Nhiều quốc gia thiếu hụt lao động vì Covid-19

Chia sẻ

Các đợt tiêm chủng quy mô lớn đã mang lại kết quả tích cực, lệnh giãn cách dần được gỡ bỏ tạo điều kiện cho hàng loạt dịch vụ mở cửa trở lại. Tuy nhiên thiếu hụt lao động sau đại dịch đã trở thành một bài toán đau đầu với nhiều quốc gia.

“Khát” lao động nhập cư

Sau thành công của đợt tiêm chủng quy mô lớn, người Mỹ bắt đầu quay trở lại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, các chủ khách sạn, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ lại rơi vào lo lắng khi tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do đại dịch có thể buộc họ phải hạn chế hoạt động, cắt giảm giờ làm, hoặc thậm chí lâm vào cảnh phải đóng cửa.

Công nhân nhập cư ngồi chờ tại khu vực theo dõi sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 tại Trung tâm tiêm chủng Seletar, SingaporeCông nhân nhập cư ngồi chờ tại khu vực theo dõi sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 tại Trung tâm tiêm chủng Seletar, Singapore (Ảnh: Straits Times)

1.500 là số nhân sự còn thiếu của Morey’s Piers - công viên giải trí bên bờ biển ở Wildwood, bang New Jersey. Nhằm thu hút ứng viên, công ty đã phải sử dụng nhiều hình thức quảng cáo việc làm như các bảng quảng cáo trong khu vực, tham gia hội chợ việc làm tại các trường trung học cũng như khai thác từ mạng lưới nhân viên cũ. Tuy nhiên vẫn không thể tuyển đủ số lượng người lao động theo yêu cầu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà nghỉ và Khách sạn Mỹ, Brian Crawford cho biết: “Các chủ doanh nghiệp đang phải vật lộn nhằm tìm cách đưa người lao động nhập cư vào đất nước trong khi nhân lực từ các nguồn trong nước đang thiếu hụt trầm trọng. Việc tuyển dụng thực sự rất khó khăn!”

Không chỉ ở Mỹ, châu Âu cũng lâm vào cảnh tương tự, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều. Ước tính, số lao động nhập cư vào Đức đã giảm tới 1/3 trong năm 2020. Việc hạn chế đi lại do Covid-19 khiến người lao động có nhu cầu không thể vượt qua biên giới dễ dàng theo hiệp ước chung trong Liên minh châu Âu (EU) mặc cho khối 27 nước sắp tung ra một gói kích thích kinh tế trị giá 800 tỷ euro tập trung vào các ngành công nghiệp kỹ thuật số và môi trường đòi hỏi lao động chuyên môn cao.

Mạng lưới và các kênh cung cấp lao động cũng bị gián đoạn do tác động của đại dịch khiến hậu quả có thể còn kéo dài. Hàng loạt các hội chợ việc làm phải huỷ bỏ, chương trình đào tạo nghề bị gián đoạn. Trường đại học sụt giảm về số lượng sinh viên nước ngoài.

An toàn là ưu tiên hàng đầu

Nhiều quốc gia còn phải đối mặt với thách thức đảm bảo an toàn cho nhóm lao động nhập cư trước đại dịch nếu không muốn các đợt bùng phát mới làm gián đoạn hoạt động sản xuất.

Các cơ quan và tổ chức xuyên biên giới của Mỹ đang thực hiện hàng loạt dự án tiêm chủng cho công nhân nhập cư từ Mexico đến Mỹ làm việc. Các phòng khám di động được đặt ở phía Nam biên giới Mỹ là nơi tiêm phòng cho nhóm người này. “Đến giữa tháng 6 đã có khoảng hơn 23.000 công nhân từ Mexico được tiêm chủng”, Tổng Lãnh sự Mexico tại San Diego - California Carlos González Gutiérrez cho biết.

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chính sách nhằm tăng cường hỗ trợ cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này. Theo đó, Chính phủ cùng các thành phố trực thuộc trung ương sẽ đảm bảo công dân nước ngoài được nhận phiếu tiêm chủng Covid-19 và có thể tiếp cận các dịch vụ tư vấn đa ngôn ngữ thông qua điện thoại. Ngoài ra, các công ty cung cấp nơi lưu trú cho thực tập sinh nước ngoài sẽ được nhận nhiều ưu đãi nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Đối với Singapore, rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch lớn nhất xảy ra trong các ký túc xá dành cho những người lao động nước ngoài vào năm 2020 với hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Chính phủ đảo quốc sư tử đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho hơn 54.000 người dân thuộc nhóm đối tượng lao động nhập cư sống tại các khu ký túc xá này. Theo ước tính, 1/5 số lao động nhập cư sống trong các khu tập thể tại Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ. Số liệu tính tới ngày 31/5 là 55.000 người lao động nhập cư đã được tiêm đủ cả hai mũi vắc-xin Covid-19. Bộ Nhân lực Singapore thông báo có khoảng 67.000 người lao động nhập cư khác đã được tiêm phòng ít nhất là một mũi, dự kiến 6-8 tuần sau những người này sẽ được tiêm mũi kế tiếp.

HỮU PHÚ

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.