Bình Dương: Nhiều công ty huy động vốn trái phép tại Khu đô thị Victory City

Chia sẻ

Ngang nhiên tư vấn thu tiền của khách, trong khi dự án chưa đủ điều kiện giao dịch. Các công ty này có đang lách luật, đẩy rủi ro về phía khách hàng?.

Nhân viên sale tư vấn cho khách hàng, trong khi dự án vẫn còn là bãi đất nham nhởNhân viên sale tư vấn cho khách hàng, trong khi dự án vẫn còn là bãi đất nham nhở (Ảnh: TM)

Được biết, dự án Khu đô thị Victory City  do Công ty TNHH Tư vấn Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Địa ốc Tân Lập làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc trên đường DT 746, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích 13,15ha. Trước đây dự án này có tên là Tân Lập Future City, có một khoảng thời gian được sử dụng với cái tên Tân Lập Garden, và hiện giờ được lấy tên là Victory City. Hiện dự án đang được các sàn giao dịch: Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Nhất Việt; Công ty CP Uniland; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Dương; Công ty CP Phát triển Địa ốc Á châu & Công ty TNHH Đầu tư Phát triển bất động sản Minh Dương đã quảng cáo và tư vấn thu tiền giữ chỗ, chọn vị trí ưu tiên… của khách hàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên (PV) Khu đô thị Victory City được trang https://diaocachau.com.vn/victory-city/ quảng cáo với nhiều từ ngữ có cánh như “Nằm trong tam giác phát triển kinh tế Thủ Dầu Một – Thuận An – Tân Uyên, đồng thời tiếp giáp hai khu công nghiệp quy mô lớn Vship 3 và Nam Tân Uyên mở rộng, gần siêu đô thị 1.000 ha của Vingroup, Victory City không chỉ mang đến môi trường sống chất lượng cao phục vụ các doanh nhân, chuyên gia mà còn có cơ hội gia tăng lợi nhuận gấp bội nhờ tiềm năng kinh doanh vô cùng thuận lợi…”. Tuy nhiên, trái với những lời “có cánh” của các sàn giao dịch, dự án này lại nằm giữa rừng cao su, dân cư tại khu vực xung quanh thì thưa thớt, bên trong dự án có một vài công nhân và xe múc làm hạ tầng, nhiều hạng mục còn nham nhở…

Trả lời PV báo Phụ nữ Thủ đô chiều 14/8, ông Chu Hồng Quang, công ty Uniland khẳng định: Công ty CP Uniland; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Dương; Công ty CP Phát triển Địa ốc Á Châu & Công ty TNHH Đầu tư Phát triển bất động sản Minh Dương không thu tiền giữ chỗ, đặt cọc của khách hàng. “Chúng tôi sẽ cho xác minh lại vấn đề này và sẽ trả lời PV vào sáng thứ 2, tức ngày 17/8/2020” – ông Quang khẳng định.

Dự án Victory City nằm giữa rừng cao su, dân cư tại khu vực xung quanh thì thưa thớt, bên trong dự án có một vài công nhân và xe múc đang làm hạ tầng, nhiều hạng mục còn nham nhở…Dự án Victory City nằm giữa rừng cao su, dân cư tại khu vực xung quanh thưa thớt, bên trong dự án có một vài công nhân và xe múc đang làm hạ tầng, nhiều hạng mục còn nham nhở… (Ảnh: TM)

Lách luật đẩy rủi ro về phía khách hàng

Việc ngang nhiên chào bán dự án khi chưa hoàn thiện hạ tầng và chưa được Sở Xây dựng có văn bản đồng ý cho phép huy động vốn là đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Điều 55, 56 Luật Kinh doanh Bất động sản và Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (Nghị định 99) quy định rõ: Dự án phải có giấy phép xây dựng; Có đầy đủ hồ sơ dự án; Thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đối với nhà chung cư/tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu hoàn thành xong phần móng của tòa nhà.

Sau nhiều lần liên hệ để làm rõ việc có hay không các công ty nêu trên đang huy động vốn trái phép, đại diện công ty CP Phát triển Địa ốc Á Châu luôn có lý do trốn tránh, lúc thì đang bận, lúc thì chưa sắp xếp được thời gian. Đáng nói hơn, người này hẹn PV làm việc tại Vũng Tàu, nhưng khi phóng viên đến nơi thì lại bảo trả lời qua email.

Đối với nhà ở liền kề/thấp tầng thì phải có biên bản nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng theo tiến độ dự án và phải có Công văn của Sở Xây dựng gửi chủ đầu tư xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai được phép bán.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải được một ngân hàng thương mại có đủ năng lực, thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Khi ký kết hợp đồng mua bán, chủ đầu tư phải gửi kèm một bản sao hợp đồng bảo lãnh cho khách hàng.

Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 57, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 250 triệu đồng – 300 triệu đồng. Điểm b, khoản 4, Điều 57 của Nghị định 139 cũng quy định phạt tiền từ 270 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định.

Quy định là thế. Tuy nhiên, nhiều công ty đã lách luật bằng cách dùng các mẫu hợp đồng khác nhau như: Đặt cọc giữ chỗ, hợp đồng nguyên tắc… và dĩ nhiên những hợp đồng này khi xảy ra vấn đề về pháp lý thì nhà đầu tư khó có thể đòi được quyền lợi. Trên thực tế việc các công ty huy động vốn trái phép đa phần là những công ty yếu kém về năng lực tài chính, khi dự án vấp phải một lý do nào đó buộc phải dừng lại thì nhiều khả năng sẽ nằm im “đắp chiếu”, đồng nghĩa với việc khách hàng đã đóng cọc giữ chỗ sẽ bị mất trắng khoản tiền này. Vì vậy, khách hàng cần cẩn trọng đối với những dự án chưa hoàn thiện pháp lý, chưa đủ điều kiện giao dịch theo các quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.