Nhiều chỉ tiêu, kết quả sản xuất kinh doanh trong tháng 5 của Hà Nội tăng

Chia sẻ

Sáng 29/5, đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND TP.

Phiên họp giao ban trực tuyến tháng 5 của UBND TPPhiên họp giao ban trực tuyến tháng 5 của UBND TP (Ảnh: X.H)

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: sang tháng 5, sau khi dịch bệnh Covid -19 được kiểm soát, “trạng thái bình thường mới” được thiết lập trên cả nước, trong đó có TP Hà Nội, hầu hết các chỉ tiêu, kết quả sản xuất, kinh doanh đều tăng so với tháng 4. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng đầu năm nhiều chỉ tiêu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 12,3% so với tháng 4 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019; lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 2,6% (cùng kỳ tăng 7,1%). Có 25/46 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng sản lượng, trong đó 15 sản phẩm tăng cao trên 10%;  có 21/46 sản phẩm giảm sản lượng.

Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 5 tăng 20,9% so với tháng 4 và tăng 7,7% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 3,3% (cùng kỳ tăng 10,4%). Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 4,7% so với tháng 4, giảm 13,7% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng giảm 8,5% (cùng kỳ tăng 6,8%). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm ước đạt 102.923 tỷ đồng, đạt 36,9% dự toán, bằng 94,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 19,2%). Chi ngân sách địa phương thực hiện 23.724 tỷ đồng, đạt 23% dự toán.

Các chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 tiếp tục duy trì xếp hạng khá: Chỉ số PCI đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAR Index đạt 84,64%, năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 1.056 triệu USD; thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 9,16 nghìn tỷ đồng (4 dự án mới, 26 dự án điều chỉnh tăng vốn). Có 12.260 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 181,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10% về số lượng nhưng tăng 9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; 1.261 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 25%); 7.075 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 49%); 3.669 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 24% so với cùng kỳ).

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được chỉ đạo sát sao, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của Thành phố đã tích cực vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid19 bằng tiền mặt, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị y tế tổng trị giá trên 172 tỷ đồng.

An sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Trên 99,9% số đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ với số tiền khoảng 474,1 tỷ đồng; TP tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 hỗ trợ đối với người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Xét duyệt cho vay từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho 22.926 lao động với số tiền 1.009 tỷ đồng; duyệt trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 22.188 người với số tiền 496,2 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 6, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP đã trải qua 43 ngày gần nhất không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tất cả 118/118 bệnh nhân đã khỏi bệnh. TP tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19, triển khai các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế; chuẩn bị các nội dung tổ chức kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; đẩy nhanh thực hiện xây dựng trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia, đảm bảo chương trình, tổng kết năm học 2019-2020 và chuẩn bị tốt cho năm học 2020-2021; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết.

Duy trì tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Chuẩn bị phục vụ tốt kỳ họp giữa năm của HĐND TP; triển khai tốt các điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng bộ TP; xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định cho thời kỳ ổn định ngân sách mới 2021-2025...

Tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức thành viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và các nhiệm vụ chính trị, phát triển KTXH; tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, khiếu kiện tập trung đông người tiềm ẩn mất an ninh, trật tự. Đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, ngoại giao; thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.