Việt Nam kêu gọi vắc-xin và hành động về biến đổi khí hậu tại Liên hợp quốc

Chia sẻ

Cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch COVID-19 đã trở thành chủ đề trung tâm tại Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Thông điệp khẩn cấp về đại dịch của LHQ được tất cả các quốc gia, đặc biệt là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cơn bão y tế toàn cầu, gắn liền với loại virus Corona chết người, đã cản trở sự phát triển, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của thế giới, đặc biệt là ở các nước nhỏ và đang phát triển. “Đại dịch là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu nếu không được quan tâm, xử lý từ sớm, từ xa”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Trên bục phát biểu của LHQ, giọng nói của ông không hề dao động về những nguy cơ toàn cầu liên quan đến việc không ngăn chặn được virus, cũng như thúc đẩy tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc-xin và thuốc men. 

Mặc dù đây là vấn đề quốc tế, không chỉ của riêng quốc gia nào, nhưng Việt Nam, từng là được ghi nhận là nước đi đầu trong việc sớm hạn chế sự lây nhiễm của COVID-19, đã buộc phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt để ứng phó với sự lan rộng của virus, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: UNChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: UN

Trong khi các nước phát triển đang triển khai các biện pháp kiểm soát virus Corona thì nhiệm vụ cấp bách của thế giới là ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế tàn phá các nước đang phát triển bởi vì như Cao ủy LHQ về người tị nạn đã nhấn mạnh “Không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”. Việt Nam tiếp tục thiếu nguồn cung vắc-xin sẵn có. 

Không có gì ngạc nhiên khi bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự cần thiết phải tăng cường tiêm chủng, mạng lưới và nguồn cung vắc-xin cho các nước nhỏ, các nước đang phát triển và hỗ trợ các nước thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19 được tổ chức trong phiên họp của LHQ, Tổng thống Joe Biden cam kết, Mỹ sẽ gửi thêm 500 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, nâng tổng số lên hơn 1,1 tỷ liều. Các nhà lãnh đạo toàn cầu hiểu rằng, để đẩy lùi đại dịch, tất cả các quốc gia, cả nước giàu lẫn nước người nghèo, đều phải tham gia. 

Cam kết này diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Hà Nội đang nỗ lực để kiềm chế sự gia tăng của các ca nhiễm mới do biến thể Delta gây ra. “Để đẩy lùi đại dịch COVID-19, điều cốt yếu là chúng ta phải đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đẩy mạnh hợp tác”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. 

Bất chấp sự bùng phát của COVID-19, hình ảnh của Việt Nam đã được nâng cao nhờ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và vai trò Chủ tịch vào tháng 4/2021 và nhờ năng lực điều phối các sự kiện quan trọng và nỗ lực xây dựng hòa bình. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch khi là uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76.Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76.

Hội đồng Bảo an là cơ quan quyền lực nhất của LHQ, bao gồm 15 uỷ viên, 05 uỷ viên thường trực gồm: Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ, cùng 10 uỷ viên không thường trực được bầu 02 năm/lần. “COVID-19 không phải là thách thức lớn nhất và duy nhất đối với chúng ta. Hệ thống quan hệ quốc tế đang bị phân tán, chia rẽ và bất ổn dưới tác động của gia tăng căng thẳng giữa các nước lớn”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. 

Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm uỷ viên không thường trực nhiệm kỳ 2008 - 2009 và làm Chủ tịch vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Năm 2020, lần thứ hai trong lịch sử, Việt Nam trở thành uỷ viên không thường trực sau khi giành được 192 phiếu trong tổng số 193 phiếu bầu. 

Vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh quốc tế thể hiện rõ ràng qua vai trò đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019. Dù cuộc họp không đạt được giải pháp nào về giải trừ mối đe dọa hạt nhân toàn cầu, song Hà Nội đã nổi lên như một nhà kiến tạo hòa bình, thường được đánh giá là vị trí thích hợp trong ngoại giao hòa giải. 

Việc Việt Nam tái định vị là cường quốc hạng trung và phát triển vai trò kiến tạo hòa bình thể hiện sự tự tin ngày càng tăng của Việt Nam trong vai trò hòa giải chủ chốt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về các vấn đề an ninh khu vực. 

Trong 03 thập kỷ qua, Hà Nội đã được công nhận là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã thực hiện thành công các thể chế thị trường đúng đắn, đem lại những thành tựu kinh tế ấn tượng trong hơn 02 thập kỷ qua. Các quốc gia thành viên LHQ đã hoan nghênh vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền và quyền tự quyết. Hành trình đáng chú ý của Việt Nam, từ vị thế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, đã đưa hơn 40 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 1993 - 2014. 

Chặng đường thành công của Việt Nam đến LHQ được thúc đẩy bởi những bước tiến đáng chú ý từ năm 1995 đến năm 1999, bao gồm việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thương mại với Mỹ và hợp tác với các nhà tài trợ đa phương, như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Đáng chú ý, Việt Nam đã tận dụng hội nhập sâu rộng hơn với hệ thống kinh tế quốc tế, bao gồm việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Mặc dù trải qua nửa thế kỷ chiến tranh nhưng Hà Nội đã nhanh chóng ủng hộ các sáng kiến ​​của LHQ nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình. Một phần trung tâm của sự cởi mở và gắn kết với thế giới là việc Việt Nam sẵn sàng có tiếng nói và vị trí nổi bật hơn tại LHQ. Điều này thấy rõ nhất qua việc Việt Nam nỗ lực thành công để tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đầu năm 2014 và quốc kỳ Việt Nam đã tự hào tung bay tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. 

Việt Nam nhận thấy sự cấp thiết trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững 2030, Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và Hiệp định Paris (COP21). Lãnh đạo Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ hiện nay của biến đổi khí hậu dọc đường bờ biển ven Biển Đông dài hơn 3.000km; sạt lở đất ở miền núi phía Bắc; nước biển dâng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của người dân và nơi sinh sống của hơn 20 triệu người Việt Nam. 

Việt Nam hoàn toàn nhất trí với LHQ, thừa nhận đói nghèo và các vấn đề môi trường có mối liên hệ với nhau. Tác động của con người đến đại dương và các cộng đồng ven biển là rất sâu sắc, từ việc phá hủy các hệ sinh thái biển và mất đa dạng sinh học. 

“Nhiệm vụ hợp tác để giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm trong bài phát biểu. 

Việt Nam phải đối mặt với một số mối đe dọa lớn nhất và cấp bách nhất về xuống cấp đa dạng sinh học, thời tiết cực đoan và nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, một số sáng kiến ​​mới đang bắt đầu giải quyết những thách thức này, từ chuyển đổi quốc gia sang năng lượng xanh đến thúc đẩy phát triển bền vững do LHQ hỗ trợ. Các nhà lãnh đạo chính trị Hà Nội đã cam kết tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến việc chuẩn bị cho Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP-26), dự kiến ​​diễn ra tại Glasgow vào tháng 11/2021.“Chúng ta cần gia tăng nỗ lực cắt giảm phát thải, với vai trò đi đầu của các nước phát triển”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Bên cạnh COVID-19, biến đổi khí hậu được đánh giá là một trong những mối quan tâm cao nhất của tất cả người dân Đông Nam Á. Đặc biệt, Philippines và Việt Nam, hai trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2020, bao gồm siêu bão Goni (Rolly) và Vamco. 

Với những thách thức kép của COVID-19 và biến đổi khí hậu, việc chuyển sang trạng thái bình thường mới sẽ đòi hỏi sự hợp tác của các nước giàu trong việc giúp đỡ các nước nghèo và đang phát triển. 

Việt Nam cam kết đóng góp tích cực và có trách nhiệm nhằm đáp ứng Hiến chương gìn giữ hòa bình của LHQ, tuân thủ luật pháp quốc tế và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, “điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải đảm bảo được môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới”.

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục