Chiêu trò cho vay nặng lãi trên mạng

Chia sẻ

Các đối tượng lừa đảo lấy thông tin của chủ tài khoản rồi “cố ý” chuyển nhầm tiền. Sau đó, chúng tự xưng là người thu hồi nợ để ép nạn nhân trả tiền cả gốc lẫn lãi với lãi suất “cắt cổ”.

Thủ đoạn mới tinh vi

Cụ thể, theo thông báo mới đây của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, phương thức lừa đảo này “nhắm” vào những người nhẹ dạ, cả tin. Khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như: Tên, tuổi, số điện thoại hay địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến cho “con mồi”. Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với con mồi, yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi “cắt cổ”.

Điển hình là trường hợp của một phụ nữ tên A (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Ngày 12/6, chị nhận được 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng của mình với nội dung đính kèm khó hiểu. Đến cuối giờ cùng ngày, một tài khoản zalo kết bạn với chị và nói rằng: “Công ty tài chính đã giải ngân số tiền của chị và theo cách nói của họ thì chị trở thành một người vay nợ”. Do thấy mình không thực hiện bất cứ thủ tục vay nợ nào trên mạng, chị A đã đến cơ quan công an trình báo. Lúc này, đối tượng chuyển nhầm tiền liên tiếp nhắn tin, thậm chí đe doạ chị.

Trường hợp chị D (cũng trú tại Hà Nội) “bỗng dưng” nhận được một số tiền 20 triệu đồng vào tài khoản với nội dung: “Cô D mượn”. Sau đó, chị D nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ nói là lỡ chuyển nhầm và xin lại. Vì lý do đây là tiền phẫu thuật cho con, người phụ nữ liên tục giục chị D chuyển trả tiền.

Tuy nhiên, chị D không làm theo mà yêu cầu người phụ nữ kia phải có giấy xác nhận của ngân hàng rằng chị ta đúng là chủ tài khoản. Nghe thế, người phụ nữ kia tắt máy. Sau khi ra ngân hàng kiểm tra, chị D phát hiện nội dung chuyển tiền là: “Cho D vay với thời hạn 45 ngày” và chủ tài khoản là nam giới. Theo giải thích của ngân hàng, sau 45 ngày cho vay, chủ tài khoản sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 20 triệu đồng cùng lãi suất “trên trời”. Nếu không trả, họ sẽ cho người tới quấy phá vì có bằng chứng chuyển tiền cho vay trên điện thoại và lưu chứng từ ở ngân hàng…

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là một trong những chiêu trò của nhóm đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động trên không gian mạng. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ và sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người để chiếm đoạt tài sản. Để mở rộng thị trường cho vay, các đối tượng còn chủ động chuyển tiền vào tài khoản của người khác rồi liên hệ để xác nhận khoản nợ, đồng thời tính lãi suất cao, nếu người đó không trả nợ thì sẽ dùng nhiều biện pháp để đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước khi chuyển tiền vào tài khoản của “con mồi”, các đối tượng này đã có tương đối đầy đủ thông tin về nạn nhân như chứng minh thư, địa chỉ, số tài khoản, số điện thoại... Khi đối tượng lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân, chúng sẽ giả danh cán bộ tín dụng hoặc các tổ chức tài chính để thông báo về khoản vay, đồng thời bắt đầu tính lại suất và yêu cầu nạn nhân phải trả lời theo mức lãi suất mà bọn chúng đưa ra. Trong trường hợp người nhận được tiền đã chi tiêu số tiền đó hoặc không có phản hồi thì sau một thời gian, chúng sẽ tìm cách đòi nợ, đe dọa, uy hiếp tinh thần, buộc nạn nhân phải thanh toán số tiền với lãi suất cao.

Ngoài ra, nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã sử dụng thủ đoạn là chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác rồi yêu cầu họ chuyển lại tiền vào một số tài khoản khác để trả lại, sau đó bắt đền nạn nhân hoặc lợi dụng quá trình chuyển tiền đó để xâm nhập trái phép vào tài khoản của nạn nhân, chuyển toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản của nạn nhân sang tài khoản của bọn chúng để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng nhắn tin qua lại với ý định lừa đảo nạn nhân.Đối tượng nhắn tin qua lại với ý định lừa đảo nạn nhân. (Ảnh: Internet)

Chỉ chuyển tiền khi có bên thứ ba làm chứng

Trước các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua ngân hàng ngày càng rầm rộ, có xu hướng ngày càng tinh vi, Công an TP Hà Nội khuyến cáo, khi chủ tài khoản “bỗng dưng” nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” thì cần tuyệt đối không xử lý số tiền chuyển nhầm một cách vội vã, không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ 3 làm chứng. Đặc biệt, người dân không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả họ có tự xưng là bạn bè nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, trong tài khoản đột nhiên có số tiền chuyển đến mà không rõ là ai chuyển thì người dân cần phải thông báo ngay thông tin đó cho ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn thủ tục. Nếu nộp tiền trả lại thì sẽ trả cho ngân hàng chứ không trả cho những người khác.

“Thông thường số tài khoản và số điện thoại là khác nhau, chỉ có các tổ chức tín dụng mới có các thông tin này. Bởi vậy nếu một người chuyển tiền nhầm thì sẽ không thể có số điện thoại của người nhận tiền qua tài khoản. Nếu đối tượng giả danh là cán bộ tín dụng cũng không làm việc qua điện thoại, do đó, người dân cần tỉnh táo, tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web mà đối tượng gửi kèm, không cung cấp mã OTP. Để giải quyết đối với khoản tiền này thì cần phải làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng, tại trụ sở của ngân hàng nơi mở tài khoản.

Ngoài ra, nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo hoặc bị các đối tượng chuyển nhầm tiền đòi tiền theo kiểu xã hội đen, đe dọa uy hiếp tinh thần để buộc phải giao tài sản thì người dân cần phải lưu lại chứng cứ và trình báo cho cơ quan điều tra” – luật sư Cường khuyên.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.