Chính sách hỗ trợ với công nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Chia sẻ

Chúng tôi là công nhân tại một xí nghiệp may, đều đã ký hợp đồng sau thời gian thử việc, trong đó người làm lâu nhất đã được 3 năm, người mới làm được 6 tháng. Chúng tôi muốn hỏi về các chính sách hỗ trợ, bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành?

Câu hỏi
Chúng tôi là công nhân tại một xí nghiệp may, đều đã ký hợp đồng sau thời gian thử việc, trong đó người làm lâu nhất đã được 3 năm, người mới làm được 6 tháng. Hiện nay, chúng tôi đều đã bị nghỉ việc để đảm bảo giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19. Do nghỉ việc dài ngày dẫn đến cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi muốn hỏi về các chính sách hỗ trợ, bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành?

Nguyễn Thị Hà (Thường Tín, Hà Nội)

Trả lời
Diễn biễn phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến các mặt của đời sống xã hội và việc sản xuất, kinh doanh. Sau một loạt các gói hỗ trợ đã được ban hành, ngày 1/7/2021 Chính phủ tiếp tục quyết nghị thực hiện một số chính sách với mục tiêu hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an sinh cho người lao động. Việc hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động được xây dựng trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; Xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Lao đọng nữ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Thành phố Hà Nội.Lao đọng nữ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Thành phố Hà Nội.

Những nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã phần nào tháo gỡ những khó khăn như sau:

1. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4 năm 2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

3. Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động:

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.

4. Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự chi thường xuyên… bị tạm dừng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề phòng, chống dịch Covid-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày trở lên tính từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

5. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc:

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Luật Lao động (ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm) và phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

6. Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động:

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên… chấm dứt hợp đồng lao động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Mặc dù dịch bệnh kéo dài, nhưng những người dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em đều được Đảng và Chính phủ quan tâm đặc biệt; ngoài những chính sách trên, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 còn có những chính sách hỗ trợ bổ sung là trẻ em, phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; Hỗ trợ tiền ăn đối với những người điều trị Covid-19 (F0) từ ngày 27/4/2021đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày; Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

Tất cả những chính sách trên áp dụng trong thời điểm hiện tại đến khi có hướng dẫn mới.

Luật sư TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.