Nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19 “made in Việt Nam” và chuyện hậu trường

Chia sẻ

Đến nay, Việt Nam là một trong hơn 40 quốc gia trên thế giới tiến hành tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người. Để có được thành quả ban đầu này, các nhà khoa học đã làm việc không mệt mỏi và trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trong phòng thí nghiệm, trên động vật rất kỹ lưỡng.

Những mũi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thử nghiệm đầu tiên trên người tình nguyện viên được thực hiện tại Học viện Quân yNhững mũi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thử nghiệm đầu tiên trên người tình nguyện viên được thực hiện tại Học viện Quân y (Ảnh: Phạm Huyền)

Chăm sóc khỉ tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 theo chế độ đặc biệt

Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên giống khỉ vàng Macaca mulatta ở Đảo Rều (Quảng Ninh) từ ngày 27/10. Khỉ được tuyển chọn để thử nghiệm là khỉ sạch, được bắt từ đàn tự nhiên, độ tuổi từ 3-5 tuổi, cân nặng khoảng 3 kg.

Ông Vũ Công Long - Trại trưởng Trại chăn nuôi động vật thí nghiệm (POLYVAC, Bộ Y tế) cho biết: Những chú khỉ ngoài tự nhiên sau khi bắt sẽ được nuôi nhốt trong lồng khoảng 1 tháng để theo dõi sức khỏe. Khi đã đảm bảo khỉ không mang mầm bệnh gì, không nhiễm Covid-19 thì sẽ được đưa lên đảo thử nghiệm và bắt đầu được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Hiện nay, tại Việt Nam có 4 đơn vị đang tham gia nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19, gồm Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN. Trong đó, vắc-xin NanoCovax của NANOGEN đã được Học viện Quân y tiến hành tiêm thử nghiệm trên 20 người tình nguyện đầu tiên (tính đến ngày 22/12/2020).

Có 12 con khỉ khỏe mạnh đã được lựa chọn để tham gia vào 2 đợt thử nghiệm vắc-xin này; mỗi đợt chia thành 2 nhóm: được tiêm vắc-xin và nhóm đối chứng (không được tiêm vắc-xin). Đến nay sức khỏe 12 con khỉ đều rất tốt, không có biểu hiện gì bất thường, vết tiêm không nổi u cục, không nổi mề đay, không bị ho sốt, thân nhiệt ổn định, ăn uống bình thường và trong 1 tháng các chú khỉ đều tăng cân.

Nhưng để có kết quả ban đầu thuận lợi này, ít ai hình dung được suốt 4 tháng qua, các nhà nghiên cứu của POLYVAC đã phải ăn ngủ trên đảo cùng với khỉ, trong một tâm thế đặc biệt. Ngày nào cũng vậy, họ phải sát sao theo dõi xem khỉ có vận động linh hoạt hay không? Đo thân nhiệt xem có ổn định, rồi so sánh với thân nhiệt của khỉ lúc trước khi tiêm. Chế độ ăn uống của khỉ cũng cao cấp hơn nhiều so với khỉ thả tự do: 1 ngày 2 bữa cơm và mía, cùng các loại hoa quả như cam, ổi… vào bữa phụ. Trời nóng vào mùa hè thì phải bật quạt cho khỉ mát, mùa đông phải che bạt kín, giữ ấm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho khỉ. Sau 1 tháng kể từ mũi tiêm cuối, các chuyên gia sẽ đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch trên nhóm khỉ được tiêm. Nếu không có gì bất thường; kiểm tra máu cho thấy sự an toàn, đáp ứng miễn dịch… thì vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ có cơ hội thử nghiệm trên người

Vất vả hơn cả có lẽ là lúc bắt để tiêm, kiểm tra sức khỏe cho khỉ. “Khi tiêm phải có 2 người thật khỏe giữ chân, tay của chúng, nếu không khỉ sẽ giãy và chạy đi mất. Lúc bắt cũng phải cẩn thận lắm, chỉ cần sơ ý là có thể bị khỉ cắn đứt ngón tay, hoặc bị cào. Cũng may khỉ không có virus dại, các nhà nghiên cứu đều mặc đồ bảo hộ như cán bộ phòng dịch nên yên tâm hơn phần nào” - ông Long chia sẻ.

Tất nhiên, thử nghiệm vắc-xin trên khỉ chỉ là một phần của thử nghiệm tiêm lâm sàng. Các đơn vị nghiên cứu vắc-xin sẽ tiến hành thử nghiệm song song trên các động vật khác, đồng thời phân tích trong phòng thí nghiệm trước khi thử nghiệm lâm sàng. Như vậy mới có đủ dữ liệu để minh chứng về tính an toàn, hiệu quả bảo vệ, tính sinh miễn dịch của vắc-xin.

Tin tưởng vào thành công của vắc-xin ngừa Covid-19 “made in Việt Nam”

Vì mục tiêu có liều vắc-xin an toàn cho người bệnh, ròng rã nhiều tháng qua, các nhà khoa học của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang (Khánh Hòa) cũng ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thiết lập quy trình sản xuất vắc-xin Covid-19, áp dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi (công nghệ tương tự vắc-xin cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm).

Theo chia sẻ của TS.BS Dương Hữu Thái – Giám đốc IVAC, để phát triển thành công một vắc-xin chúng ta trải qua quá trình nghiên cứu phát triển phức tạp, kéo dài và tốn kém, thông thường cần khoảng thời gian khoảng 10 năm. Theo quy mô có thể tạm chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, giai đoạn sản xuất thử ở quy mô nhỏ và sản xuất ở quy mô lớn. Nếu phân chia theo giai đoạn nghiên cứu thì có giai đoạn nghiên cứu tạo sản phẩm, giai đoạn đánh giá chất lượng, giai đoạn đánh giá tính an toàn và hiệu quả trên động vật thí nghiệm, thử nghiệm lâm sàng trên người (3 giai đoạn 1,2,3), đăng ký lưu hành và đánh giá sau cấp phép.

Chưa kể, nghiên cứu một vắc-xin luôn đi cùng những rủi ro vì thống kê cho thấy chỉ khoảng 10% vắc-xin vượt qua được tất cả các giai đoạn nghiên cứu và thương mại hóa thành công. Có thể kể ra hàng loạt các vắc-xin được kỳ vọng nhưng đến nay hoặc thất bại hoặc vẫn chưa đến đích như vắc-xin sốt rét, vắc-xin sốt xuất huyết dengue, vắc-xin HIV…

“Chúng tôi cũng xác định, để phát triển thành công vắc-xin Covid-19 sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro và tốn kém trong khi nguồn lực của đơn vị hạn hẹp… Tuy nhiên, tập thể cán bộ, nhân viên của IVAC đều xác định rằng “nếu ta không đi thì sẽ không bao giờ đến”. Không chỉ nam giới, hơn 40% nhà nghiên cứu là nữ giới của IVAC đều làm việc với hiệu suất gấp 2, gấp 3 bình thường, bất kể ngày đêm, thậm chí vào thứ 7, Chủ nhật vẫn sẵn sàng thu xếp việc riêng, tập trung làm nhiệm vụ nghiên cứu. Ngoài ý chí quyết tâm, niềm tin vào kinh nghiệm, năng lực khoa học công nghệ của tập thể cũng là động lực quan trọng để chúng tôi tiếp tục công việc của mình” - TS.BS Thái chia sẻ.

Hiện vắc-xin của IVAC đang thử nghiệm trên động vật tại Việt Nam, Mỹ và Ấn Độ. Riêng tại Trại thực nghiệm Suối Dầu (Khánh Hòa), vắc-xin Covid-19 được thử nghiệm trên thỏ và chuột; bước đầu đã được đánh giá an toàn và có hiệu lực bảo vệ trên động vật thí nghiệm. Cuối tháng 12/2020 IVAC đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị thử nghiệm lâm sàng trên người. IVAC sẽ tiến hành thử trên người dự kiến vào cuối tháng 1/2021.

“Quá trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 tới thời điểm này dù mới chỉ là giai đoạn nghiên cứu và chưa có những kết quả cụ thể, chưa có gì đảm bảo 100% sẽ thành công nhưng chúng tôi có niềm tin vào sự thành công và quyết tâm trên cơ sở năng lực hiện có” – TS. BS Dương Hữu Thái bày tỏ sự tin tưởng.

“Như chúng ta biết, thế giới nếu có vắc-xin ngừa Covid-19 cũng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của 1/5 dân số thế giới, và cũng phục vụ các nước phát triển là chính. Bởi vậy, thành công bước đầu của Việt Nam trên hành trình nghiên cứu, chế tạo và sản xuất được vắc-xin có ý nghĩa rất lớn. Đây là sản phẩm của người Việt Nam sản xuất, phục vụ cho người Việt Nam.

Đã đến lúc Việt Nam có quyền nói với thế giới rằng chúng ta làm được và chúng ta đã chứng minh điều đó. Chúng ta đã phòng chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong thời gian qua, được thế giới ghi nhận và trở thành tấm gương sáng cho nhiều nước học hỏi. Chúng ta đã nghiên cứu, sản xuất thành công bộ kit test SARS-CoV-2 chất lượng, chẩn đoán chính xác, đạt hiệu quả cao. Bây giờ chúng ta đang sản xuất vắc-xin tại Việt Nam và cho người Việt Nam. Tôi hoàn toàn có niềm tin rằng chúng ta sẽ thành công trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin này” - GS.TS Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y khẳng định.

PHẠM HUYỀN

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.