Phát triển kinh tế đêm trong lòng phố cổ

Chia sẻ

8 tuyến phố cổ mới trở thành phố đi bộ, đêm xuống lung linh sắc đèn và các hoạt động văn hóa ẩm thực, là thêm sự lựa chọn cho du khách trong nước và quốc tế đến khám phá một Hà Nội vừa nhẹ nhàng, sâu lắng, vừa du dương trong tiếng nhạc của thời đại.

Hấp dẫn đêm phố cổ

Ghi nhận của phóng viên vào tối 3/1/2021, ngày cuối trong kỳ nghỉ tết Dương lịch, trên các tuyến phố mới được đưa vào không gian đi bộ đèn trang trí lung linh sắc màu và những dòng người tấp nập. Tại các điểm vào tuyến đường đi bộ đều có rào chắn và hàng rẫy dịch vụ trông xe. Ngay ở phố Hàng Gai, những hàng xe máy nối dài được người trông xe xếp trên vỉa hè, giá vé 20.000 đồng/xe máy. Những bạn trẻ trông xe mời chào và đón xe tận tình. Qua phố đi bộ Hàng Đào, chúng tôi rẽ vào phố đi bộ mới - Gia Ngư, từ dãy hàng quần áo đông đúc người mua hàng. Tiếp đến là ngã năm Gia Ngư – Đinh Liệt, dưới ánh đèn lồng vàng rực, nhóm bạn chơi đàn, trống và hát những bản nhạc du dương thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ.

Minh Anh, sinh viên năm thứ nhất, trường đại học Công nghiệp ở quận Bắc Từ Liêm lần đầu tiên dạo chơi đêm phố cổ, ngồi ăn chè tại quán Sữa chua thạch lá nếp (số 5B Đinh Liệt) cho biết: “Em cùng bạn vừa đi quanh bờ Hồ về đến các tuyến phố đi bộ mới này thấy một Hà Nội rất đẹp bởi bên những ngôi nhà cổ, dưới ánh đèn lung linh còn rộn ràng cùng tiếng nhạc. Có nhiều hàng quán món ăn hợp với giới trẻ như lẩu nướng, ốc luộc, chè… Đây là không gian lý tưởng để chúng em ngồi vỉa hè tán gẫu nên rất vui”.

Tại phố Hàng Bạc, đẩy chiếc xe nhỏ bán hàng rong quả cóc, xoài dầm, ổi, chị Lê, quê ở Vĩnh Phúc đon đả mời khách. Chị Lê chia sẻ: “Hôm nay tôi bán được ít hàng bởi phố cổ vắng khách hơn so với 2 ngày thứ 6, thứ 7. Có lẽ do ngày nghỉ Tết dương lịch nên nhiều người về quê”. Chị Lê bán hàng ăn vặt này từ hơn 4 năm nay, cứ 3 ngày cuối tuần chị lại lên phố cổ bán hàng đêm, ngày nào đông khách cũng được 300.000 đồng đến 400.000 đồng, còn vắng thì 3 ngày mới được chừng đó. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tháng nghỉ dịch, tháng đi bán cũng không được là bao, chị phải xoay xở làm thuê thời vụ.

UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện Đề án Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận. Theo đó, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hoàn Kiếm được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần. Phạm vi hoạt động sẽ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; các hoạt động du lịch; vận chuyển; tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động kinh tế đêm...

Chị Lê cho hay, khi không có dịch Covid-19, chị vẫn thường xuyên bán hàng từ 14 giờ hôm trước đến 1 - 2 giờ sáng hôm sau và có khách nước ngoài chị cũng bán được nhiều hàng hơn. Tại gian quần áo số 26 ngõ Trung Yên, người phụ nữ ngoài 50 tuổi bán hàng cho biết: “Từ khi tuyến phố này được trở thành phố đi bộ, đường phố được trang trí đèn hoa sáng đẹp, 2 tuần nay người khắp nơi đổ về, chủ yếu là giới trẻ. Tôi mở hàng bán đến 21 giờ bởi buổi tối khách hàng mua không nhiều, tôi vẫn bán ban ngày là chính”.

Đi dọc tuyến phố dài Tạ Hiện, ban ngày nhộn nhịp các quán hàng cafe, đêm đến là phố ẩm thực, chủ yếu là bia, lẩu, nướng, hải sản… dưới lòng đường bàn ghế bày dọc hai bên. Qua dãy Tạ Hiện, chúng tôi sang phố Hàng Giầy, được thưởng thức tiếng trống tiếng nhạc, làn điệu hát văn của nhóm biểu diễn trước cổng đền Bạch Mã. Dạo tiếp trên tuyến phố Đào Duy Từ - Mã Mây để nghe những khúc hát bên cây đàn ghi-ta trong chương trình “Du ca từ thiện” của nhóm bạn trẻ.

Điểm nhấn du lịch: Văn hóa ẩm thực

Chia sẻ về việc mở rộng tuyến phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm phố cổ, bà Nguyễn Mai Hạnh, nghệ nhân nhân dân về hoa lụa ở số 5 phố Chả Cá, phường Hàng Đào cho rằng, việc phát triển kinh tế đêm ở phố cổ là rất cần thiết để khai thác tiềm năng văn hóa, kiến trúc và vị trí trung tâm của Thủ đô. Vì vậy, cần có quy hoạch đưa các gian hàng mang bản sắc văn hóa Hà Nội, sắp xếp các tuyến phố theo chủ đề và không gian phù hợp với các nhóm hàng. Hơn nữa, việc bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng môi trường an toàn cho cư dân phố cổ cũng như du khách là rất cần thiết.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Mai Hạnh.Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Mai Hạnh.

Các bạn trẻ hào hứng chọn hàng handmade làm từ gỗ ở phố Hàng Đào, Hà NộiCác bạn trẻ hào hứng chọn hàng handmade làm từ gỗ ở phố Hàng Đào, Hà Nội

Bà Lê Thị Mỵ, Bí thư Đảng ủy phường Hàng Đào cho biết, trên địa bàn phường có tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường là tuyến phố đi bộ nhiều năm nay nên phường rất chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức cho các hộ kinh doanh bảo đảm tuân thủ các quy định về an ninh trật tự, đô thị, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự. Khi thực hiện đề án phát triển kinh tế đêm, xác định phải bảo đảm hai tiêu chí là an ninh trật tự và bảo vệ môi trường. Năm 2020, Đảng ủy phường cũng chỉ đạo nghiêm túc triển khai công tác tuyên truyền theo thông điệp 5K và thực hiện nhiệm vụ kép vừa tích cực phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là giữ gìn văn hóa người Hà Nội văn minh, lịch sự.

Bí thư Đảng ủy phường Hàng Đào, Lê Thị MỵBí thư Đảng ủy phường Hàng Đào, Lê Thị Mỵ

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long hiện nay quận đang duy trì hoạt động ba khu vực không gian đi bộ. Từ năm 2004 là tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy kết hợp với chợ đêm Đồng Xuân. Sau 10 năm, không gian đi bộ trong khu vực bảo tồn cấp I - khu phố cổ Hà Nội, gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện được triển khai. Ông Long cho rằng: “Không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã trở thành nơi sinh hoạt công cộng của người dân và là điểm đến hấp dẫn của Thủ đô”.

Ngày 31/12/2020, các phố đi bộ được khai trương gồm: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc. Thời gian hoạt động phố đi bộ vào 3 tối cuối tuần (Thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật), từ 19h đến 24h vào mùa hè và từ 18h đến 24h vào mùa đông. Mở rộng không gian đi bộ phía nam khu phố cổ Hà Nội kết nối với phía bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo sự gắn kết giữa hai không gian đi bộ, nhằm phát huy tiềm năng giá trị văn hóa, lịch sử từng khu vực.

Cũng theo ông Long, tại các tuyến phố đi bộ mới mở, không tổ chức các hộ kinh doanh dưới lòng đường, chỉ một số xe chuyên dụng bán hàng ăn nhanh, nước uống tại ngã ba, ngã tư; khuyến khích các hộ dân mặt phố mở cửa hàng kinh doanh phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách.

Theo sắp xếp của quận Hoàn Kiếm, các tuyến phố đi bộ được sắp xếp các ngành hàng như: Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ nhà hàng ăn uống cao cấp có sẵn của các khách sạn; Đào Duy Từ, Cầu Gỗ tạp hóa, ẩm thực; Đinh Liệt, Hàng Dầu tạp hóa, quần áo, giày dép; Hàng Bè đồ mỹ nghệ, du lịch; Hàng Bạc chuyên doanh kim hoàn và một số loại hình khác sẵn có... Trong thời gian hoạt động phố đi bộ, còn có các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Ô Quan Chưởng, ngã năm Đinh Liệt-Gia Ngư, số 42-44 Hàng Bạc… Các di tích lịch sử văn hóa mở cửa phục vụ khách tham quan; các hoạt động văn hóa, lễ hội phục vụ du khách được tổ chức tại khu vực Ô Quan Chưởng.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.