Vượt lên số phận - chinh phục giấc mơ

Chia sẻ

Hiếm có một nghệ nhân nào không thể nói, không thể nghe mà có tới một danh sách các giải thưởng danh giá về nghề, trở thành một trong những người trẻ tuổi nhất của làng gốm Bát Tràng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội như Phạm Anh Đạo.

Anh đã vượt lên hoàn cảnh và những thách thức nghiệt ngã của số phận để chinh phục những giấc mơ đẹp về nghề, về đời…

Sinh ra và lớn lên trong một làng nghề có thương hiệu gần một ngàn năm và là thế hệ con cháu thứ 19 của một dòng họ nổi danh của Bát Tràng- dòng họ Phạm Ngũ Chi - Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đạo đã không làm hổ danh các bậc cha chú, thậm chí còn góp phần làm rạng danh dòng họ nhờ tài năng của mình. Nghệ nhân đặc biệt này sở hữu một danh sách các giải thưởng danh giá như: Bằng khen tài năng trẻ làng nghề gốm sứ TP Hà Nội năm 2004, Giải xuất sắc “Bàn tay vàng” nghề gốm sứ 2006, Thợ giỏi gốm sứ Bát Tràng năm 2008, Một trong 10 công dân tiêu biểu của Hà Nội năm 2009.

Nghệ nhân Trần Anh Đạo và vợ tại phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên tại Việt Nam.Nghệ nhân Phạm Anh Đạo và vợ tại phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Số phận nghiệt ngã và đam mê chinh phục nghiệp tổ tiên

Hiếm có gia đình nào được phong tặng danh hiệu nghệ nhân cùng khoảng thời gian như gia đình Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đạo. Cha anh là Nghệ nhân làng nghề Phạm Ngọc Huy, người em sinh đôi của anh, Phạm Anh Đức, cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội cùng đợt. Bởi vậy, cùng với truyền thống của làng nghề, của dòng họ và của gia đình tự trong máu, nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã có sự đam mê dành cho gốm sứ. Chính niềm đam mê đó đã thôi thúc và giúp Đạo vượt lên những thiệt thòi của hoàn cảnh và số phận để thành công.

Không ai trong gia đình anh nghĩ rằng, một cậu bé còi cọc, suy dinh dưỡng và mất đi khả năng nghe, nói do điều kiện đời sống của 40 năm về trước giờ đây lại trở thành một nghệ nhân giỏi và danh tiếng của làng như anh Đạo. Suốt từ lúc 5 tuổi, anh đã khiến gia đình âu lo và thương cảm vì không nói được mà nguyên nhân do bệnh viêm phế quản ngày nhỏ phải uống kháng sinh liều cao gây ra. Khả năng nghe của anh không còn, gia đình đã nỗ lực trong vô vọng gửi Đạo tới trường nhưng anh không thể viết. Sau đó, anh được gia đình xin cho vào làm trong Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng với những công việc phụ và ở giai đoạn này Phạm Anh Đạo bắt đầu thể hiện niềm đam mê nghiệp gốm.

Ai cũng nhớ một thói quen của Phạm Anh Đạo, là anh thường lặng lẽ quan sát một cách chăm chú vào từng cử chỉ của những người thợ gốm. Kể cả lúc ở Xí nghiệp gốm sứ cho tới khi về nhà, cứ lúc nào bố anh bắt đầu công việc làm gốm theo phong cách thủ công truyền thống là anh lại sán tới, say mê ngắm nhìn và bắt đầu thử nghiệm công việc. Thấy con yêu thích và bộc lộ khả năng với nghề gốm gia đình anh đã đầu tư mở lò gốm nhỏ cho con. Đạo đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ những nắm đất trên bàn xoay và những sản phẩm đầu tiên ra đời. Không phụ lòng dòng tộc, không hổ danh với ông nội của anh, một thợ giỏi của làng, cụ Phạm Ngọc Oánh mà dân làng trân trọng gọi là Cụ Liệu - người đã hướng dẫn và góp phần vào thành công của lớp thế hệ Nghệ nhân nổi tiếng sau này của Bát Tràng - Phạm Anh Đạo đã cho ra lò những mẻ gốm nặn tay đầu tiên thành công hơn mong đợi.

Nhưng, cuộc sống không dễ dàng với bất cứ ai. Bắt tay vào sự nghiệp khi tuổi đời không còn trẻ so với đông đảo những người thợ của làng vốn quen việc từ lúc còn thơ, chàng trai gần đôi mươi Phạm Anh Đạo đó đã vấp phải những khó khan, nan giải. Đó là thời điểm làng gốm Bát Tràng bắt đầu rộ lên phương thức làm gốm mới theo công nghệ đổ rót: một mẻ gốm cho ra đời số lượng sản phẩm lớn, đều đẹp, ít có nguy cơ hỏng hóc trong khi gia đình Đạo không có điều kiện kinh tế để đầu tư công việc theo phương thức này.

Không có tiền đầu tư làm hàng mẫu, đúc khuôn, không có điều kiện thuê thợ đổ rót, lại gặp những khó khăn trong việc trao đổi hay chia sẻ những kinh nghiệm do không nói hay nghe được, nhưng Đạo không chấp nhận những xui rủi này, anh đã kỳ cụi ngày đêm một mình thực hiện từ đầu tới cuối toàn bộ các công đoạn để cho ra đời một sản phẩm gốm sứ hoàn thiện như: từ khâu xử lí, pha chế đất tới việc thực hiện các kĩ thuật “vuốt - nặn - vẽ”… hoàn toàn bằng phương thức thủ công truyền thống.

Tuy có được những thành công ban đầu so với bản than, nhưng những sản phẩm Đạo làm ra so với mặt bằng chung hàng hóa thời điểm đó vẫn có một sự chênh lệch nhất định và nhiều người lời ra tiếng vào với các sản phẩm của Đạo. Đây là điều không thể tránh khỏi và cũng là một thách thức cần thiết cho bất kỳ người thợ nào của làng nghề nổi tiếng này. Bởi Bát Tràng là mảnh đất đòi hỏi những người con bắt buộc phải giỏi về nghề và giỏi kinh doanh. Phạm Anh Đạo không thể có ngoại lệ chỉ vì hoàn cảnh hay số phận của mình.

Vượt lên số phận - chinh phục giấc mơ - ảnh 2

Người ta thẳng thắn cho rằng những sản phẩm của Đạo không thể bán được, mà nếu muốn thay đổi cuộc sống, muốn vượt qua cái nghèo thì lại càng cần phải suy nghĩ và đầu tư lại. Bên cạnh thực tế và những góp ý “sự thật mất lòng ấy” cũng không tránh khỏi lời ong tiếng ve hay những chê bai, dè bỉu…

“Trời không phụ lòng người” và niềm hạnh phúc vẹn tròn

Các cụ dạy rằng: “Ông trời không lấy đi hết của ai cái gì”- câu này thật đúng với Phạm Anh Đạo, bởi do không nghe được nên anh hoàn toàn không bị chi phối bởi những lời lẽ tiêu cực từ xung quanh và vẫn hồn nhiên với những đam mê trong gian khổ, khó khăn của mình, cứ cặm cụi từng bước điều chỉnh sản phẩm.

Và “Trời không phụ lòng người”. Cùng với niềm đam mê, sự nỗ lực lò gốm của Đạo cho ra đời những sản phẩm độc đáo, không cái nào giống cái nào: vừa mộc mạc, giản dị, vừa tinh tế và cuốn hút phảng phất hồn cốt của người thực hiện qua từng công đoạn làm thủ công truyền thống. Hiện tại ở Bát Tràng, chỉ còn duy nhất Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đạo làm gốm thuần theo kĩ thuật thủ công truyền thống và anh được nhân dân trong vùng ca ngợi là người duy nhất khơi lại và gìn giữ kĩ thuật này. Không chỉ ở những cuộc triển lãm mà cả ở những đơn đặt hàng, chỉ cần mô phỏng ý tưởng với cục đất và bàn xoay lập tức Nghệ nhân Phạm Anh Đạo sẽ cho ra đời những sản phẩm nên hồn, nên cốt. Rất nhiều lò gốm trong vùng khi thực hiện những sản phẩm lớn đều tới nhờ Nghệ nhân Phạm Anh Đạo thực hiện vuốt bởi chưa có cái khuôn nào theo công nghệ mới đổ rót ra một sản phẩm… khủng.

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo luôn được anh em bạn nghề mến phục, bà con lối xóm trước lời nọ, tiếng kia nay đi tới đâu cũng nức lòng ca ngợi. Sản phẩm của anh không chỉ bán được mà còn có nhiều đơn đặt hàng. Đạo được mời tham dự các triển lãm, các cuộc trưng bày và đoạt nhiều giải thưởng danh giá.

Vợ anh đã “khăn gói quả mướp” theo chồng, chị chia sẻ rằng vì Đạo không nói được, nghe cũng khó khăn nhưng đó là một người tài năng và chịu thương chịu khó nên chị chủ động tấn công và sẵn lòng “nâng khăn sửa túi”. Em trai sinh đôi cùng Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đạo, Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đức cho biết: “Điểm nổi bật trong tính cách của anh Đạo là thật thà, chân thành với mọi người, cả ở trong gia đình tới ra ngoài xã hội. Anh ấy được anh em bạn bè cũng như bạn nghề quý mến, trân trọng. Các cụ nhà ta có câu: “Giàu vì bạn, sang vì vợ” nên với cuộc sống hiện tại bây giờ của một người thiệt thòi về số phận như anh Đạo thì ai cũng khen là quá tuyệt vời rồi!”. Điều anh Đạo tự hào và hãnh diện là con trai mình, bé trai Phạm Duy Anh, ngay từ nhỏ cũng đã bày tỏ tình yêu với gốm và mong ước sẽ nối nghiệp cha, không chỉ tài năng mà còn gìn giữ được giá trị nghề của truyền thống của gốm Bát Tràng xưa.

Minh Nhi

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.