“Điên đầu” với quảng cáo, rao vặt trên điện thoại

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bên cạnh hình thức gọi điện chào mời dịch vụ, hiện nay, mạng viễn thông còn trở thành “không gian hoạt động” của nhiều đối tượng làm ăn phi pháp. Theo đó, đối tượng ngang nhiên phát tán tin quảng cáo dịch vụ làm bằng cấp giả, tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”, giả danh ngân hàng để chiếm đoạt tiền của người dùng… Trong khi đó, việc tìm ra các đối tượng này không dễ.

“Điên đầu” với quảng cáo, rao vặt trên điện thoại - ảnh 1
Tin nhắn mạo danh ngân hàng mà chị Ngọc T nhận được Ảnh: NVCC

Bỗng dưng được mời làm bằng giả
Chị Phạm Thương H, ở Long Biên, Hà Nội kể: Ngoài các tin mời chào mua sản phẩm, chị còn hay nhận được tin quảng cáo dịch vụ làm bằng cấp giả gửi vào điện thoại. Khi chị H gọi lại thì số điện thoại đã gửi tin cho chị luôn ở trong tình trạng tắt máy. 

Trong vai người có nhu cầu làm chứng chỉ giả để phục vụ thi tuyển viên chức, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã liên hệ với đối tượng theo số điện thoại chị H cung cấp. Đúng như nội dung tin đã gửi, đối tượng cho biết có thể làm được đủ loại chứng chỉ (Ngoại ngữ, Tin học), bằng xe máy, bằng ô tô… Khách hàng chỉ cần nhắn tin tên tuổi, ngày tháng năm sinh, cần bằng cấp loại nào, trình độ gì, của trường hay đơn vị nào cấp thì đối tượng sẽ liên hệ trực tiếp với trường, đơn vị đó để lấy phôi gốc in ấn. Đối tượng còn nói đã làm nghề này 10 năm rồi. Khách hàng nào nhận bằng xong cũng hài lòng và chưa ai bị phát hiện. Giá của bằng Ngoại ngữ là 5 triệu đồng, nếu làm theo combo 2 bằng Ngoại ngữ và Tin học là 7 triệu đồng, trong khoảng từ 5-7 ngày là có bằng.

Có thể thấy, hiện nay, các đối tượng công khai “tìm khách” bằng việc gửi tin nhắn tới tận tay người dùng. Thậm chí khi phóng viên gọi điện, đối tượng này còn biết luôn chị đã đọc được tin nhắn mời làm bằng giả gửi vào điện thoại thay vì hỏi chị bằng cách nào mà có thông tin của đối tượng. 

Tương tự, chị L.K.A ở Cầu Giấy khi xem lại tin nhắn điện thoại của mình cũng giật mình vì tần suất tin quảng cáo gửi tới quá nhiều, đáng nói là đa phần là tin lừa đảo hoặc có biểu hiện lừa đảo người dùng. Chị K.A dẫn chứng về các tin nhắn mời tuyển dụng chị mới nhận được chỉ trong tháng 6 vừa qua. Các tin này không xuất phát từ một số thuê bao cụ thể mà chỉ hiển thị nguồn gửi bằng một loạt chữ cái và đuôi “icloud.com” nên chị không thể tìm hiểu về đối tượng đã gửi tin cho mình. Mỗi tin có một nguồn gửi khác nhau nhưng nội dung tin lại gần như sao y bản chính: “Xin chào, tôi là trưởng phòng nhân sự của công ty (chỉ thay các tên công ty khác nhau). Hiện tại, công ty đang tuyển dụng nhân viên làm việc bán thời gian. Tiền lương được trả hàng ngày. Bạn có thể làm việc tại nhà và thu nhập từ 15-30 triệu/tháng. Liên hệ zalo…”. Chị K.A đã thử liên hệ lại và được mời vào nhóm kín, sau đó được yêu cầu gửi trước một khoản tiền đặt cọc hay hoa hồng vào một tài khoản. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chị, tiền gửi đi là thật nhưng “việc nhẹ lương cao” là ảo. Vì lừa đảo nên để tránh bị lộ, các số điện thoại chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi khóa. Đến nay, những số liên lạc mời tuyển dụng gửi tới chị K.A đều đã dừng hoạt động.

Khách hàng bơi trong ma trận của các chiêu lừa đảo
Ngoài các hình thức trên, theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian vừa qua nhiều thuê bao di động còn nhận được các tin nhắn SMS nhưng mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân. Cụ thể, các đối tượng tiến hành phát tán tin nhắn rác lừa đảo bằng cách tấn công sử dụng các thiết bị phát sóng giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster) để thực hiện gửi tin nhắn rác trực tiếp vào điện thoại. Các tin nhắn này bị các đối tượng thay đổi thông tin nguồn gửi (số điện thoại, đầu số hoặc tên định danh) nhằm mục đích tạo lòng tin, đánh lừa người dùng.

“Điên đầu” với quảng cáo, rao vặt trên điện thoại - ảnh 2

Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo giống như các website chính thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin của người dùng như tài khoản, mật khẩu, mã OTP… Sau khi các đối tượng hoàn thành phát tán tin nhắn rác, người dùng sẽ không nhận biết được website giả mạo nên sẽ cung cấp thông tin cá nhân truy cập vào tài khoản ngân hàng như điền tên tài khoản, mật khẩu. Tiếp theo, website giả mạo sẽ điều hướng sang website khác hoặc thông báo đề nghị người dùng chờ đợi.

Chị Nguyễn Ngọc T, một trong những người dùng đang sử dụng dịch vụ điện thoại di động dẫn chứng một loạt tin nhắn mà chị đã nhận được qua điện thoại có nội dung: “Thông báo hoạt động vay của quý khách đến hạn thanh toán với số tiền 3.126.872 đồng, vui lòng thanh toán vào tài khoản…”. Chủ thể tin nhắn này ghi là VP Bank. “Khi đọc tin này, ban đầu tôi cũng giật mình vì nghĩ đây là tin nhắn chính thống của ngân hàng. Tuy nhiên sau đó bình tĩnh lại, tôi thấy mình không vay tiền của ngân hàng thì việc bị ngân hàng đòi tiền là vô lý. Vì vậy, tôi đã không làm theo yêu cầu của đối tượng”.

Nhà mạng cần có trách nhiệm với người dùng
Hiện nay, khách hàng sử dụng mạng viễn thông đang đứng trước nguy cơ bị đủ chiêu trò bủa vây mà chỉ cần thiếu tỉnh táo hay kiến thức, có thể rơi vào cảnh “trắng tay”.

Theo ông Phạm Thành Trung Hiếu, Trưởng phòng An ninh mạng, Tập đoàn Công nghệ Bkav, thay vì gửi bằng số điện thoại, những tin nhắn gửi tới máy chị K.A và nhiều người dùng khác đã nhận được có dạng “các ký tự và đuôi icloud” là dạng tin nhắn imessenger cho người sử dụng hệ điều hành IOS. Ngoài ra, đối tượng còn có thể sử dụng các thiết bị phát sóng gửi tin nhắn SMS/MMS trực tiếp đến số điện thoại nên người dùng cũng không thể truy xuất số điện thoại gửi tin. Trong trường hợp này vẫn có thể thực hiện truy xuất thông tin của đối tượng lừa đảo nhưng cần sự vào cuộc và phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, hiện nay, để tránh bị lừa đảo, trước tiên, người dùng phải nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của mình. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng phải có trách nhiệm trong việc gia tăng bảo mật thông tin, bổ sung thêm các giải pháp để giảm thiểu hiện tượng tin nhắn lừa đảo, mạo danh lừa đảo khách hàng của mình. Hiện nay, người dùng cũng như các ngân hàng đều đang phải trả tiền “mua” dịch vụ của các nhà mạng. Vì vậy, khách hàng của các nhà mạng cũng cần được nhận về chất lượng dịch vụ tương xứng, bảo đảm an toàn.

Một chuyên gia cho biết: Xét ở một góc độ nào đó, các nhà mạng sẽ luôn có lợi vì người dùng phải trả tiền thuê bao cho nhà mạng, ngân hàng phải trả tiền cho các tin nhắn dịch vụ với mức phí cao hơn tin nhắn thông thường và đối tượng lừa đảo khi gửi tin nhắn tới khách hàng cũng sẽ giúp cho nhà mạng thu được phí sử dụng mạng viễn thông. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các nhà mạng “đứng ngoài cuộc”, để mặc khách hàng loay hoay giữa bốn bề tin nhắn lừa đảo. 
(Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.