Hà Nội đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản

Chia sẻ

Hiện nay, để quản lý chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code. Việc này vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng và người tiêu dùng, doanh nghiệp đều hưởng lợi.

Sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc bán tại một hội chợ kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Đăng KhôiSản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc bán tại một hội chợ kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô. (Ảnh: Đăng Khôi).

Doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng lợi

Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 3-1-2018 của UBND thành phố Hà Nội về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay, hệ thống này đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 2.746 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản. Đồng thời đã cấp 7.771 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 543 mã sản phẩm so với cuối năm 2019).

Việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, minh bạch sản phẩm trên thị trường và người tiêu dùng được hưởng lợi. Đứng ở góc độ của người sản xuất, theo ông Hoàng Văn Khảm - Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), sau hơn 2 năm thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của hợp tác xã được đối tác và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Hiện nay, bình quân mỗi năm hợp tác xã cung cấp 720 tấn rau, quả an toàn cho thị trường. Mỗi ngày, sau khi thu hoạch tại ruộng, rau được đưa về kho phân loại, sơ chế, dán tem truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, việc ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc còn nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hiền (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, đây là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn nữa, khi dán tem, người tiêu dùng dễ dàng có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bằng điện thoại thông minh về: Thông tin nơi sản xuất, nhà sản xuất, tên loại rau, giá cả và ngày, tháng sử dụng. Đặc biệt, việc này tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trà trộn trên thị trường.

Đánh giá về hiệu quả của việc ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay: Việc này nhằm nâng cao nhận thức trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm để doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng nhau ngăn chặn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trên thị trường. Qua đây, người sản xuất và doanh nghiệp phân phối thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về khâu nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển thực phẩm…

100% số chuỗi sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc

Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, theo ông Nguyễn Thế Lâm - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh), các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ cho hợp tác xã về việc dán tem truy xuất nguồn gốc rau, quả; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm hàng nhái, hàng giả để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thực hiện mục tiêu Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, cuối năm 2020, thành phố phấn đấu duy trì, tăng mới hơn 20% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố; phấn đấu 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code. Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở các cơ sở, tập trung vào các sản phẩm, cơ sở có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những sản phẩm vi phạm để người tiêu dùng biết và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Cùng với đó là đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng, tập trung vào các sản phẩm rau, thịt; điều tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm mất an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội…

 QUỲNH DUNG/HNM

 

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/968159/ha-noi-day-manh-phat-trien-he-thong-truy-xuat-nguon-goc-nong-san

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.