Tốc độ lây nhiễm Covid-19 giai đoạn này cao gấp 2-3 lần

Chia sẻ

Chỉ trong 10 ngày (từ 25/7-3/8/2020), cả nước đã ghi nhận 195 trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng ở 9 tỉnh, thành phố. Con số trên là một lời cảnh báo về việc dịch bệnh có thể bùng phát rất nhanh chóng nếu người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống.

Người dân cần chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.Người dân cần chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Virus SARS-CoV-2 có sự đột biến, tỷ lệ lây nhiễm cao

Thông tin tại cuộc họp của BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tốc độ lây nhiễm Covid-19 giai đoạn này cao gấp 2-3 lần trước đây khiến số lượng, số ca mắc tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.

“Chỉ số lây nhiễm virus ở đợt dịch lần này là 5-6, trong khi lần trước từ 1,8-2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Trong khi đợt này, ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây (F0). Đặc biệt lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều” - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay.

Trong khi đó, từ 1/7 đến nay có khoảng 1,4 triệu người từng đi đến từ Đà Nẵng và các bệnh viện ở Đà Nẵng. Tâm dịch lớn nhất là ở cụm bệnh viện tại Đà Nẵng (800.000 người đi qua khu vực này. Có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh). Bởi vậy, nếu không kiểm soát kịp thời, dịch có thể lan rộng và xuất hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác.

Theo thống kê, từ 6h ngày 25/7 đến 18h ngày 3/8, cả nước ghi nhận 227 trường hợp mắc Covid-19 mới. Trong đó, 195 trường hợp lây nhiễm trong nước tại tại 9 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (136), Quảng Nam (40), Đắk Lắk (3), TP.HCM (8), Quảng Ngãi (3), Hà Nội (2), Thái Bình (1), Đồng Nai (1), Hà Nam (1).

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Trong những ngày gần đây, công tác điều tra, khoanh vùng dập dịch, cũng như tinh thần chống dịch ở các địa phương đã được nâng cao. Tuy nhiên, dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan.

Test nhanh âm tính vẫn có nguy cơ mắc Covid-19

Đối phó với dịch bệnh, không riêng Đà Nẵng mà nhiều tỉnh thành đã tập trung rà soát, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, nỗ lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các đối tượng nghi ngờ.

Đơn cử tại Hà Nội, thành phố đã rất khẩn trương thực hiện test nhanh cho những người trở về từ Đà Nẵng và địa phương có dịch trong tháng 7/2020. Tới nay, toàn thành phố đã xét nghiệm được hơn 70.000 mẫu, một số mẫu nghi ngờ dương tính được xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả đều âm tính.

“Đây là tin vui bước đầu thể hiện việc Hà Nội “thần tốc” trong công tác xét nghiệm. Nhưng việc test nhanh phát hiện kháng thể chỉ là kết quả đánh giá ban đầu. Những trường hợp âm tính ban đầu chưa phải là yên tâm 100% và cần tiếp tục cách ly, tự theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện sốt, ho phải báo ngay cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm PCR” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định.

Về việc có kết quả test nhanh âm tính vẫn phải theo dõi, cách ly 14 ngày, BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lý giải: Trong y khoa, phương pháp test nhanh được xếp vào nhóm xét nghiệm gián tiếp; nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm. Cụ thể trong trường hợp bệnh Covid-19 là làm các xét nghiệm tìm kháng thể mà cơ thể sinh ra khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

“Có điều hết sức lưu ý, không phải ai nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng sinh ra kháng thể, và kháng thể không phải được tạo ra ngay sau khi người bệnh bị nhiễm virus này. Một bài tổng hợp rất nhiều các nghiên cứu về Covid-19 cho thấy: Chỉ có 23% người nhiễm SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người nhiễm 2 tuần mới có kháng thể; và 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể” - BS Khiêm thông tin.

Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là “thời gian ủ bệnh”.

Các chuyên gia cho biết: Trong thời gian này do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus. Và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.

Như vậy, “người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ y tế” - BS Đồng Phú Khiêm khuyến cáo.

Mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch

Đánh giá sự bất thường và phức tạp trong diễn biến của dịch bệnh, tại các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo: Lần này dịch ở cấp độ mới, sẽ diễn ra trên diện rộng nếu như không ngăn chặn có hiệu quả. Vì vậy, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương mình cư trú.
Để thực hiện được điều này, các chuyên gia cho rằng, phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp với tinh thần chủ động không được chủ quan; không chỉ từng người dân mà cả hệ thống phải vào cuộc.

Cụ thể, đối với với người dân, cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”: Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, đi trên phương tiện giao thông công cộng, trong chung cư phải có nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người….

Đặc biệt, người dân phải chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân. Trường hợp nào có biểu hiện ho, sốt phải được kiểm tra kịp thời trên phạm vi cả nước. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần có chế tài xử phạt thật nghiêm những người có hành vi vi phạm quy định về phòng dịch.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị hãy nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe cho đơn vị và cộng đồng, giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, giảm tụ tập, giữ khoảng cách, ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, đặc biệt những vùng có ổ dịch thì càng phải thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh việc dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng, các chuyên gia cũng đề xuất phải siết lại kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch. Trước hết lực lượng biên phòng và công an quản lý thật chặt người nhập cảnh. Tiếp đó, ngành Y tế cũng phải tiến hành rà toàn bộ số người già, người bệnh nền, người yếu thế; siết chặt việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ, phòng chống nhiễm khuẩn trong các bệnh viện, phải “phòng thủ thật chặt”, nhất là với những khoa, những nơi đang điều trị nhiều bệnh nhân nặng.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.