Hội LHPN Hà Nội: Đề xuất tháo gỡ thủ tục hỗ trợ lao động tự do

Chia sẻ

Nhằm đảm bảo tính kịp thời, minh bạch, hiệu quả trong triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ, đặc biệt không bỏ sót đối tượng chỉ vì "rào cản" thủ tục đối với người lao động tự do, sáng ngày 12/8, Hội LHPN Hà Nội đã chủ trì tọa đàm trực tuyến “Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội”.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội đưa ra các khuyến nghị tại Hội nghị trực tuyếnĐồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội đưa ra các khuyến nghị tại Hội nghị trực tuyến
Hội nghị có sự tham gia của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, TP.HCM; tổ chức Oxfam Việt Nam và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng - Light.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng, trong triển khai gói hỗ trợ, việc xác nhận để chi ngân sách hỗ trợ cho trúng, đúng đối tượng là vấn đề không dễ. Nhất là khi lao động tự do ở các tỉnh/thành khác đến làm việc không có tạm trú, tạm vắng. Bà Giang cho rằng, ngành lao động nên triển khai hệ thống dữ liệu về lao động phi chính thức, để người lao động dù làm ở đâu cũng dễ dàng được theo dõi, hỗ trợ khi cần.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, về thủ tục để lao động tự do nhận hỗ trợ, quy định hiện nay là người dân cần nộp đơn đề nghị theo mẫu đến UBND xã, xác nhận tạm trú/thường trú của công an khu vực. “Người tỉnh khác đang lao động ở Hà Nội phải có giấy xác nhận nơi thường trú là bản thân không nhận chính sách này ở nơi thường trú mà nhận ở nơi tạm trú hoặc ngược lại nhằm tránh lợi dụng, trục lợi chính sách”, ông Dân nói. Tuy nhiên, đại diện ngành LĐ-TB&XH Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp thu những thắc mắc, khó khăn của người lao động, đề xuất với UBND TP Hà Nội, để người lao động chỉ cần CCCD/CMND, đăng ký tạm trú và đơn xin để nhận hỗ trợ.

“Để thực hiện Nghị quyết 42 một cách công khai, minh bạch, chính xác, nhanh chóng, chúng tôi đề nghị MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Hội LHPN phối hợp để giám sát các cấp, ngành thực hiện nội dung này. Với cách làm này, tôi nghĩ rằng, việc trục lợi, hỗ trợ không đúng quy định về chế độ chính sách cho người lao động sẽ giảm đến mức thấp nhất. Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng 0243.834.4643 để tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị giải đáp thắc mắc của người dân, người sử dụng lao động và người lao động trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ”, ông Dân nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội và các cấp Hội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho nữ lao động tự do nói riêng và phụ nữ nói chung gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ Thủ đô. Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, năm 2020, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, Hội LHPN Hà Nội đã tham gia các đoàn giám sát triển khai Nghị quyết và thấy rằng, do nhiều nguyên nhân, đối tượng nữ lao động tự do còn gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách, dẫn tới tỷ lệ được thụ hưởng ít hơn so với số lượng thực tế.

Từ kinh nghiệm thực hiện đó, với việc triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ lần này, Hội LHPN Hà Nội và Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng - Light đã đưa ra một số khuyến nghị đối với các cơ quan tham gia quá trình triển khai chính sách. Cụ thể, đối với Bộ LĐ-TB-XH, Hội khuyến nghị cần kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, giải đáp kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của các địa phương trong việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ; có hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ các chính sách đến người dân, doanh nghiệp...

Hội LHPN Hà Nội đề nghị HĐND Thành phố sớm thông qua và ban hành kịp thời chính sách đặc thù hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có chính sách đối với người lao động tự do theo hướng mở rộng thêm một số nhóm việc làm dựa trên một tiêu chí chung là bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của Covid-19, mức hỗ trợ phù hợp hơn với sự tác động, bị ảnh hưởng; Thủ tục hành chính thuận lợi nhất để lao động tự do tiếp cận nhanh chóng.

Hội LHPN Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận/huyện/thị xã - cơ quan trực tiếp triển khai chính sách có biện pháp hỗ trợ đối với một số nhóm việc làm của người lao động tự do bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của Covid-19; Rà soát người lao động tự do qua nhiều kênh trong đó phát huy vai trò của thôn/tổ dân phố, các tổ chức đoàn thế, trong đó có Hội Phụ nữ... hoặc người lao động tự do có thể tự đăng ký tại tổ dân phố hoặc tại UBND phường/xã/thị trấn thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến...

Bài và ảnh: MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho lãnh đạo, cán bộ Hội các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc; các đồng chí là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội LHPN Hà Nội.
Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị năm 2023-2024 trong các cấp Hội và Tập huấn Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.