Bài cuối: Phát huy sức mạnh toàn dân phòng chống dịch

Chia sẻ

Thời gian qua, sự xuất hiện các ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng khiến tình hình sẽ trở nên phức tạp, bởi mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ đối tượng nào. Để đẩy lùi dịch bệnh, dựa vào một mình lực lượng y tế là không đủ, mà cần huy động, vận dụng sức mạnh của tập thể, của toàn dân.

Cán bộ chiến sĩ công an huyện Đông Anh cùng các lực lượng tình nguyện thực thi nhiệm vụ tại chốt trực Covid-19 (NVCC)Cán bộ chiến sĩ công an huyện Đông Anh cùng các lực lượng tình nguyện thực thi nhiệm vụ tại chốt trực Covid-19 (NVCC)

Đêm thâu trực chốt và những bước chân truy vết thần tốc

Từ cuối tháng 4/2021, huyện Đông Anh trở thành địa bàn “nóng” nhất của thành phố khi liên tiếp xuất hiện ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Ngay lập tức, những bước chân thần tốc truy vết của các chiến sĩ công an huyện Đông Anh đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng y tế và chính quyền địa phương đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người để nắm bắt, xác minh và triển khai các phương án khoanh vùng, dập dịch, đảm bảo không ngăn sông cấm chợ, không làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Hàng loạt chốt kiểm soát cách ly y tế tại địa bàn có F0, cổng BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bắc Thăng Long; chốt phong tỏa tại các xã Việt Hùng, Kim Nỗ, Nam Hồng, Kim Chung…; chốt kiểm soát và kiểm tra y tế ở các địa bàn giáp ranh huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (như xã Liên Hà, Vân Hà), tại các khu vực giáp khu công nghiệp… nhanh chóng được lực lượng công an huyện Đông Anh thiết lập.

Thượng tá Lê Văn Thắng - Phó trưởng Công an huyện Đông Anh chia sẻ: “Với phương châm “sớm hơn một bước và cao hơn một mức” so với quy định để đảm bảo yêu cầu chắc thắng trong cuộc chiến nhiều cam go này, chúng tôi luôn quán triệt cán bộ, chiến sỹ nêu cao tinh thần, trách nhiệm khi tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự tại các chốt kiểm soát, cách ly y tế”.

Cùng với huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ ứng trực 24/24 tại các chốt kiểm soát Covid-19, Công an huyện Đông Anh còn thành lập 5 tổ cơ động tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm và kiểm tra phát hiện, xử lý các vi phạm về công tác phòng chống dịch của các cơ sở kinh doanh; phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các xã, thị trấn tổ chức rà soát số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đến địa bàn; các trường hợp F0, F1, F2 và các trường hợp đi từ vùng dịch về; kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý các hành vi che giấu hoặc đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang trong nhân dân.

Từ 29/4 đến nay, lực lượng Công an huyện đã phát hiện, xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, cơ sở kinh doanh không bảo đảm công tác phòng, chống dịch... phạt tiền hơn 400 triệu đồng.

Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè, có những thời điểm mặt đường phả hơi nóng, đo nhiệt độ lên tới 500C, lực lượng cán bộ chiến sĩ công an huyện Đông Anh đứng dưới tán ô nhỏ mà mồ hôi chảy từng dòng nhuốm sậm màu áo. Đêm đến lại thức thâu đêm canh gác.

“Nhiều cán bộ chiến sĩ tham gia phòng chống dịch Covid-19 phải bám chốt, lăn lộn với công việc và nhiều ngày không về nhà. Tại nhiều chốt trực, nhất là khu vực bệnh viện xung quanh đều là cánh đồng; chỗ nghỉ chỉ có giường gấp và bàn uống nước dựng trong lều bạt tạm... Vất vả là vậy song các anh em vẫn kiên trì vượt qua bởi đã xác định nhiệm vụ tiên phong nên dẫu trời đổ lửa hay mưa giông, dẫu dịch Covid-19 luôn có những yếu tố bất ngờ, phức tạp thì những bước chân chiến sĩ công an vẫn đi đầu giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của người dân” - Thượng tá Lê Văn Thắng trải lòng.

Cả hệ thống chính trị chung sức... chống “giặc dịch”

Trong đợt dịch Covid-19 này còn có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị ở tất cả các cấp. Mỗi địa phương đều thành lập một Ban Chỉ đạo phòng chống dịch do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, với thành phần gồm đầy đủ các lực lượng: chính quyền, công an, quân đội, y tá, bác sĩ, Hội Phụ nữ...

Cán bộ y tế quận Bắc Từ Liêm xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 (Đàm Thị Thơ)Cán bộ y tế quận Bắc Từ Liêm xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 (Ảnh: Đàm Thị Thơ)

“Việc thì nhiều, kể không thể hết. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tôi và nhiều đồng chí tại ủy ban cũng trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động, tham gia hoạt động truy vết... Bất kể giờ giấc, ngày nghỉ, chúng tôi luôn phải trong trạng thái “sẵn sàng”, điện thoại để chuông 24/24, 2-3 giờ sáng vẫn thức dậy để “chống dịch” là chuyện thường xuyên. Như ngày 16/5 vừa qua, trên địa bàn phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) có ghi nhận một trường hợp F0, sinh sống tại nhà N2 chung cư Ecohome 3. Sau khi nhận được thông tin vào lúc 22h17' cùng ngày, tất cả lực lượng từ Đảng bộ, chính quyền, công an, quân đội, y tế đã lập tức có mặt tại khu vực ghi nhận ca bệnh, thức trắng đêm để thực hiện các biện pháp truy vết, khử khuẩn, cách ly, đảm bảo dịch bệnh được khoanh vùng kịp thời, tránh lây lan” - đồng chí Tạ Hoàng Hà - Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Đông Ngạc cho hay.

Bên cạnh huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, một trong những “vũ khí” độc đáo của Việt Nam được vận dụng hiện nay là phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân qua mô hình tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, giúp khoanh vùng, kiểm soát nhanh chóng dịch bệnh; đồng thời thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa chính quyền và nhân dân.

Trong đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang là tỉnh thành có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trên cả nước. Từ giữa tháng 5/2021, ngay khi đến Bắc Giang, Bộ phận thường trực do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đứng đầu đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là thực hiện tốt công tác khoanh vùng, điều tra, giám sát dịch tễ, thông qua phát huy vai trò tổ giám sát Covid-19 cộng đồng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập 10.643 tổ Covid-19 cộng đồng với tổng số nhân lực là 37.420 người. Sau 1 tháng thành lập, mạng lưới tổ giám sát Covid-19 cộng đồng đã phát hiện được trên 1.200 trường hợp có biểu hiện ho, sốt, qua đó thực hiện các biện pháp cần thiết một cách kịp thời, giúp ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh. Nhờ vậy, từ chỗ ghi nhận cả trăm ca Covid-19 mỗi ngày, đến nay, tình hình dịch bệnh của Bắc Giang đã từng bước được kiểm soát.

Cô Đỗ Thị Hoài Mơ - thành viên tổ giám sát Covid-19 cộng đồng tại tổ dân phố Thanh Xuân (thị trấn Đồi Ngô, huyền Lục Nam) bộc bạch: Những ngày đầu bùng dịch Covid-19 phát, để nhanh chóng khoanh vùng, khống chế tình hình lây nhiễm, đều đặn mỗi ngày, bất kể thời tiết nắng mưa, có hôm tối muộn, các thành viên trong tổ vẫn miệt mài “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc dịch.

Cán bộ thuộc tổ Covid-19 cộng đồng tại địa bàn huyện Lục Nam tới từng nhà để kiểm tra thông tin (BYT)Cán bộ thuộc tổ Covid-19 cộng đồng tại địa bàn huyện Lục Nam tới từng nhà để kiểm tra thông tin (Ảnh: BYT)

Mỗi tổ giám sát Covid-19 thường phụ trách từ 40-50 hộ gia đình. Trong quá trình hỏi thăm sức khỏe, nếu thấy trường hợp nào bất thường, phải báo cáo cách ly ngay, sau đó theo dõi sức khỏe cho từng trường hợp, cặp nhiệt độ sáng và chiều, ghi lại vào bảng, báo cáo lên các cấp để nắm tình hình…

“Biết rõ công việc nhiều vất vả, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ những người mình tiếp xúc, nhưng các thành viên trong tổ giám sát Covid-19 cộng đồng đều tự nguyện, hăng hái làm nhiệm vụ vì mục tiêu chống dịch của Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung. Phải nói rằng, trong lúc thiên tai, dịch bệnh mới thấy hết tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam lớn tới nhường nào” - cô Đỗ Thị Hoài Mơ chia sẻ.

Bên cạnh lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội... trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 còn biết bao con người với tinh thần quyết tâm cao nhất, luôn cần mẫn, trách nhiệm, thầm lặng đóng góp sức mình với mong muốn đẩy lùi dịch bệnh.

“Kinh nghiệm một năm rưỡi kiên cường phòng chống dịch của Việt Nam cho thấy càng về sau, các đợt dịch càng khó khăn, phức tạp hơn, thời gian khống chế lâu hơn, song chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng vẫn có thể xử lý tốt tình hình. Qua các đợt dịch, các giải pháp ngày càng được, hoàn thiện, triển khai bài bản hơn trong thực tế. Có chiến lược đúng đắn, giải pháp phù hợp chưa đủ, một “bí quyết” của Việt Nam là triển khai quyết liệt, nhất quán, đồng bộ chiến lược, giải pháp đó khi xảy ra tình huống dịch và phát huy sức mạnh toàn dân tộc” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

THẢO HƯƠNG – VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.