Chuyến đò muộn

Chia sẻ

Nhìn hai đứa con mũm mĩm, tinh nghịch, Huyền mỉm cười hạnh phúc viên mãn, và thầm cảm ơn mẹ đã cho cô hạnh phúc này…

Mai là ngày giỗ của mẹ Huyền, cô sửa soạn hoa quả để cùng gia đình ra mộ mẹ thắp hương. Năm nào cũng vậy, dẫu ở xa hàng trăm cây số, nhưng Huyền và gia đình đều thu xếp về sớm nhất trong ngày giỗ mẹ. Lần giỗ thứ 10 của mẹ thật đông đủ, hai vợ chồng chị gái Huyền bên Thái Lan cũng về. Thấy chị đi bước nữa mà tíu tít như gái đôi mươi, Huyền cũng bật cười hạnh phúc…

Thắp hương, mời mẹ về gia đình ăn giỗ, các chị em khác đã về nhà, còn Huyền sẽ luôn nán lại về sau cùng. “Mẹ, con ở xa, một năm chỉ về thăm quê và mẹ 2 lần. Con nhớ mẹ nhiều. Từng lời mẹ dặn trước lúc rời xa chúng con, nay con đã hoàn thành…”, Huyền thì thào áp đầu mình vào làn cỏ trên mộ như đang áp vào lòng mẹ, khi mẹ còn sống…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhà Huyền có 3 chị em, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi các con ăn học. Lúc nào mẹ cũng tự hào về chị em Huyền mặc dù bà phải chịu không ít lời chê bai… Chị gái Huyền lập gia đình ngay sau khi học xong cao đẳng. Tình yêu đầu, vội đến và vội kết thúc ngay khi chị sinh bé đầu lòng. Chồng ngoại tình, gia đình không yên ấm, anh chị ly hôn, chị nhận nuôi con nhỏ. Lang thang nơi xứ người, công việc không ổn định, chị cắp hai con về ngoại. Đến khi cậu út lập gia đình, có con, bà ngoại lại chăm sóc luôn 3 cháu. Bận, nhưng bà vui, tiếng nói tiếng cười khắp nơi. Ấy vậy mà khi gia đình xum họp, phía sau nụ cười của mẹ, luôn ánh lên nỗi buồn sâu thẳm.

Huyền là đứa con gái thứ 2, tuy nhiên, cô là người hay thì thầm với mẹ nhất. Mặc dù bao năm học tập, làm việc trên Hà Nội, nhưng cuối tuần nào cô về là mẹ con lại thủ thỉ cả đêm. Khác với chị gái, tính Huyền nhẹ nhàng hơn, trầm hơn. Huyền số muộn chồng. 36 tuổi, nhiều trai làng cũng như bạn bè tán tỉnh, nhưng cô không yêu ai. Huyền bảo chỉ muốn sống một mình, đi làm, cuối tuần về với mẹ và các cháu. Huyền rất quý bọn trẻ, thường gọi chúng là con khiến nhiều người tán tỉnh Huyền, còn tưởng cô đã có gia đình, con riêng…

Trong làng, mọi người thường hỏi thăm chị em Huyền dạo này thế nào. Huyền sắp lấy chồng chưa, hay ở vậy, chị Huyền có đi bước nữa không?… Đáp lại những câu hỏi như thế này, mẹ Huyền thường bảo: Ui, các cháu nó cứ cảm thấy cuộc sống vui vẻ, thoải mái là được. Tôi tôn trọng quyết định của con… Ấy thế nhưng cũng có người phũ mồm nói luôn: “Cũng muốn đẩy 2 quả mìn nổ chậm lắm, nhưng chưa được”, hay những lời nói sau lưng: “Nhà bà chán quá, con lớn thì chồng bỏ, con thứ hai thì ế chồng”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Những lúc như vậy, nếu gặp chị em Huyền ở nhà, bà thường nắm tay các con, kể chuyện tình yêu của bố mẹ thời xưa. Mặc dù bố mẹ lấy nhau khá muộn, đám cưới toàn người dắt cong đi cùng, nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc. Cuộc sống của bố mẹ nghèo, nhưng vui… Mẹ không một lần than vãn, trách con phải thế này, thế kia, người ta nói, người ta chê… Nhưng đằng sau nụ cười đó, Huyền biết, mẹ vẫn luôn mong cô gái lớn sớm tìm được bến đò mới. Đặc biệt mong Huyền sớm tìm được hạnh phúc. Còn Huyền, cô không nói với mẹ lý do vì sao cô không muốn lấy chồng, nhưng có lẽ mẹ là người hiểu cô hơn ai hết. Cô sợ tình cảm của mình gửi nhầm chỗ, để rồi lại khổ như chị gái.

“Con nghe mẹ một lần đi, Sơn thương con và hiểu về gia đình mình nhất. Bao năm chẳng yêu ai, chỉ chờ con gật đầu…”, Huyền không ngờ lần đầu tiên mẹ nhắc chuyện chồng con với cô lại là lần cuối. Còn nhớ cách đây 10 năm, cô đang làm thì nhận được điện thoại của em trai về gấp, mẹ bị tai biến. Bắt taxi chạy về viện, nhìn thấy cô, mẹ chỉ dặn cô được một câu rồi mãi mãi rời xa. Tiếng khóc nấc người, cô không nghĩ mẹ ra đi nhanh đến vậy… Một tuần nghỉ làm, chịu tang mẹ, Huyền chẳng nói, chẳng rằng. Những ngày ấy, Sơn cũng nghỉ làm luôn cận kề bên cô…

Nhà Sơn cách nhà Huyền chưa đầy 1km, Sơn là bạn học của chị gái Huyền. Sơn đã 40 tuổi mà cũng chưa lập gia đình. Vốn ít nói, mặc dù chưa chính thức thổ lộ với Huyền lần nào, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ quan tâm và những lần tâm sự với mẹ Huyền thì cô biết được tình cảm của Sơn dành cho mình.

Một năm sau ngày mẹ mất, trong một đêm yên tĩnh bên con đê cuối làng, đó cũng là lần đầu tiên hai người hẹn hò. Huyền nhận lời yêu Sơn. Đám cưới nhanh chóng được tổ chức, không cần thời gian tìm hiểu, vì cả hai đã quá hiểu nhau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc sống vợ chồng son cũng khá bình yên. Tuy không lãng mạn như trong những câu chuyện Huyền hay đọc, nhưng Sơn là người quan tâm đến người khác. Lấy nhau được 3 năm, khi Huyền sinh con đầu lòng được hơn 1 tuổi thì công ty Sơn mở văn phòng ở miền Trung, phân anh làm trưởng văn phòng đại diện. Không muốn rời xa quê, nhưng gia đình nhỏ của Huyền cũng đành bồng bế nhau đi lập nghiệp. Những tháng năm đầu vào đó, Huyền chưa xin được việc, con nhỏ, cô ở nhà chăm con, nấu cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chờ chồng về. Nhiều khi thấy chán, không bạn bè, không người thân, ở nơi xa lạ, chỉ có chiếc điện thoai, ti vi làm bạn khiến cô muốn trở về quê hương. Nhưng nghĩ công việc của chồng đang tốt, cô về quê cũng không có việc làm, mà lên thành phố như ngày còn con gái cũng không được, vì nhà không, rồi ai trông con… bao nhiêu câu hỏi, không lời giải luôn trong đầu cô. Nghĩ chưa đi làm, cô đẻ luôn đứa thứ 2 để tiện chăm sóc. Thế nhưng, sau sinh bé thứ hai không lâu, một lần cô đi chợ bị tai nạn. Con nhỏ, vợ nằm viện, một mình gánh nặng cơm áo gạo tiền, vậy mà Sơn không một tiếng than vãn. Hàng ngày đi làm, anh lại tranh thủ 3 lần vào viện đưa cơm, chuyện trò, chăm sóc vợ. Những lúc ấy, Huyền mới hiểu tình cảm thiêng liêng của nghĩa vợ chồng, mới hiểu vì sao bao người tán tỉnh mình, nhà có, xe có, nhưng phút cuối cùng mẹ vẫn khuyên cô chọn Sơn làm chồng. Gắn kết lại những câu chuyện mẹ kể về bố, những khó khăn mẹ trải qua, cũng chỉ mong các con có vợ, có chồng, có người nương tựa khi ốm đau. Mặc dù những điều mẹ kể, không bắt ai, giục ai phải làm theo nhưng lại mong muốn một điều đơn giản, sâu xa: Dù chuyến đò muộn, tình yêu muộn nhưng họ thương yêu mình là hạnh phúc nhất…

Nay Huyền cũng có đủ nếp, đủ tẻ, công việc ổn định, mỗi tội phải xa nhà. Với Huyền, không quan trọng là lấy chồng sớm hay muộn, mà là kết quả cuối cùng của hành trình đi tìm hạnh phúc.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.