Nữ Chi hội trưởng nhiệt tình, sáng tạo với công tác bảo vệ môi trường

Chia sẻ

Đến nay, hình ảnh những người phụ nữ xách làn nhựa đan từ dây buộc hàng đã trở nên quen thuộc tại các chợ ở phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhờ đó, lượng túi nilon sử dụng cũng giảm đi đáng kể. Để có được thành quả này, không thể không nhắc tới người khởi xướng ra mô hình: cô Nguyễn Thị Túc – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 5.

Cô Nguyễn Thị Túc (người thứ 2 từ phải sang) tại buổi khai giảng lớp tập huấn kỹ thuật đan làn nhựaCô Nguyễn Thị Túc (người thứ 2 từ phải sang) tại buổi khai giảng lớp tập huấn kỹ thuật đan làn nhựa

Cô Túc nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 5 phường Xuân La năm 2009. Trong buổi giao ban công tác đầu năm và triển khai nhiệm vụ, cô Túc đã nghĩ ra và đăng ký mô hình làm làn nhựa từ phế liệu để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi nhận thấy địa phương mình rất coi trọng vấn đề bảo vệ và cải thiện môi trường, giảm thiểu túi ni lông và rác thải khó phân hủy. Lại thấy trong khu dân cư có đại lý nước, hàng ngày họ bỏ đi rất nhiều dây nhựa buộc hàng. Những chiếc dây này đủ màu, lại chắc chắn. Khu dân cư số 5 còn có bác Phạm Gia Hùng hay tự đan làn để dùng trong gia đình, vậy nên tôi đã bàn với bác Hùng sử dụng những chiếc dây nhựa kia để đan thành làn và tặng cho hội viên phụ nữ để khuyến khích chị em. Bác đồng ý ngay. Ban đầu, những chiếc làn được đan để tặng cho những hội viên có đóng góp tích cực, tặng cho nhà chùa và dần dần tặng cho tất cả chị em trong chi hội, nhằm đóng góp một phần nhỏ bảo vệ môi trường. Chị em rất thích và hưởng ứng. Cô Nguyễn Thị Hòa, hội viên Chi hội phụ nữ số 5 cho biết, nếu trước đây, toàn bộ thực phẩm mua ở chợ đều đựng trong túi ni lông thì nay được đựng trong làn nhựa. Mỗi ngày, mỗi nhà giảm được ít nhất 2 chiếc túi ni lông, nếu tính cả khu dân cư sẽ giảm rất nhiều. 100% chị em chi hội phụ nữ số 5 dùng làn nhựa, mỗi buổi sáng hình ảnh các chị xách làn nhựa tự làm từ phế liệu đi chợ đã trở thành một nét đẹp vừa truyền thống, vừa văn minh.

Từ ngày phát động, những chiếc làn nhựa đã góp phần tô điểm cho nét đẹp của chị em phụ nữ Chi hội số 5 nói riêng và phường Xuân La nói chung. Dịp mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và khởi nghĩa Hai Bà Trưng vừa qua của Hội LHPN quận Tây Hồ, Hội LHPN phường đã chọn những chiếc làn nhựa mang đến trưng bày và được nhiều chị em các phường khác thích thú, đặt mua. Mỗi chiếc làn được bán với giá rất rẻ, dao động từ 10 đến 30 nghìn đồng tùy kích thước. Với mức giá khá rẻ và hơn cả là mục đích tuyên truyền, khuyến khích người dùng bảo vệ môi trường, mô hình đã thực sự thành công sau gần 10 năm ra đời. Ngày 19/4/2019, lớp tập huấn kỹ thuật đan làn nhựa của Hội LHPN phường Xuân La đã được khai giảng, thu hút nhiều chị em tham dự, với sự hướng dẫn của chính bác Phạm Gia Hùng. Các buổi học sẽ được diễn ra vào chủ nhật hàng tuần và kết thúc vào cuối tháng 5. Sản phẩm sau đó sẽ được trưng bày nhằm tuyên truyền tái chế và tái sử dụng vật dụng, giảm thiểu rác thải trong các hộ gia đình, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và gây nguồn quỹ cho chi hội.

Cô Túc tự nhận mình là người hay nghĩ ra nhiều việc để làm, việc gì càng có ích cho môi trường, cho cộng đồng, cô càng hăng say thực hiện. Không chỉ được nhớ tới bởi ý tưởng đan làn nhựa đi chợ từ phế liệu, cô còn sắp sửa mang đến cho các chị em một ý tưởng mới: làm nước rửa chén bát an toàn từ vỏ trái cây. Nguyên liệu cũng dễ tìm – giống như những chiếc dây buộc hàng ở đại lý nước bỏ đi vậy. Vỏ trái cây được bỏ ra ở chợ như vỏ dứa, lõi dứa, quả bồ hòn… cô nghiên cứu kỹ trên mạng và cùng con dâu làm đi làm lại. Cuối cùng, cô đã cho ra một sản phẩm không hại da tay, tẩy sạch được dầu mỡ và không gây hại cho trẻ em…

Chi hội phụ nữ số 5 là đơn vị luôn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ do cấp trên triển khai và tích cực sáng tạo cho phù hợp với bản sắc và tình hình địa phương. Ở khu dân cư số 5 có đình Quán La và chùa Khai Nguyên là hai di tích cổ. Trước cửa đình là tượng đài Bác Hồ. Tháng 11/2018, nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm, cô Túc đã đề xuất với mặt trận khu dân cư và cấp ủy cho chị em phụ nữ được đảm nhiệm phần việc vệ sinh môi trường của tượng đài Bác Hồ và khuôn viên đình, chùa. Hưởng ứng phong trào đó, chị em đã thành lập mô hình tự quản với 30 thành viên ban đầu, ra mắt tại tượng đài Bác Hồ, có các ban ngành của phường và Hội LHPN quận về dự. Ngoài ra, trong công tác dân vận, cô Túc cũng được mọi người tin tưởng và đánh giá cao. Tại địa phương, bác Phương Văn Ngoại có một mảnh đất giáp đường, sát với một khu dân cư của trường Đại học Nội vụ với diện tích 186m2. Mảnh đất này bỏ không nên rác được tập kết về đây ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân xung quanh. Cô Túc đã động viên bác Ngoại tặng lại mảnh đất cho tập thể, từ đó cô sẽ vận động nhân dân quyên góp tiền đền bù và bác đồng ý. Sau đó cô vận động công khai tới người dân tiền đền bù đất cho bác Ngoại, thuê xe ủi chuyển hơn 100m3 rác, lát xi măng… Cuộc vận động này mất hàng năm mới thành công, vì cô Túc còn phải đối mặt với những khó khăn như tìm đối tác cải tạo lại mảnh đất, sự tranh chấp của những người muốn lấn chiếm mảnh đất làm của riêng. “Tôi phải dựa vào mặt trận, cấp ủy, công an, ủy ban và phải hết sức nỗ lực, hết sức mềm mỏng mới làm được”. Giờ đây, mảnh đất đã trở thành tài sản chung của người dân phường Xuân La, góp phần làm rộng đường đi, thông thoáng cảnh quan khu vực.

Từng là bộ đội cấp dưỡng, rồi trở thành cán bộ làm việc tại Ban Cơ yếu Chính phủ, thời còn công tác, cô Túc cũng rất năng nổ tham gia hoạt động Hội Phụ nữ và công đoàn. Có lẽ vì thế mà trong gần 10 năm đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 5, cô đã cùng với Chi hội hăng hái, tích cực vào các hoạt động chung của địa phương. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Xuân La Trần Thị Thúy Ái cho biết, Chi hội phụ nữ số 5 luôn được Hội Liên hiệp phụ nữ phường và cấp ủy đánh giá là Chi hội xuất sắc trong nhiều năm qua, đặc biệt trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chi hội vừa được Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội biểu dương là tập thể điển hình tiên tiến đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Thành tích này chắc chắn không thể thiếu sự nỗ lực, hăng say cống hiến của người Chi hội trưởng Nguyễn Thị Túc.

QUỲNH ANH

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.