Lưu ý khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi

Chia sẻ

Những thay đổi về chức năng sinh lý cũng như trạng thái bệnh lý ở người cao tuổi làm ảnh hưởng đến quá trình dược động học và tác dụng của thuốc. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh một lúc, đa phần trong đó là bệnh mạn tính, vì vậy phải dùng nhiều thuốc đồng thời. Điều này dẫn đến nguy cơ gặp tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn

Một số tương tác không mong muốn của thuốc thường thấy như: Sự suy giảm chức năng thận ở người cao tuổi sẽ làm giảm bài tiết của nhiều thuốc, dẫn đến nguy cơ tích lũy thuốc trong cơ thể và làm tăng khả năng gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc. Người cao tuổi tăng lượng mỡ, giảm tỷ lệ khối cơ nên một số thuốc an thần như diazepam với đặc tính tan trong mỡ, sẽ dễ gây tích lũy dẫn đến tác dụng an thần kéo dài, tăng nguy cơ té ngã, cần sử dụng bắt đầu với liều thấp.

Bác sĩ BV Hữu nghị Việt xô tư vấn sử dụng thuốc cho người cao tuổi.Bác sĩ BV Hữu nghị Việt xô tư vấn sử dụng thuốc cho người cao tuổi. (Ảnh: BVCC)

Một số thuốc điều trị bệnh lý này có thể làm nặng thêm một tình trạng bệnh lý khác: ví dụ thuốc diphenhydramin được chỉ định điều trị các triệu chứng dị ứng có thể làm nặng thêm tình trạng bí tiểu ở người đã có sẵn bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt. Tình trạng suy giảm nhận thức khiến người cao tuổi gặp khó khăn trong việc tuân thủ điều trị. Người cao tuổi có xu hướng sử dụng các thảo dược và thực phẩm chức năng, dẫn đến nguy cơ gặp phải các tương tác với thuốc điều trị bệnh nếu không được cán bộ y tế tư vấn kỹ.

Hậu quả nếu sử dụng thuốc không hợp lý ở người cao tuổi

So với người trưởng thành, người cao tuổi có nguy cơ gặp phải các biến cố bất lợi từ việc dùng thuốc cao hơn gấp 2-4 lần (ví dụ: nguy cơ hạ đường huyết, tụt huyết áp, táo bón, té ngã, bí tiểu, suy giảm trí nhớ). Thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện vì sử dụng thuốc không hợp lý như: Bệnh nhân tự ý mua thuốc nam, thuốc đông y uống để điều trị bệnh dẫn đến suy gan, suy thận cấp, hôn mê, tăng đường huyết... Có trường hợp bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện vì tự ý mua thuốc giảm đau, kháng viêm uống để trị đau nhức khớp.

Bệnh nhân uống thuốc điều trị đái tháo đường quá liều hoặc bỏ bữa ăn dẫn đến tụt đường huyết quá mức, hậu quả có thể gây té ngã, ngất xỉu và nặng hơn có thể gây hôn mê. Nếu không tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc như: tự ý bẻ viên thuốc, nghiền thuốc hoặc tháo viên nang có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ do thuốc và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị ở người cao tuổi. Ngoài ra, hay gặp ở người cao tuổi là tự ý tháo viên nang của thuốc chống đông (thuốc chỉ định trong một số bệnh tim mạch) để dễ uống thuốc làm tăng nguy cơ xuất huyết và phải nhập viện do thuốc.

4 nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn ở người cao tuổi

Thứ nhất: Người bệnh cần sử dụng thuốc được kê đơn từ bác sĩ theo đúng chỉ hướng dẫn: không tự ý bẻ, nghiền thuốc, ngưng thuốc, giảm liều hoặc tự ý mua thêm thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Thứ hai: Giữ lại các đơn thuốc và sắp xếp theo thứ tự thời gian: đảm bảo người nhà và các bác sĩ (kể cả trường hợp điều trị với nhiều bác sĩ khác nhau) biết được thông tin của tất cả các thuốc mà người cao tuổi đang dùng (gồm tên thuốc, liều dùng) cũng như các thực phẩm chức năng, thảo dược và những thay đổi về việc dùng thuốc gần đây. Điều này đặc biệt hữu ích trong trường hợp cấp cứu, đi du lịch hoặc có dị ứng thuốc.

Thứ 3: Lưu ý về những tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn có thể xảy ra: tương tác thuốc có thể xảy ra khi hiệu quả của một thứ thuốc bị thay đổi do sử dụng cùng với một thuốc khác, dược thảo, thức ăn, đồ uống hoặc một tình trạng bệnh lý làm cho một loại thuốc trở nên gây hại.

Việc đọc kỹ thông tin kê toa của mỗi loại thuốc hoặc tham vấn với bác sĩ, dược sĩ sẽ giúp biết thêm thông tin về thuốc, hạn sử dụng, cách bảo quản đúng và hạn chế được những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Ví dụ việc sử dụng nitroglycerin là một thuốc điều trị đau thắt ngực nhưng có chống chỉ định dùng cùng với thuốc điều trị rối loạn cương dương như Sildenafil (Viagra) vì có nguy cơ gặp tương tác thuốc nghiêm trọng gây hạ huyết áp quá mức, nguy hiểm đến tính mạng. Cần luôn chủ động thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết về những bất thường trong quá trình dùng thuốc.

Thứ 4: Cùng bác sĩ, dược sĩ trao đổi về tất cả các thuốc, chế phẩm bổ sung, thảo dược đang dùng trong mỗi lần thăm khám, để xác nhận lại các thuốc đang sử dụng có cần thiết dùng tiếp không hay có thể ngưng chế phẩm bổ sung hoặc loại thảo dược đang dùng có phù hợp không. Việc trao đổi này giúp hạn chế các tương tác thuốc, tác dụng không mong muốn và tiết kiệm chi phí.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.