Xóm di cư nghèo lay lắt mùa Covid!

Chia sẻ

Những ngày này, gọi điện liên hệ để được gặp trò chuyện với các chị sẽ rất khó để sắp xếp thời gian. Vì họ là những lao động di cư thời vụ, thời điểm dịch bệnh lại càng phải đối mặt nỗi lo ngày mai chẳng biết làm gì, nên hôm nay phải tranh thủ vừa đi làm vừa tìm việc làm mới cho ngày mai...

Covid-19 không đáng sợ bằng “có sức khỏe mà chẳng thể làm gì”

Năm nay 54 tuổi, nhưng chị Nguyễn Thị Thoa (quê ở Hải Hậu, Nam Định), Trưởng nhóm Tự lực của phụ nữ di cư phường Phúc Xá, quận Ba Đình (một tổ chức do Hội LHPN Quận phối hợp với Hội LHPN Thành phố, Viện phát triển sức khỏe cộng đồng - Light tổ chức từ năm 2009) đã có đến gần bốn chục năm rong ruổi trên những con phố của Hà Nội để mưu sinh. Ai bảo gì làm nấy, chị trải qua đủ các nghề như bán rong, thu gom phế liệu, làm giúp việc gia đình theo giờ.

Trước khi có dịch, công việc đều đều, thu nhập ngoài việc chi trả 2,5 triệu tiền nhà trọ và ăn uống ngày hai bữa, chị vẫn dôi ra được vài ba triệu đồng tiết kiệm và gửi về quê chăm sóc mẹ già. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, rồi phức tạp, rồi “đóng băng” tất cả, công việc của chị bị đứt đoạn. Bữa làm bữa không, hôm nào đi làm thì lo ngay ngáy không bán được hàng, “vì có ai ra đường đâu!”. Còn những hôm ở nhà do không có việc thì, có ngồi yên đấy nhưng lòng như lửa đốt, bởi tiền nhà, tiền điện, tiền nước vẫn cứ phải trả mà…

Lại một ngày không có việc làm, chị Thoa chỉ biết đi ra đi vào, dọn dẹp căn bếp trong nỗi buồn phảng phấtLại một ngày không có việc làm, chị Thoa chỉ biết đi ra đi vào, dọn dẹp căn bếp trong nỗi buồn phảng phất (Ảnh: Q.A)

Chị Thoa và 5, 7 chị em khác cùng sống trong một khu trọ nằm khuất hẳn phía sau những ngôi nhà cao tầng ở đường An Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Bước vào khu trọ, điều đầu tiên nhận thấy là rất nhiều những thùng xốp treo cao, dường như rất lâu các chị chưa lấy xuống để làm đồ đựng hàng, chạy chợ. Tán cây khế nhiều năm tuổi che khuất hết ánh sáng, làm khu trọ vốn đã ẩm thấp lại càng thêm u tối. Có khách, phòng trọ của chị Thoa mới bật đèn. Mấy nhà kế bên, đều có người ở nhà đấy, vì chẳng ai có việc làm cả, nhưng đều để kệ cho bóng tối.

Căn phòng của chị Thoa rộng nhất trong số đó. Không phải do chị “dư dả” nhất, mà vì mới mấy ngày vừa rồi thôi, các con trai, con dâu và cháu nội chị còn ở cùng. “Nay dịch dã, việc ngưng, chúng nó cho con về quê hết! Chứ nếu có một mình người lớn như tôi ở, thì tôi thà ở phòng rẻ hơn, ẩm thấp, nước ngập vào nhà như dãy trọ ngõ bên cũng chẳng sao…”

Nhóm Tự lực của phụ nữ di cư do chị Thoa làm trưởng nhóm có khoảng 20 chị, mỗi người một xứ tìm đến Hà Nội để mưu sinh, người gần thì ở Hưng Yên, Nam Định, xa hơn thì Nghệ An, Quảng Bình cũng có. Bình thường, nhóm sẽ họp mỗi tháng 2 lần, chị em cùng chia sẻ khó khăn, động viên và giúp đỡ nhau. Nhưng từ khi có dịch, buộc phải giãn cách, hạn chế gặp mặt, tiếp xúc, các chị phải tự mình gồng gánh, tự động viên cái khổ một mình. Rất nhiều chị mất việc, có chị chán nản về quê tìm việc mới, nhưng nhiều chị vẫn cố gắng tìm những công việc thời vụ, kiếm được thêm đồng nào hay đồng đó…

 “Chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch của chính quyền địa phương đặt ra, nhưng thú thật, Covid-19 không đáng sợ bằng có sức khỏe mà chỉ biết ngồi im, không thể đi kiếm tiền”, chị Thoa trăn trở. Là những lao động di cư, cuộc sống của họ trôi chảy suốt bao nhiêu năm gắng gượng mưu sinh xứ người gói gọn trong 2 từ “di động”. Bởi cứ dừng lại, ráo mồ hôi là không có tiền. Ngồi kể phận mình, chị Thoa tiện chỉ tay mấy nhà trọ kế bên. Kia là một chị gãy tay trên đường đi làm mà không dám đi viện vì sợ tốn tiền, giờ không rõ cái tay đã lành hẳn chưa? Phía bên này là đôi vợ chồng từ Hưng Yên lên đây kiếm sống. Vợ bị tâm thần, kinh tế cả nhà dựa cả vào xe cà phê dạo của người chồng. Nay dịch bệnh phức tạp, anh phải nghỉ, rồi chẳng rõ cả nhà vượt qua cái khổ ấy ra sao?

Những ngày không có việc, mấy chị em chị Thoa chỉ biết đi ra đi vào, quét sân quét ngõ cho đỡ buồn chân tay, chứ lòng thì rầu rĩ. Họ chẳng dám tiêu đến tiền tiết kiệm, bữa cơm cũng thiếu hẳn những món có đạm, chỉ vỏn vẹn cơm với rau luộc. Nhiều đêm than thở không ngủ được, có những ngày đi làm được, chị em vô tình gặp nhau trên đường, cũng chỉ ngậm ngùi động viên nhau, chỉ mong có việc để đủ tiền trang trải nhà trọ và đủ ăn chứ không dám mong gì xa hơn nữa…

Tổ chức Hội luôn động viên và giúp đỡ phụ nữ di cư

Khi ngõ 105 Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm bị phong tỏa do có người nhiễm Covid-19, Hội LHPN phường Chương Dương đã tìm cách liên hệ, hỗ trợ nhu yếu phẩm như rau củ quả… cho các chị em phụ nữ di cư tại đây. “Vừa quan tâm, động viên, nhưng chúng tôi không quên tuyên truyền để các chị tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch”, chị Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Chương Dương cho biết.

Dịch bệnh khiến ai cũng phải chuyển hướng. Với nữ lao động di cư phường Chương Dương, các chị buộc phải nghỉ bán hàng rong, thu gom phế liệu, hay các công việc mưu sinh thường nhật khác…, nhưng nhờ những mối quan hệ quen biết được trong quá trình làm việc trước đây, các chị linh hoạt tìm được công việc mới như đi làm giúp việc theo giờ. Thu nhập có thể bấp bênh, ít ỏi hơn trước, nhưng ít ra vẫn còn có thể trang trải những nhu cầu thiết yếu. Cùng với đó, tổ chức Hội LHPN phường cùng chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện và tìm các nhà tài trợ, hảo tâm tặng các chị những món quà động viên vượt qua dịch bệnh.

Mong mỏi nhất của những người phụ nữ di cư sa sụt kinh tế, không đi làm được là có hỗ trợ cần thiết nhất như nhu yếu phẩm và đẩy lùi dịch bệnh thật nhanh để chị em trở về cuộc sống bình thường. Bởi với những người lao động nghèo, Covid-19 còn chưa là hình hài gì rõ rệt, còn thiếu tiền, nó lẩn khuất trong ánh mắt, trong bữa cơm chỉ có rau, trong ánh đèn le lói giữa cái khu trọ ẩm thấp nằm phía sâu, rất sâu của ồn ào thành phố.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.