. Nếu không được xử lý, sự gia tăng của tình trạng này dưới các hình thức và biểu hiện khác nhau sẽ không chỉ làm trầm trọng thêm các tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn làm chậm quá trình phục hồi kinh tế trên toàn thế giới. Ước tính tổn thất từ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu vào khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD. Con số đó có thể tăng lên khi bạo lực gia tăng và tiếp diễn sau hậu quả của đại dịch Covid-19.

2 triệu phụ nữ nhiễm HIV thiếu thuốc điều trị

Báo cáo của UN Women đồng thời nhấn mạnh các nhu cầu cụ thể của các nhóm bị thiệt thòi và thiếu quan tâm bao gồm người tị nạn, phụ nữ khuyết tật, người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI). Đặc biệt, hiện có khoảng 2 triệu phụ nữ nhiễm HIV trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNAIDS, 2019). Họ phải đối mặt tình trạng bất bình đẳng giới phổ biến, bao gồm trình độ học vấn thấp, ít cơ hội tiếp cận thông tin, nguồn lực và cơ hội, mức độ tự chủ thấp hơn dẫn đến mức độ chịu bạo lực cao cùng với sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

Những người sống với HIV, đặc biệt là phụ nữ, đang phải đối mặt với những tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế và cũng như các biện pháp cách ly. Tại Trung Quốc, UNAIDS và liên minh BaiHuaLin của những người sống với HIV, với sự hỗ trợ Trung tâm phòng chống AIDS/STD, đã tiến hành một cuộc khảo sát với những người nhiễm HIV và phát hiện: Covid-19 đang có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người sống với HIV ở nước này. Theo kết quả khảo sát, khoảng 32,6 % những người nhiễm HIV đã báo cáo rằng, vì phong tỏa và hạn chế di chuyển, họ đã có nguy cơ hết thuốc kháng retrovirus (ARV) trong những ngày tới và khoảng 48,6% số người cho biết không biết phải tìm ARV ở đâu. Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HIV cũng có thể phải đối mặt khó khăn do mất việc làm và thu nhập (do giảm trong các hoạt động kinh tế cả chính thức và không chính thức) và tăng trách nhiệm chăm sóc, trong trường hợp có bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

P.V

Tin cùng chuyên mục