Xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội:

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

HOÀNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo - ảnh 1
Người dân thôn Phú Mỹ C, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì phải mua từng xe nước để sinh hoạt.
Ảnh: NVCC

Chia sẻ về nỗi khổ của người dân trong tình cảnh “khát” nước sạch, bà Trần Thị Hiền, thôn Phú Mỹ C thuộc xã Phú Sơn cho biết: “Mấy năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước sạch ngày càng trở nên trầm trọng, người dân chúng tôi ngày nào cũng phải căn ke trong việc sử dụng nước. Mỗi lần rửa rau, đều giữ lại nước tận dụng để rửa tay, chân. Những chậu nước bẩn cuối cùng thì để tưới cây trong vườn. Dù chúng tôi tiết kiệm nước nhưng vẫn không đủ dùng do nhu cầu hàng ngày rất lớn”.

Do không có nước sạch tập trung nên người dân trông chờ vào nguồn nước mưa và giếng khoan. Các hộ dân chi phí 10-20 triệu đào giếng khoan, song lượng nước ngầm ngày càng cạn, có nước thì trong tình trạng đục ngầu. Những tháng qua, lượng mưa ít, nước giếng khoan cũng cạn, các hộ dân phải mua những chai nước, xe nước để sử dụng. Hơn 100 hộ dân chủ yếu phải mua nước được chở đến bằng chiếc xe công nông. Mỗi xe chở được 3 khối nước sạch với giá 200.000 đồng. Với 3 khối nước, mỗi hộ dân sử dụng rất tiết kiệm cũng chỉ được trong 2 tuần. Đa số vẫn phải mua thêm nước đóng bình để ăn uống. Mỗi tháng hộ gia đình chị Chu Thị Thoa ở thôn Phú Mỹ C phải chi phí đến cả triệu đồng để mua nước. Theo chị Thoa, số tiền này không hề nhỏ với những hộ gia đình nơi đây.

 Lý giải về tình trạng “khát” nước sạch, các hộ dân đều cho biết, nguyên do cũng bởi khu vực sinh sống của các hộ dân này nằm trong quy hoạch dự án xây dựng Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 2. Trong khi dự án này vẫn “treo lơ lửng” hơn 10 năm nay không triển khai kéo theo hệ luỵ là đời sống của hàng trăm dân cư nơi đây trở nên khó khăn, từ thiếu nước đến cả đường sá giao thông nhiều đoạn còn là đường đất; nhà cửa của các hộ dân đều không được nâng cấp, sửa chữa... do phải chờ dự án. 

Xác nhận về tình trạng thiếu nước sạch của người dân, ông Phùng Nghĩa Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: “Dự án xây dựng Nghĩa trang Yên Kỳ đã kéo dài lâu rồi, địa phương cũng đã có ý kiến đến các cấp, các ngành làm sao dự án triển khai sớm, để người dân được đầu tư đường nước sạch và các công trình phục vụ cuộc sống”.

Về nội dung chậm triển khai dự án xây dựng Nghĩa trang Yên Kỳ đã được Báo Phụ nữ Thủ đô phản ánh qua bài viết “Xã Phú Sơn, Ba Vì: Người dân kêu cứu vì dự án chậm tiến độ” đăng ngày 27/11/2022; bài “Gỡ khó cho người dân sống khổ vì Nghĩa trang Yên Kỳ chậm tiến độ” đăng ngày 19/1/2023; bài “Chậm tiến độ Dự án xây dựng công viên Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1): Hàng trăm hộ dân kêu cứu” đăng ngày 6/3/2024. Đến nay, các hộ dân ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C tiếp tục kiến nghị đến các cấp, ngành để sớm triển khai dự án Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 2.

Được biết, trong các kỳ tiếp xúc cử tri của HĐND huyện, thành phố và đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cử tri xã Phú Sơn đã nhiều lần đề nghị Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 1, chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng cho người dân và đưa dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 2 ra khỏi quy hoạch. Dự án Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 2 đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết từ năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng 13 năm nay vẫn "án binh bất động" gây nhiều hệ luỵ, khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khó khăn.

Nắm bắt được kiến nghị của người dân, UBND huyện Ba Vì đang xin ý kiến của UBND Thành phố và các sở, ngành cho phép triển huyện khai lắp đặt nước trong khu vực đã thuộc quy hoạch Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 2. Với Nông trường dứa, thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo liên doanh nhà đầu tư để triển khai lắp đặt hệ thống nước sạch cho người dân khu vực này.

Tuy nhiên, được biết, các chủ đầu tư hạ tầng nước sạch lại không mặn mà triển khai lắp đặt nước sạch về các khu vực ở địa phương này còn bởi điều kiện địa hình đồi dốc phức tạp, số hộ dân sinh sống thưa thớt, không tập trung, nhu cầu sử dụng không nhiều trong khi chi phí đầu tư thì lại lớn. Như vậy, dường như bài toán nước sạch của các hộ dân ở khu vực thôn Phú Mỹ C và Nông trường dứa thuộc xã Phú Sơn vẫn chưa thực sự được giải quyết bởi quy hoạch dự án vẫn “treo” chưa có thời hạn triển khai.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...