Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ thí điểm điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà ở một số địa phương

Chia sẻ

Đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 và an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sáng 13/8.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh trong thời gian qua, lực lượng khám chữa bệnh cùng hệ thống y tế dự phòng, các viện, các trường và toàn thể ngành y tế đã cùng nhau hết sức nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch. Lực lượng y tế luôn luôn sẵn sàng, nỗ lực hết mình để phục vụ công tác phòng, chống dịch, giảm tỷ lệ tử vong tại các điểm nóng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: BYT)

Tại những tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương… công tác phòng, chống dịch đã được tập trung cao độ và có rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, bên cạnh công tác dự phòng, vấn đề điều trị là ưu tiên trọng tâm với các địa phương trong giai đoạn hiện nay để giảm tối đa các trường hợp tử vong. Từ thực tiễn chống dịch, chúng ta thấy cần rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, công tác tổ chức khám, chữa bệnh nói chung và đặc biệt là điều trị bệnh nhân COVID-19 nói riêng đã được thay đổi trên nguyên tắc tất cả người dân đều được tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế và đảm bảo tiếp cận nhanh, thuận tiện, chất lượng cho bệnh nhân.

Tại tuyến trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch phức tạp như hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập các Bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức tích cực.

Đối với các địa phương, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chia tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, trong đó tại tầng 1, bao gồm các bệnh viện dã chiến, các địa điểm tại cộng đồng, kể cả tại gia đình… để quản lý và chăm sóc người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, theo điều kiện của từng địa phương.

“Tới đây chúng tôi sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở; để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tại nhà, ở các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng điều trị này rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tầng điều trị thứ 2 - vô cùng quan trọng: Phải có đủ oxy cho người bệnh, thuốc kháng đông và kháng viêm

Tầng điều trị thứ 2 là các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng trung bình. “Tại các cơ sở y tế có giường bệnh ngay bây giờ phải chuẩn bị cho tình huống có nhiều ca nhiễm”- Bộ trưởng yêu cầu.

Có 3 yếu tố cực kỳ quan trọng mà tầng điều trị này phải chuẩn bị, đó là oxy; thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm. Bộ trưởng nói: Nếu chúng ta làm tốt công tác điều trị ở tầng này thì sẽ giảm nhẹ ca mắc và không làm tăng nặng ca nhiễm. Khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn, thực tế đã chứng minh điều đó.

Đối với oxy, Bộ Y tế đã liên tục có những văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn cụ thể các địa phương phải đảm bảo oxy cho điều trị ở tầng này. Do đó, các địa phương phải ngay lập tức rà soát lại tất cả các cơ sở y tế thuộc tầng điều trị này xem có bồn oxy chưa, có bình lớn chứa oxy chưa… Số lượng oxy có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị của bao nhiêu bệnh nhân… Chứ không phải là “đã có oxy nhưng chỉ vài họng oxy”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

“Đây là tầng điều trị vô cùng quan trọng, do đó các địa phương phải đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế thuộc tầng này để đảm bảo có thể thực hiện được các kỹ thuật cao nhất khi cần. Đối với tầng 2, chúng tôi khuyến cáo nên sử dụng máy thở dòng cao (HFNC) trong điều trị, máy thở không xâm nhập… và một số trang thiết bị khác mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được”.

Về thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm, Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời nhắc lại thêm một lần nữa: Các cơ sở ở tầng điều trị thứ 2 phải luôn luôn có oxy, thuốc kháng đông và kháng viêm; phải cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ nặng của bệnh nhân.

Tầng thứ 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại yêu cầu của Bộ Y tế về việc tất cả các địa phương phải chuẩn bị cả về nhân lực và trang thiết bị cho tầng điều trị này. Riêng nhân lực phải sử dụng được máy thở xâm nhập.

“Các địa phương cần rà soát lại các tầng điều trị trên địa bàn, trên nguyên tắc tăng công suất tối đa của các tầng điều trị. Ngay tại tầng 1 phải tăng khả năng, dung lượng điều trị. Tầng thứ 2 và 3 cũng vậy, để khi dịch xảy ra, các địa phương không bị ngỡ ngàng, không hoang mang, bị động. Phải chuẩn bị cao hơn một mức”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về chuẩn bị cho công tác điều trị, người đứng đầu ngành y tế chỉ rõ hiện nay tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng lúng túng, chuẩn bị chưa chu đáo, đầy đủ cho công tác điều trị. Các địa phương theo đúng phương châm “4 tại chỗ” thì phải chuẩn bị sẵn sàng cho điều trị về giường bệnh, oxy, máy thở (bao gồm cả HFNC) cho tầng điều trị thứ 3 và trang thiết bị phòng hộ. Việc chuẩn bị phải đồng bộ, thống nhất.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.