Có đủ sức răn đe?

Chia sẻ

Trước hàng loạt các vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu giúp ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em đang gia tăng, tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Về vấn đề này, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã phỏng vấn Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về những điểm mới của Nghị định 130/2021/NĐ-CP.

- Thưa TS - luật sư Đặng Văn Cường, trước đây, pháp luật cũng đã có những quy định xử phạt các hành vi bạo hành trẻ em. So với các quy định trước đây, những điểm mới của Nghị định này là gì?

- Nghị định 130/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 (gọi tắt là Nghị định 130) sẽ thay thế Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Nghị định gồm 4 chương, 48 điều quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Điểm mới của Nghị định 130 là: Điều chỉnh hành vi vi phạm phù hợp với quy định Luật Trẻ em 2016; tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đặc biệt, tăng gấp đôi mức xử phạt nhóm hành vi bạo lực với trẻ em so với nghị định cũ.

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp	Ảnh: NVCCTiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp Ảnh: NVCC

Theo đó, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng sẽ áp dụng cho các hành vi bạo lực với trẻ em như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

Các hành vi gồm: Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần theo Nghị định 130 cũng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Theo Nghị định 130, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng. Các hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Đặc biệt, các hành vi: Dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, lôi kéo, kích động, lợi dụng trẻ em lao động trái quy định; bắt trẻ lao động trước tuổi, làm việc nặng nhọc, nguy hiểm… sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng.

Liên tục các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em xảy ra với mức độ nghiêm trọng chỉ trong một thời gian ngắn khiến cho dư luận vô cùng phẫn nộ. Vụ việc bé gái 8 tuổi bị nhân tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong chưa kịp lắng xuống thì giữa tháng 1/2022, một cháu bé 3 tuổi phải nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ, do bị “chồng hờ” của mẹ bạo hành. Đây chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm", bởi trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị bóc lột lao động vẫn đang diễn ra âm ỉ, nhưng được “biện minh” bởi những lý do khác như để dạy dỗ con…

Một điểm rất tiến bộ của Nghị định 130 so với quy định cũ là bổ sung mức phạt đối với các hành vi vi phạm về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, bạo lực. Cụ thể, Điều 28 quy định xử phạt hành chính đối với một trong các hành vi: Không thông báo, không cung cấp hoặc che giấu thông tin về việc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; mức xử phạt cao nhất lên đến 30 triệu đồng.

Sự ra đời của Nghị định này là rất cần thiết vì thời gian gần đây các vụ bạo hành, bạo lực trẻ em bị phanh phui liên tục với tính chất cực kỳ nguy hiểm và hậu quả khôn lường, thậm chí xâm phạm cả tính mạng của trẻ em. Trong khi đó sự việc diễn ra cả thời gian dài, nhưng lại không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ trẻ em nên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Hình ảnh cháu bé V.N.A - 3 tuổi bị đinh ghim vào đầu 	pHình ảnh cháu bé V.N.A - 3 tuổi bị đinh ghim vào đầu p (Ảnh: Gia đình cung cấp)

- Theo luật sư, mức phạt này đã đủ nặng, đủ sức bảo vệ trẻ em chưa?

- Để hạn chế bạo lực trẻ em thì còn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tuyên truyền pháp luật, thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm, phát triển hệ thống cơ quan bảo vệ trẻ em... trong đó có giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định cụ thể về chế tài xử phạt hành vi vi phạm.

Nghị định 130 quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, bỏ rơi và có nguy cơ bị xâm hại khác nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo lực với trẻ em, với mục đích răn đe, phòng ngừa chung.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trên cũng góp phần thúc đẩy đưa những vụ việc bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em ra ánh sáng. Đối với những hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

- Làm thế nào để Nghị định 130 thực sự phát huy tác dụng, trở thành công cụ pháp lý hiệu quả trong bảo vệ trẻ em trước bạo lực, xâm hại, bóc lột lao động, thưa luật sư?

- Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân trước hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại, do đó cần có sự tham gia bảo vệ từ gia đình, nhà trường, tổ chức, cơ quan bảo vệ trẻ em, bảo vệ pháp luật. Một trong những công cụ bảo vệ trẻ em là khung pháp lý phù hợp, rõ̃ ràng, đủ răn đe.

Pháp luật chính là công cụ mềm để bảo vệ trẻ em từ cơ sở. Nghị định số 130 cùng với khung pháp lý bảo vệ trẻ em trước đó đi sâu vào đời sống sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em từ cơ sở, tăng tính răn đe, có tác dụng phòng ngừa hành vi bạo lực đối với trẻ em.

Để các quy định của Nghị định 130 đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và thực sự trở thành công cụ pháp lý hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ trước bạo lực, bóc lột lao động thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể.

Thống kê của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, trung bình mỗi tháng, các tư vấn viên nhận được hơn 30.000 cuộc gọi chủ yếu liên quan đến bạo lực trẻ em trong các gia đình; cả đánh đập và bạo hành tinh thần. Đặc biệt, trong năm 2021, thời gian nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết đều ở nhà với người thân, số cuộc gọi lên đến 40.000-50.000 cuộc mỗi tháng, đa số là các em từ 11-18 tuổi. Nhiều vụ việc xảy ra trong gia đình ngày càng nhiều. Số liệu của Bộ Công an cho thấy: 97% số vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.

Bên cạnh việc triển khai sâu rộng các quy định pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, vận động xã hội về bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

Khi hiểu rõ hành vi vi phạm, người dân sẽ ý thức hơn, tránh vi phạm; đồng thời, sẽ nhận dạng, phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc. Bởi trên thực tế, nhiều người lớn không nhận biết được đâu là hành vi bạo lực với trẻ em và coi đó là hành vi bình thường để giáo dục trẻ như trừng phạt, đe dọa trẻ em bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo và tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp khi trẻ bị bạo lực, xâm hại; tuyên truyền, quảng bá về các số điện thoại khẩn. Ngành y tế cần quan tâm phát triển hệ thống y tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Dịch vụ bảo vệ trẻ em cần được cải thiện và tăng cường phối hợp liên ngành trong hỗ trợ các trường hợp trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục; thường xuyên thanh, kiểm tra và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực, xâm hại trẻ em… Các gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững.

- Trân trọng cảm ơn luật sư!

HỒNG NHUNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.