Hà Nội đạt 5 kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau 4 đợt dịch

Chia sẻ

Chiều 10/9, tại cuộc họp thông tin với báo chí về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội khẳng định, qua 3 đợt giãn cách xã hội, thành phố đạt được 5 kết quả quan trọng.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, đợt bùng phát dịch thứ 4 xảy ra từ 27/4, lúc đó Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch lớn, khi 8 tỉnh xung quanh đều có dịch; người nhập cảnh vẫn đang tiếp tục về và xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp. Hà Nội là trung tâm kinh tế, trung tâm giao dịch, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên hàng ngày có hàng chục nghìn lượt người qua lại, cùng với đó là các chuyến bay "giải cứu" về phải cách ly, lượng người nhập cảnh vào TP lớn... Với ý thức trách nhiệm cao và chủ động các phương án, kế hoạch phòng chống dịch ở mức hơn, TP Hà Nội đã áp dụng các biện pháp mạnh, linh hoạt để đối phó với dịch. Trong đó, TP thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24/7. Đến nay, TP đã trải qua 3 đợt giãn cách xã hội toàn TP; từ 6/9, TP áp dụng phương án chia 3 cùng với mức độ phòng, chống dịch khác nhau, trong đó tiếp tục giãn cách xã hội tại Vùng 1.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra 5 kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin tại hội nghị.Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin tại hội nghị.

Thứ nhất, cho đến hôm nay (10/9), số ca mắc trên địa bàn Hà Nội đang có chiều hướng giảm, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần. Nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách xã hội, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 50%; trong giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 30%; đến cuối giai đoạn 3 đến nay, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm xuống 8,7%. Những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, nhưng chủ yếu là các ca mắc trong khu cách ly, phong tỏa.

Về công tác điều trị, với quan điểm nhất quán của Hà Nội ngay từ đầu chống dịch, đó là không để F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà. Quan điểm này sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Các F0 đều được chữa trị tại bệnh viện; các trường hợp F1 đều được cách ly tập trung.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung nâng cao năng lực y tế của thành phố. Trong đó, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc; chủ động củng cố, nâng cao năng lực điều trị của tất cả các cơ sở y tế của Hà Nội, từ các bệnh viện đến các trạm y tế.

Đến nay, Hà Nội xây dựng phương án đáp ứng cho tình huống có tới 40.000 trường hợp F0. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, cơ sở y tế chuẩn bị phương án này. Thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 ca F0, nhưng thực tế, thành phố đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị F0 thể nhẹ (tầng 1) và ở tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Chưa kể số giường bệnh của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ Hà Nội 2.500 giường. Hà Nội cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện thành phố, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40.000 người bệnh.

Đáng chú ý, tất cả các cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ đều vận hành trên cơ sở sử dụng các nhà tái định cư, chung cư thương mại, các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn, không phải xây mới. Duy nhất chỉ có Bệnh viện dã chiến của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (tại Yên Sở, Hoàng Mai) là phải xây mới.

Thành phố cũng đã nâng cấp hệ thống y tế tuyến cơ sở, trung tâm y tế, trạm y tế phường, xã, thị trấn; kích hoạt đội ngũ bác sỹ tình nguyện đang công tác tại các bệnh viện của thành phố và các tỉnh, thành xung quanh, cũng như các y, bác sỹ về hưu... với hơn 1.000 người tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành; đã đào tạo, tập huấn cho hơn 300 y bác sỹ để tư vấn, hỗ trợ người bệnh.

Về cơ sở cách ly, Hà Nội đang chuẩn bị ở mức 118.000 chỗ để cách ly các trường hợp F1; đã có quyết định thành lập, đang vận hành trên 40.000 chỗ... Toàn bộ các khu cách ly tập trung cũng không phải xây mới, tận dụng các khu nhà ở chưa đưa vào sử dụng, trường học, ký túc xá... Hiện nay, Hà Nội mới sử dụng chưa đến 9% công suất khu cách ly. Thành phố cũng giao cho các quận, huyện, thị xã (trừ 4 quận nội đô) phải chủ động xây dựng các khu cách ly tập trung của mình, với công suất từ 1.000-5.000 chỗ.

Cái được lớn nhất trong thời gian vừa qua, thành phố đã khống chế cơ bản dịch bệnh. Thành phố đã nâng cao năng lực của ngành y tế, chuẩn bị ở mức cao để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn.

Thứ hai, Hà Nội khác với các địa phương khác, mặc dù thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, chỉ đóng cửa các chợ cóc và điều chỉnh lại hoạt động của các chợ dân sinh, các siêu thị và cửa hàng tiện ích, đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng, chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩn, thuốc men của người dân trong 50 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng. Hà Nội tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của TP cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì.

Thứ ba, về đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh việc thực hiện các chính sách của T.Ư, thành phố Hà Nội đã ban hành chính sách riêng để bao phủ thêm các nhóm đối tượng chưa được T.Ư quy định (với 10 nhóm đối tượng, 12 nhóm chính sách). Cùng với đó, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm, chăm lo hỗ trợ nhiều lần, cho nhiều đối tượng chính sách trong suốt đợt dịch vừa qua. Thành phố cũng giao MTTQ là đầu mối tiếp nhận và phân phối các mặt hàng hỗ trợ, để bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ tư, về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù là địa bàn rất phức tạp, nhưng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được đảm bảo.

Thứ năm, hệ thống chính trị ở cơ sở đã vào cuộc rất hiệu quả, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp, tự nguyện của người dân trong công tác phòng, chống dịch trên rất nhiều nội dung. Từ việc hỗ trợ, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của mình; đến quyên góp ủng hộ Quỹ Vaccine, Quỹ Phòng chống Covid-19; tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch, bảo vệ “vùng xanh”. Ngay từ đầu, khi dịch bệnh bùng phát thì vai trò của người dân đã thể hiện rất rõ, người dân thực sự là chủ thể, là chiến sĩ trong phòng, chống dịch... Nhờ đó, các “vùng đỏ” dần được thu hẹp, "vùng xanh" được mở rộng. Cho đến nay, Hà Nội chỉ còn 66 điểm cách ly y tế.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã tích cực ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống dịch. Từ quận, huyện, thị xã xuống chi bộ, thôn, tổ dân phố đều khai thác các nhóm Zalo, Facebook để phục vụ công tác thông tin liên lạc, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Thành phố cũng thiết lập Sở Chỉ huy kết nối từ thành phố đến cơ sở giao ban trực tuyến hằng ngày để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; xây dựng phần mềm quản lý, phân loại F0, F1; thiết lập tổng đài 1022 với 6 nhánh; nâng cấp Trung tâm cấp cứu 115 kết nối liên thông với các bệnh viện trung ương, bệnh viện tư nhân với khoảng 150 xe...

HẢI NAM

 

Tin cùng chuyên mục