Một mùa Vu Lan đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19

Chia sẻ

Mùa Vu Lan tháng Bảy hàng năm luôn là khoảng thời gian sâu lắng trong lòng mỗi người, là khoảng thời gian để người Việt thực hành truyền thống nhân văn tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”. Mùa Vu Lan năm nay đặc biệt hơn khi diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp…

Ngày lễ của những người con hướng về cha mẹ

Xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã theo lời dạy của Đức Phật cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp làm ngạ quỷ (quỷ đói), hàng năm, Vu Lan đã trở thành ngày lễ để những người con, người cháu tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên. Đồng thời nhắc nhở mỗi người hãy tự biết trân trọng những gì mình đang có, đạo làm con phải luôn nhớ đến công ơn cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa, hành thiện để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày lễ Vu Lan rất phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Vu Lan là một trong những ngày lễ lớn nhất của Phật giáo. Ngày nay, nó không chỉ mang ý nghĩa trong tôn giáo mà đã thực sự trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của toàn xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn như một biểu hiện văn hóa cần được con người gìn giữ và thực hành.

Như Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã nói: "Đại lễ Vu Lan kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân bốn nguồn ân đức. Đó là, cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo, những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức; các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh mang lại chủ quyền cho đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người".

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thật vậy, trong thời đại ngày nay, trước ngưỡng cửa của sự đổi mới, của hòa nhập, giao lưu văn hóa Đông - Tây, tinh thần đạo hiếu càng phải được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn nữa để truyền thống đó luôn luôn được bồi đắp và sẽ trở thành nguồn sức mạnh văn hóa cho cả dân tộc không chỉ trong hôm nay mà mãi mãi về sau.

Một mùa Vu Lan đặc biệt

Dân gian có quan niệm: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7”. Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, tháng 7 là tiết xá tội vong nhân, vì nhờ ơn của Đức Phật mà tất cả các vong linh bị đọa trong chốn khổ đau được tế bạt, siêu thoát. Vì lẽ đó, mọi người ai cũng muốn soạn sửa cho mình một lễ cúng đầy đủ nhất.

Đại lễ Vu Lan năm nay (Dương Lịch 2020 - Phật Lịch 2564) được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp với nhiều ca mắc mới trong cộng đồng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước tình hình khó khăn này, ngày 15/8, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu tăng ni các chùa, các cơ sở tự viện vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, cho các phật tử trong mùa tri ân, báo hiếu. Đồng thời Giáo hội cũng khuyến nghị các chùa, cơ sở tự viện tăng cường các khóa lễ Vu Lan bằng hình thức trực tuyến. Các phật tử có thể đăng ký cầu siêu cho cửu huyền thất tổ thông qua các ứng dụng trực tuyến, cổng thông tin Phật sự Online (Pso) hay mạng xã hội “Phật giáo Butta” của Giáo hội.

Đã có không ít các ý kiến trái chiều từ cả phía người dân lẫn các phật tử về quyết định này của Giáo hội. Có ý kiến cho rằng việc tổ chức các khóa lễ online như vậy là không đúng với phong tục truyền thống, không “ứng nghiệm”. Thế nhưng đa phần đồng tình với quyết định này do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Quyết định này được đưa ra là đúng đắn bởi chỉ riêng trong ngày 1 tháng 7 âm lịch, người dân đã đổ xô đi lễ ở Phủ Tây Hồ, khiến Phủ phải đóng cửa, ngừng đón khách do không đảm bảo được giãn cách xã hội. Thử hỏi nếu trong số những người đến lễ bái có người bị mắc Covid-19 thì hậu quả sẽ khôn lường ra sao?

Làm lễ Vu Lan tại nhà như thế nào?

Lễ Vu Lan trong Phật giáo có vai trò hết sức quan trọng bởi nó thể hiện một trong tứ đại trọng ân của nhà Phật bao gồm: ân Cha mẹ, ân Tam bảo, ân quốc gia xã hội và cuối cùng là ân chúng sinh vạn loại.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc đi chùa thắp hương khấn Phật, cầu an và cầu siêu trong dịp lễ này mang lại sự tịnh tâm cho những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, theo quan điểm của Thượng tọa Thích Thanh Huân - Ủy viên Hội đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không cần phải quá khiên cưỡng, nhất là trong mùa dịch này. Thượng tọa cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể cúng lễ tại nhà hoặc cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu, “Bởi ta đều biết Phật không chỉ có ở chùa mà Phật ở tại tâm, Đức Phật luôn ở trong tâm mỗi chúng ta”.

Cũng theo đó, phật tử khi thực hành cúng Vu Lan tại nhà nên thực hiện theo các khóa lễ sau: cúng Phật, cúng thần linh và gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh. Gia chủ nên làm lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên vào ban ngày, cúng cô hồn vào buổi chiều tối. Một gợi ý nữa đó là mọi người có thể ăn chay trong tháng 7 để báo hiếu cha mẹ.

Thượng tọa cũng nhấn mạnh: “Đừng quá câu nệ bởi Vu Lan là lễ báo hiếu, mỗi người cần phải làm những điều thiết thực hơn đó là chăm sóc, yêu thương và kính trọng cha mẹ mình khi họ còn sống, đừng để khi cha mẹ mất đi mới hối tiếc rồi tụng kinh cầu nguyện”.

Giáo hội cũng kêu gọi tăng ni, phật tử thể hiện tinh thần tri ân, báo hiếu trong mùa Vu Lan năm nay bằng việc tiếp tục ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.