Vắc-xin Covid-19 không gây vô sinh

Chia sẻ

Những luận điệu cho rằng vắc-xin Covid-19 làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản của phụ nữ hay “bản lĩnh” của các quý ông không mới, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng và được truyền bá bởi những người theo chủ nghĩa bài vắc-xin. Các nhà khoa học đã lên tiếng bác bỏ những luận điệu không có cơ sở khoa học này.

“Đại dịch” tin giả lan rộng

Trang Deutsche Welle của Đức ngày 8/8 có bài viết nhan đề: “Tiêm vắc -xin Covid-19 sẽ làm cơ thể bị mất chức năng sinh sản!” với nhận định: “phụ nữ cần đặc biệt quan tâm đến khả năng sinh sản của họ trước khi quyết định tiêm vắc-xin do các kháng thể được tạo ra bởi vắc-xin không chỉ làm cho virus chủng mới trở nên vô hại mà còn tấn công cả các protein liên quan đến sự hình thành nhau thai trong tử cung”. Bài viết đã nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và khiến một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ một số nước phương Tây từ chối tiêm chủng.

Đầu năm nay, trường tư thục Center Academy ở Miami, Mỹ đã cấm nhân viên tiêm vắc-xin Covid-19 với lý do: “hàng chục ngàn phụ nữ trên khắp thế giới đã gặp phải các vấn đề về sinh sản khi ở gần người đã được tiêm ngừa”. Lý giải cho lệnh cấm này, đại diện của trường cho biết: “Cho đến khi vấn đề này được điều tra kỹ hơn, chúng ta cần bảo vệ các em tránh khỏi nguy cơ chưa xác định khi phải tiếp xúc cả ngày với một giáo viên đã tiêm ngừa Covid-19”.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 6 năm nay, 25% số người được hỏi và hơn 52% người không có ý định tiêm chủng tại Mỹ cho biết họ tin vắc-xin Covid-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Không chỉ phụ nữ, cánh mày râu cũng trở thành nạn nhân của các tin đồn vô căn cứ khi nói việc tiêm vắc-xin Covid-19 có thể làm suy giảm chất lượng tinh trùng, gây ra yếu sinh lý hoặc vô sinh ở nam giới.

Tiêm vắc-xin không làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.Tiêm vắc-xin không làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. (Ảnh minh hoạ).

Các chuyên gia nói gì?

Người phụ trách phòng thí nghiệm nhau thai tại Bệnh viện Đại học Jena (Đức), Udo Markert phân tích, nếu giả thuyết phản ứng miễn dịch do vắc-xin gây ra có thể gây vô sinh là chính xác, thì bản thân việc nhiễm bệnh Covid-19 lại càng gây ra vô sinh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch đương nhiệm của Hiệp hội Miễn dịch Sinh sản Châu Âu (European Society for Reproductive Immunology) Ekkehard SchleuBner tuyên bố: "Từ góc độ nghiên cứu nhau thai và y học sinh sản, những tuyên bố tràn lan như vậy là không hề có căn cứ!". Hai vị chuyên gia y học này tiếp tục khuyến nghị phụ nữ nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Celine Gounder - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học New York cũng khẳng định những tin đồn là không có cơ sở khoa học bởi: “Vắc-xin đã được nghiên cứu và thử nghiệm ở cả những phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, đang mang thai và đang cho con bú. Chúng tôi chưa phát hiện bất kỳ tác dụng bất lợi nào của vắc-xin đối với khả năng sinh sản”, vị chuyên gia này nói.

Bà Celine Gounder cũng lưu ý rằng, việc tiêm vắc-xin có mối liên hệ giữa hệ thống miễn dịch và chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng phản ứng này thường sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và sẽ không làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Thông điệp này cũng đã được Trường Cao đẳng sản phụ khoa Mỹ, các Hiệp hội Y học sinh sản Mỹ, Hiệp hội Y học bà mẹ-trẻ em và nhiều chuyên gia y tế khác ở Mỹ xác nhận.

Về tin đồn tiêm vắc-xin gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của cánh mày râu, Giáo sư khoa tiết niệu tại Đại học Miami, ông Ranjith Ramasamy nhấn mạnh: “Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ ảnh hưởng nào của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đối với tinh trùng ở bất kỳ người đàn ông nào được kiểm tra”. Ông cũng tin rằng dù có kiểm tra thêm bao nhiêu người nữa cũng sẽ không thay đổi kết quả này.

Ngược lại, vị giáo sư tin rằng, chính virus SARS-CoV-2 mới là “thủ phạm” gây ra các vấn đề về sinh sản ở nam giới. Theo các nghiên cứu đã được thực hiện và chứng minh, virus SARS-CoV-2 tồn tại trong mô tinh hoàn của người bệnh đã tử vong chính là nguyên nhân gây hại cho quá trình sản xuất tinh trùng, khả năng sinh sản và là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn cương dương.

Điều này không phải là hiếm gặp khi các loại virus đã biết như quai bị hoặc Zika cũng có thể gây viêm tinh hoàn và làm suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới. Do đó, theo ông Ranjith Ramasamy: “Tôi chỉ có thể hết sức khuyên mọi người hãy đi tiêm vắc-xin Covid-19”.

PHÚ ĐỖ

Tin cùng chuyên mục