Khi báo chí phải "tự bơi"

Chia sẻ

Sáu tháng đầu năm nay, tác động của dịch Covid-19 khiến hầu hết cơ quan báo chí đều giảm doanh thu từ 50-70%. Tìm hướng đi cho kinh tế báo chí đang là bài toán sống còn đối với nhiều cơ quan báo chí tại thời điểm hiện nay. Đây cũng là vấn đề nóng được đặt ra tại Diễn đàn “Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế báo chí".

Chi phí in tăng cao, nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm đang khiến các cơ quan báo in gặp khó khăn với bài toán kinh tế (ảnh: Minh Sơn)Chi phí in tăng cao, nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm đang khiến các cơ quan báo in gặp khó khăn với bài toán kinh tế (Ảnh: Minh Sơn)

Nghịch lý "dùng chùa"

Từ thực tế của tờ Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những tờ báo giấy có số lượng xuất bản đứng đầu thị trường, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ - nêu bất cập: Sáu tháng đầu năm 2020, tác động của dịch Covid-19 là một cú “knock-out” với thị trường báo chí vốn đã chồng chất khó khăn vì sụt giảm nguồn thu. Số lượng phát hành và quảng cáo báo giấy giảm mạnh do thị trường đình trệ. Báo online trong thời Covid tăng trưởng bạn đọc và lượt truy cập, nhưng lại giảm quảng cáo do nhiều sự kiện, chương trình phải tạm ngưng trong mùa giãn cách xã hội. Nhìn chung, khối lượng công việc, nội dung xuất bản tăng, chi phí tăng, trong khi nguồn thu cả báo giấy và báo online đều sụt giảm mạnh. Trong khi đó, ngay từ đầu báo điện tử ở Việt Nam đã miễn phí hoàn toàn cho độc giả, từ đó tạo thói quen “xài chùa” khi đọc báo miễn phí. Vì vậy, để thay đổi thói quen này không hề dễ.

Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết: Các cơ quan báo chí cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, từ nguồn ngân sách và doanh thu bán báo.

Thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, nhiều cơ quan báo chí sụt giảm đến 50%, thậm chí 60-70% doanh thu do tác động của dịch Covid-19. Nhiều tòa soạn đứng trước nguy cơ bị giải thể hoặc thu hẹp mô hình hoạt động. Một số tờ báo phải xoay xở bằng việc tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Facebook, Google. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “giật tít câu view", gây mất niềm tin cho độc giả.

Bên cạnh đó, thói quen độc giả thay đổi cùng sự áp đảo của truyền thông xã hội khiến các cơ quan báo chí mất dần người đọc, cùng với đó là mất dần khả năng kiểm soát phân phối tin tức.

Nếu như trước đây, nguồn thu truyền thống được người dùng trả trực tiếp cho các cơ quan báo chí, thì ngày nay với các nền tảng truyền thông mới, một phần lớn nguồn tiền được trả thông qua các ứng dụng trên nền tảng Facebook, Google. Hạ tầng phân phối nội dung và quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới này đang ngày càng lấn át các cơ quan báo chí truyền thống, đặt báo chí truyền thống trước tình thế phải chuyển mình để thay đổi và thích nghi với phương thức truyền thông mới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, chia sẻ: “Đứng trước khó khăn này, các cơ quan báo chí phải làm gì để vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị để tồn tại và phát triển, vừa bắt kịp xu thế vận động phát triển của thời đại công nghệ mới? Để làm được việc này, chúng ta phải có công nghệ, có giải pháp, có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là có sự đồng thuận liên kết của các cơ quan báo chí nhằm tạo ra sức mạnh, một mặt giúp các cơ quan báo chí tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và thế giới, mặt khác, quan trọng hơn là tạo thành một sức mạnh chung chống lại sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook. Google…”.

Báo chí có “sống được bằng nghề”?

Câu trả lời là "Có" và có thể sống khỏe, nhưng có điều kiện". Theo ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: Sai lầm của hầu hết các tòa soạn báo trong nước là đã cho người đọc quen với việc miễn phí mọi thông tin trên Internet. Điều này khiến cho báo chí lâm vào tình cảnh khó khăn về nguồn thu như hiện nay. Do đó, việc cần làm ngay lúc này là tìm ra cách thức để báo chí thu được kinh phí từ người dùng để tồn tại và “sống được bằng nghề” như cách nói của nhiều người. Một trong những biện pháp đó là áp dụng tường phí (paywall).

Ông Lê Quốc Minh: Báo VietNam Plus là tờ báo đầu tiên triển khai thu phí từ bạn đọc.(ảnh: Minh Sơn)Ông Lê Quốc Minh: Báo VietNam Plus là tờ báo đầu tiên triển khai thu phí từ bạn đọc. (ảnh: Minh Sơn)

Ông Lê Xuân Trung Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ“Bạn đọc chính là nguồn thu quan trọng của báo chí” (ảnh: Minh Sơn)Ông Lê Xuân Trung Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ “Bạn đọc chính là nguồn thu quan trọng của báo chí” (Ảnh: Minh Sơn)

Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung nhìn nhận: Đã có thời chính những người làm báo cũng mặc nhiên với ý nghĩ mình phải làm báo online miễn phí. Điều này có nguyên nhân bắt nguồn từ báo chí điện tử thời kỳ đầu buộc phải miễn phí vì chủ yếu chỉ cập nhật đơn thuần các thông tin từ báo giấy lên điện tử mà không có sự đầu tư nội dung cho báo điện tử. Điều này dẫn đến các trang báo điện tử chỉ là phiên bản nhạt nhoà của báo giấy mà không có sự đổi mới, sáng tạo. Không có nhiều những nội dung được sản xuất riêng cho báo điện tử và vận hành tòa soạn đúng nghĩa điện tử.

Tuổi trẻ TP.HCM chính là một ví dụ. Ở vào thời điểm báo giấy đang có nguồn thu lớn từ bạn đọc, có lượng quảng cáo lớn nên tờ báo này không đầu tư nhiều cho báo điện tử để cho ra đời các phiên bản online bắt mắt, hấp dẫn độc giả. Tương tự, thời kỳ đầu, nhiều báo điện tử của các tờ báo lớn trong nước như Lao Động, Tiền Phong, Người lao động... đã ra báo điện tử đón đầu xu thế online, nhưng do ít được đầu tư, phiên bản điện tử của các tờ báo này cũng không đem tới những nguồn thu như kỳ vọng.

Ngược lại, theo ông Lê Xuân Trung, với những báo điện tử xuất phát điểm từ các công ty công nghệ hoặc hợp tác với các đối tác công nghệ như Tin nhanh - VnExpress (VNE), VietNamNet (của Tổng Công ty phát triển phần mềm VAT - thuộc Bộ Bưu chính - Viễn thông trước đây) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường báo mạng. Tuy nhiên, lượng độc giả và nguồn thu quảng cáo dồi dào ở thời kỳ đầu khiến các trang báo mạng cũng chưa tính tới giải pháp thu tiền người đọc báo online.

Tới khi mạng xã hội xuất hiện và hút phần lớn doanh thu quảng cáo tại Việt Nam, các trang báo điện tử mới bắt đầu nhận thấy sự thiếu hụt nguồn thu từ độc giả. Đến lúc này, người đọc đã hình thành thói quen thụ hưởng nội dung miễn phí từ các tờ báo. Vì vậy, người làm báo cứ mãi loay hoay tìm cách thu phí độc giả online.

Nguyên Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh cho biết: Từ tháng 6/2018, VietnamPlus là đơn vị báo chí đầu tiên đi tiên phong cung cấp các nội dung thu phí người đọc. Để thay đổi thói quen đọc báo miễn phí của bạn đọc, từ năm 2012, Báo điện tử VietnamPlus đã triển khai việc thu phí từ bạn đọc và đã đem lại những thành công bước đầu. Ngoài việc nâng cao chất lượng nội dung bài báo có thu phí, nút thắt trong khâu thanh toán dịch vụ đọc báo điện tử được tháo gỡ thông qua cước điện thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong khâu thanh toán.

Bản quyền báo mạng: Cần sự chung tay của các cơ quan báo chí

Tại diễn đàn, một trong những điểm nghẽn nhức nhối nhất hiện nay là tình trạng vi phạm bản quyền báo mạng đang diễn ra khá công khai, trắng trợn. Tình trạng các trang tin điện tử khai thác các tin bài của nhau mà không hề có sự thỏa thuận đồng ý. Chính bản thân các cơ quan báo chí đã quá quen thuộc với việc bài vừa xuất bản đã có báo khác đưa lại, đến mức coi đó là "chuyện thường ngày", có xử cũng không xuể nên mặc nhiên cho qua.

Còn việc xào xáo, copy bài đã đăng của các tờ báo mạng khiến các bài viết có nội dung đều na ná nhau. Điều này khiến việc bán sản phẩm của các tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Xuân Trung Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ“Bạn đọc chính là nguồn thu quan trọng của báo chí” (ảnh: Minh Sơn)Ông Lê Xuân Trung Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ “Bạn đọc chính là nguồn thu quan trọng của báo chí” . 

Một vấn đề nữa cũng nóng không kém là tỷ lệ ăn chia kinh phí từ các nhà mạng. Hiện nay, các tòa soạn sản xuất nội dung tốt nhưng để có thể đưa nội dung đến đông đảo người dùng cần có sự cộng hưởng từ các nhà mạng. Song tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất nội dung số và các nhà mạng đang có sự chênh lệch. Ông Phạm Văn Hiếu - Phó Tổng biên tập báo VnExpress cho biết: Để thu phí báo điện tử cần phải dựa trên 3 yếu tố là nền tảng, chất lượng nội dung và phương thức phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, nếu thanh toán qua tài khoản viễn thông, tỷ lệ ăn chia giữa người làm báo và nhà mạng hiện là 30/70 (cơ quan báo chí 30, nhà mạng 70%. Điều này cho thấy tỷ lệ đang nghiêng về phía nhà mạng.

Ông Lê Quốc Minh cho biết: Chúng tôi đã đàm phán để có mức tỷ lệ 65/35 (cơ quan báo chí sản xuất nội dung 65%), nhưng hiện tỷ lệ quá thấp 30/70 này khiến chúng tôi không "sống" được.

Ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng biên tập Báo Giao thông nêu kinh nghiệm: Chúng tôi đã quyết định tự cứu trước khi "trời cứu" bằng việc yêu cầu các trang mạng lấy bài của báo Giao thông trả tiền bản quyền. Trong mùa Covid vừa qua, báo Giao thông cũng thu được gần 1 tỷ từ tiền bán bản quyền báo mạng. Vì thế, các tòa soạn cần "cứng rắn" để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó, thay vì cấp ngân sách, Chính phủ và các địa phương nên đặt hàng báo chí thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền theo các chủ đề, sự kiện lớn. Những đơn vị này cũng nên tiên phong bằng cách trở thành khách hàng, thuê bao trả tiền của các cơ quan báo chí.

HỒNG QUÂN

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.