Nhiều nước triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em

Chia sẻ

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương khi nhiễm Covid-19 với nhiều di chứng kéo dài đáng lo ngại. Vì thế, gần đây, nhiều quốc gia đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho nhóm tuổi này.

Một bé trai được tiêm vắc-xin Sinovac tại thành phố Pekanbaru, Indonesia (AFP)Một bé trai được tiêm vắc-xin Sinovac tại thành phố Pekanbaru, Indonesia (AFP)

Gia tăng trẻ em nhiễm bệnh

Tính đến cuối tháng 8 tại Mỹ đã có hơn 4,8 triệu trẻ em có kết quả dương tính với Covid-19. Indonesia trở thành quốc gia có tỉ lệ bệnh nhân là trẻ em mắc cũng như tử vong do Covid-19 thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo số liệu của Bộ Y tế nước này, hơn 1.272 trẻ em đã chết vì Covid-19, 1% trong tổng số người tử vong dưới 18 tuổi, cao hơn mức trung bình trên toàn thế giới 0,3%. Covid-19 cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 trẻ em Ấn Độ và hơn 2.000 trẻ em Brazil.

Một nghiên cứu lớn gần đây ở Anh được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet Child & Adolescent Health cho thấy, 4,4% trẻ em bị nhiễm Covid-19 có các triệu chứng kéo dài hơn 28 ngày và 1,8% kéo dài tới hơn 56 ngày. Việc các triệu chứng của Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến trẻ từ 12-17 tuổi nhiều hơn so với trẻ từ 5-11 tuổi, không chỉ vậy, Covid-19 còn gây căng thẳng tâm lý cho gia đình các em.

Vắc-xin cho trẻ em là rất cần thiết

Trước tình hình đó, nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Úc và Israel đã gấp rút triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ tháng 6. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi với hai mũi cách nhau 21 ngày. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng cấp phép dùng khẩn cấp vắc-xin Moderna cho trẻ em từ 12-17 tuổi với hai mũi tiêm cách nhau ít nhất 4 tuần.

Trong bối cảnh trẻ em trên khắp nước Mỹ quay trở lại trường học, nhiều phụ huynh có con dưới 12 tuổi bày tỏ sự lo lắng do trẻ vẫn chưa được tiêm chủng. Tiến sĩ Paul Offit, thành viên Ủy ban cố vấn vắc-xin của FDA cho biết: Sự chậm trễ trong việc phê duyệt vắc-xin cho trẻ nhỏ là cần thiết để có thể xem xét một cách kỹ lưỡng dữ liệu nhằm đảm bảo vắc-xin có mức độ an toàn cao nhất.

Mặc dù vậy, có một số quốc gia đã phê chuẩn vắc-xin dành cho trẻ dưới 12 tuổi là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Trung Quốc. UAE phê chuẩn dùng khẩn cấp loại vắc-xin của Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi và vắc-xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi. Trung Quốc cũng đã phê chuẩn vắc-xin của Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi. Một số quốc gia khác đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases, hai liều vắc-xin Covid-19 do hãng Sinovac (Trung Quốc) sản xuất an toàn và tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ ở trẻ từ 3-17 tuổi. Tương tự, một thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin BBIBP-CorV của Sinopharm an toàn cho trẻ từ 3-17 tuổi.

Chủ tịch Viện Gamaleya, Alexander Gintsburg, đồng thời là nhà khoa học giám sát việc tạo ra vắc-xin Sputnik V cho biết, Nga đã thử nghiệm một loại vắc-xin Covid-19 dạng xịt cho trẻ em từ 8-12 tuổi và có thể giới thiệu sản phẩm mới vào tháng 9.

Bộ Y tế Israel cũng cho phép tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi có các triệu chứng nghiêm trọng từ hồi tháng 7.

Các nhà khoa học nhận định, có 3 lợi ích chính mà vắc-xin Covid-19 mang lại cho trẻ đó là ngăn nguy cơ nhiễm bệnh, ngăn ngừa hoặc giảm sự nhân bản và lan truyền của virus. Giống như người lớn, trẻ em cũng có thể phát tán virus nếu mắc bệnh, ngay cả khi không có triệu chứng, do đó, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em cũng là cách để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cuối cùng, vắc-xin Covid-19 có thể giúp ngăn chặn các biến thể khác xuất hiện.

Trong khi nhiều nước chưa phê duyệt vắc-xin để tiêm cho trẻ em, cha mẹ có thể giảm thiểu rủi ro cho con bằng cách thực hiện tiêm chủng cho tất cả thành viên khác có đủ điều kiện trong gia đình. Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa hằng ngày như tránh tụ tập, đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh và khuyến khích con trẻ đeo khẩu trang ở trường là những cách hữu hiệu giúp bảo vệ trẻ em cũng như cả gia đình trong bối cảnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

PHÚ ĐỖ

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.