Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội: Kỳ tích vừa đánh giặc, vừa gánh vác non sông

Chia sẻ

Không phải ngẫu nhiên mà bản sắc văn hóa Việt Nam lại có những nét riêng biệt như trọng âm, trội nữ. Trong tôn giáo thiên về thờ thần nữ; Trong ứng xử xã hội có câu “lệnh ông không bằng cồng bà"…

Điều gì đã mang lại những nét khu biệt đó? Phụ nữ không chỉ là "một nửa thế giới", là người “xây tổ ấm”, mà còn có vai trò và đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Nằm trong dòng chảy chung đó, phụ nữ Thăng Long - Hà Nội là điểm sáng với khí phách và cốt cách riêng có.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước có sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thăng Long - Hà Nội nói riêngẢnh: IntTrong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước có sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thăng Long - Hà Nội nói riêng (Ảnh: Int)

Kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2021), chúng ta cùng tự hào nhìn lại những đóng góp của phụ nữ Thăng Long-Hà Nội.

Tự hào những phụ nữ Hà Nội anh hùng

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, phụ nữ Hà Nội luôn phát huy vai trò đảm đang, cần cù trong lao động sáng tạo, chiến đấu dũng cảm. Văn hóa dân gian Thăng Long đến nay vẫn ghi lại nhiều dấu ấn những nữ anh hùng. Họ đã bằng mọi khả năng mình có, mọi thứ vũ khí trong tay mà đóng góp vào các cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương đất nước. Họ là những người phụ nữ làm ruộng, đánh cá, ca hát, bán cơm, chở đò… đều đã góp phần đánh bại quân xâm lược.

Tinh thần dũng cảm, ý chí bất khuất kiên cường trong chiến đấu của những người phụ nữ đất Thăng Long trong lịch sử chống giặc ngoại xâm đã được thể hiện rõ trong cốt cách và khí phách của những phụ nữ Hà Nội hiện đại sau này. Khi giặc Pháp đánh chiếm Thủ đô Hà Nội, các thế hệ phụ nữ nơi đây đã nêu cao tinh thần yêu nước, lòng quả cảm để đấu tranh anh dũng trên các mặt trận chống Pháp bảo vệ Thủ đô. Hà Nội vẫn còn lưu lại trong ký ức nhiều chiến sĩ tự vệ về lực lượng nữ của Thủ đô anh dũng. Nhiều chị đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cứu thương ở mặt trận Bạch Mai, Ô Cầu Dền. Dũng cảm nhất là đội nữ du kích Hồng Hà, đội nữ giao thông Lãng Bạc hàng đêm đều vượt sông qua các vị trí địch đem lương thực, thực phẩm, thuốc men, thư từ vào nội đô. Nhiều tấm gương dũng cảm lao vào trại địch lấy súng máy như vụ nhà Tiền, nhà Dầu, có chị đã dùng dao găm hạ gục 5 tên giặc. Tiểu đội nữ Ngọc Hà thuộc Đại đội 134 đã dùng lựu đạn, dao găm, mã tấu đánh giáp lá cà. Có chị tham gia chiến đấu với tinh thần cảm tử như chị Nguyễn Thị Lợi xách chiếc va li đặt mìn nổ chậm lên tàu lính thủy đánh bộ Pháp. Chưa kể hàng trăm bà mẹ hy sinh cả con mình để nuôi giấu và chở che cho cán bộ như mẹ anh Thứa ở Yên Mỹ, mẹ anh Khắc ở Thúy Lĩnh, mẹ chị Việt (Vân Nội). Tinh thần cách mạng của các mẹ đã lan sang cả những phụ nữ mặc dù dứt bụi trần để trọn kiếp tu hành nhưng vẫn cống hiến cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô như sư thầy chùa Ngọc Giang, chùa Mai Lâm… Ngày 10/10/1954, trong không khí hân hoan, phấn khởi, chị em phụ nữ Hà Nội từ nội, ngoại thành rực rỡ cờ hoa, tự hào đón mừng Ủy ban Quân chính và bộ đội vào tiếp quản thành phố.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20/7/1954), miền Bắc được giải phóng, nhưng miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc và tay sai. Chị em phụ nữ Hà Nội lại góp sức trong kháng chiến chống Mỹ, tham gia lực lượng vũ trang thời chiến tới 45%. Cùng với các anh em nam giới, phụ nữ Thủ đô đã lập nên “tọa độ lửa” bảo vệ Thủ đô trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Trong cuộc chiến đó đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng như chị Đỗ Thị Minh, bị bom Mỹ bắn nát cả hai chân vẫn không rời trận địa; các chị Đặng Thị Liên, Nguyễn Thị Ngoan (Đông Anh), Hoàng Thị Diệu, Đỗ Thị Văn (Gia Lâm), trong trận đầu đánh máy bay địch đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội diệt giặc. Đó là những Phan Thị Viễn, Ngô Thị Hiếu đã hợp đồng tác chiến với bộ đội tên lửa bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Những cái tên như Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Bách, Nguyễn Thị Kim Thu, Trần Thị Lan vẫn gắn chặt với các chiến công bắt giặc lái Mỹ…

Trong những trận địa như thế, nhiều người con gái của Thủ đô đã ngã xuống, máu của họ đã thấm đỏ đất Hà Nội. Anh dũng, bất khuất trong chiến đấu nhưng họ vẫn lãng mạn khi cảm thụ cái đẹp. Đó là tư chất của người Hà Nội. Giữa máu và hoa họ vẫn sống và cảm nhận mọi cái đẹp như thể không gì làm mất đi giây phút yên bình nhất. Ghi chép của một nhà báo nước ngoài khi đến Hà Nội trong những ngày Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc đã khắc họa được thái độ bình tĩnh, thản nhiên như chưa từng có mưa bom bão đạn vừa diễn ra ở đất này của các cô gái Hà Nội.

Tự mình tạo ra biểu tượng của chiến thắng, tự mình đứng dậy gánh vác nhiệm vụ của non sông, những người phụ nữ nhỏ bé của Thăng Long - Hà Nội đã làm nên vô vàn kỳ tích, họ đã dựng lên hình tượng của giới để khắc vào non sông: “Trên đất nước nghìn năm chảy máu/ Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”. (Hoàng Trung Thông).

Tích cực đóng góp trên lĩnh vực chính trị, xã hội

Khi hiện thân của chế độ phong kiến đã dời khỏi Thăng Long, lớp phụ nữ mới của Hà Nội đầu thế kỷ XX đã thay đổi hoàn toàn về nhận thức. Với nhận thức chính trị rõ ràng, nhiều lớp chị em phụ nữ Hà Nội đã chịu ảnh hưởng của tư duy mới: “Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”, họ đã tham gia vào rất nhiều các hoạt động chính trị xã hội. Trong cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945, phụ nữ Hà Nội đã trở thành lực lượng cách mạng quan trọng đấu tranh đánh đổ kẻ thù đập tan xiềng xích nô lệ góp phần không nhỏ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng bản thân. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, quỹ “Đảm phụ quốc phòng” nhiều chị em đã vận động gia đình ủng hộ chính quyền cách mạng tổng số đạt 2. 201 lạng vàng, 9.200 tạ thóc trị giá hơn 7 triệu đồng.

Sau khi Thủ đô được giải phóng, công tác tiếp quản Thủ đô đã đạt kết quả tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chị em đã tích cực tham gia các công tác ổn định Thành phố. Chị em phụ nữ công chính dọn dẹp đường phố. Chị em giáo viên nô nức đứng lớp khi các trường học được mở lại. Tại các nhà máy, xí nghiệp, các công nhân, viên chức… phấn khởi đi làm. Thành hội Phụ nữ Hà Nội cử cán bộ tới các cơ sở vận động thành lập Hội. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10/1954, chị em đã tụ họp, tham dự mít tinh ở Nhà hát Thành phố. Có thể nói, trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, Hội LHPN Hà Nội đã có vai trò quan trọng trong tập hợp, động viên chị em phụ nữ hăng hái lao động sản xuất, khẳng định vị thế và sức đóng góp của mình.

Bước vào thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc, các chị em phụ nữ lại hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng, ba đảm đang” tạo ra một khí thế cách mạng như sóng triều dâng cuốn tất cả mọi người dân vào trong cơn thác lũ quét sạch kẻ thù, bảo vệ Thủ đô và dựng xây đất nước.

Nối tiếp truyền thống lịch sử anh hùng, phụ nữ Hà Nội ngày nay cũng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động chính trị, xã hội. Ngoài việc tham gia và giữ các vị trí trọng trách trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tham gia các hội đoàn để tăng cường tiếng nói của giới trong các chương trình nghị luận xã hội, phụ nữ trí thức Thủ đô còn gặt hái nhiều thành tựu trong hoạt động khoa học, rất nhiều các chị đã đoạt các giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng Hồ Chí Minh… cho các công trình khoa học. Với vai trò dẫn dắt của Hội LHPN các cấp, các tổ chức công đoàn, Phụ nữ Hà Nội đã tham gia mạnh mẽ các phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; Góp phần “xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ”… Với kiến thức được trang bị, Phụ nữ Thủ đô đã thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; Tích cực tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em; Chủ động đề xuất thực hiện chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đời sống dân sinh.

Ts. NGUYỄN NGỌC MAI
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam



Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.