Cảnh báo người dân cẩn trọng trước các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Chia sẻ

Thời gian gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận sự gia tăng các phản ánh của người tiêu dùng về việc bị lừa đảo khi thực hiện một số giao dịch tài chính, ngân hàng.

Cụ thể các hình thức lừa đảo chủ yếu như sau:

Thứ nhất, qua thư điện tử (Email): Đối tượng lừa đảo thường mạo danh cán bộ ngân hàng, cán bộ công ty đối tác gửi email đề nghị người tiêu dùng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu…) để đăng nhập lại tài khoản đã bị khóa hoặc để nhận một khoản tiền thưởng lớn hoặc đề nghị nộp phí để nhận thưởng.Từ đó, đối tượng sẽ đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản và thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người tiêu dùng.

Thứ hai, qua tin nhắn điện thoại (SMS): Đối tượng lừa đảo giả mạo tên của Ngân hàng gửi tin nhắn vào thời điểm Ngân hàng không hoạt động (đêm, rạng sáng, ngày cuối tuần, dịp Lễ Tết) trong đó có chứa link giả với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống, thông báo trúng thưởng, yêu cầu người tiêu dùng truy cập vào các website/đường link giả gần giống như website ngân hàng, yêu cầu nhập tài khoản, mật khẩu OTP giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking trên website giả mạo… Sau khi có các thông tin này, đối tượng thực hiện giao dịch chiếm đoạt toàn bộ tiền từ tài khoản.

Thứ ba, qua cuộc gọi điện thoại: Đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số điện thoại, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, hoặc cán bộ thu tiền điện, tiền nước gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, đe dọa người tiêu dùng về việc có dính líu đến các vi phạm hình sự, sau đó, yêu cầu người tiêu dùng phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp.

Thứ tư, qua trang mạng (website) giả mạo: Đối tượng lừa đảo yêu cầu người tiêu dùng truy cập vào các website giả gần giống như website ngân hàng, yêu cầu nhập tài khoản, mật khẩu OTP giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking trên địa chỉ giả mạo. Sau khi có các thông tin này đối tượng thực hiện giao dịch chuyển toàn bộ tiền từ tài khoản của người tiêu dùng.

Thứ năm, qua mạng xã hội khác: Các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo… của người tiêu dùng. Đối tượng này sau đó đọc những tin nhắn cũ và bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô của người tiêu dùng để thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu người thân, bạn bè của người tiêu dùng thực hiện các giao dịch tài chính.

Cảnh báo người dân cẩn trọng trước các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Một số lưu ý đối với người tiêu dùng

Trước những hành vi lừa đảo nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xin lưu ý người tiêu dùng một số nội dung có liên quan khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng, cụ thể như sau:

Người tiêu dùng KHÔNG NÊN:

- KHÔNG cung cấp thông tin về các dịch vụ Ngân hàng số gồm Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng, cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được rõ mối quan hệ;

- KHÔNG truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc;

- KHÔNG thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng (truy cập vào link lạ, chuyển tiền qua ngân hàng, nạp thẻ, rút tiền, …);

- KHÔNG truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản… của người tiêu dùng vào trang web, liên kết khác với trang web hay đường dẫn Internet Banking của ngân hàng;

- KHÔNG cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng đặc biệt là theo yêu cầu của đối tượng lạ;

- KHÔNG cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng.

Người tiêu dùng NÊN: 

- Chỉ truy cập Internet Banking của ngân hàng nơi người tiêu dùng mở tài khoản hoặc sử dụng ứng dụng app của ngân hàng nơi mở tài khoản để thực hiện các giao dịch qua tài khoản.

- Xác thực thông tin (qua điện thoại di động hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện thanh toán, chuyển tiền khi nhận được yêu cầu từ Facebook, Zalo, Messenger từ người thân, bạn bè.

- Chủ động khóa tài khoản, thay đổi mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking; hoặc liên hệ ngay với ngân hàng nơi mở tài khoản theo số đường dây nóng; hoặc đến điểm giao dịch gần nhất yêu cầu tạm khóa dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử nếu đã xảy ra rủi ro mất tiền hoặc trong tình huống nghi ngờ bị lừa đảo.

- Liên hệ ngay cơ quan có thẩm quyền (ngân hàng, cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, công an địa phương…) khi phát hiện tiền trong tài khoản bị mất một cách không rõ ràng để được tư vấn, hỗ trợ và xử lý.

CÔNG NGỌC

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.