Người dân kêu cứu vì nguy cơ mất nhà ở sau thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị

HOÀNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, chị Nguyễn Thị Huyền ở phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, gia đình đã phải “khăn gói” ra Hà Nội để kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao về xác định cho đúng việc thực hiện đền bù thu hồi đất của gia đình để xây dựng khu đô thị. Trong khi gia đình đã sinh sống ổn định từ năm 1990 đến nay, nhưng các quyết định thu hồi đất và nhà ở lại không được đền bù tái định cư.

Đất có nhà ở từ trước năm 1990 đến nay

Chị Nguyễn Thị Huyền (36 tuổi) cho hay, chồng chị là Cao Sỹ Mão (đã mất năm 2016) được ông nội là Cao Sỹ Tượng (đã mất năm 1999) tặng cho mảnh đất có nhà ở (xây dựng từ năm 1990), gia đình sinh sống ổn định, đóng thuế đầy đủ từ đó đến nay. Thực hiện dự án Khu đô thị Quảng Trường biển Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa, nhà đất của mẹ con chị Huyền nằm trong diện phải thu hồi để giải phóng mặt bằng (GPMB).

Không đồng ý với các quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn nên chị Huyền tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn để được giải quyết thỏa đáng.

 Người dân kêu cứu vì nguy cơ mất nhà ở sau thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị - ảnh 1
Gia đình chị Nguyễn Thị Huyền tiếp tục kiến nghị đến các cấp để được giải quyết đền bù thu hồi đất có nhà đang ở từ năm 1990 đến nay bằng tái định cư

Chị Huyền cho biết, tại Quyết định số 6613/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của UBND TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa về việc thu hồi đất để GPMB thực hiện dự án Khu đô thị Quảng trường biển Sầm Sơn, TP Sầm Sơn, gia đình chị Huyền bị thu hồi 128,8m2 tại thửa đất số 09, tờ bản đồ số 26.

Gia đình chị Huyền đã sinh sống ổn định ở đây từ trước năm 1990 đến nay, nhưng tại Quyết định thu hồi và bồi thường, UBND TP Sầm Sơn xác định là đất BHK - Đất bằng trồng cây hàng năm.

Do vậy, chị Huyền làm đơn khiếu nại nhưng Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các Quyết định giải quyết khiếu nại không chấp nhận đơn khiếu nại đó.

Chị Huyền dẫn giải cụ thể, theo hồ sơ 299, tổng diện tích đất ông Cao Sỹ Tượng kê khai sử dụng là 3.840m2, thuộc thửa đất số 1031, bản đồ số 02. Tại hồ sơ số 382 năm 1995 của UBND xã Trung Sơn (nay là phương Trung Sơn), thuộc một phần thửa đất số 31 tờ bản đồ số 10, diện tích 3.481m.

Từ năm 1993, ông Tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 330m2, phần còn lại (3.481m2), ông Tượng tách thành nhiều thửa cho các con, cháu trong gia đình sử dụng.

Đối chiếu với hồ sơ địa chính năm 2010, phần đất chị Huyền sử dụng thuộc thửa đất số 02 tờ bản đồ số 36, diện tích 131,2m2, loại đất ODT (đất phi nông nghiệp), đăng ký tên Cao Sỹ Mão và hồ sơ trích đo năm 2018 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa duyệt ngày 16/11/2018, thuộc thửa đất số 09 tờ bản đồ số 26 diện tích 128,8m2, loại đất ODT, đăng ký tên Cao Sỹ Mão và đây cũng là một phần đất được tách ra từ 3.481m2 đất của ông Tượng.

Gia đình chị Huyền đã xây dựng nhà ở ổn định, hàng năm có nộp thuế phi nông nghiệp và không tranh chấp. Như vậy, theo khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, gia đình chị Huyền đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu như không bị thu hồi để thực hiện dự án.

Đối với diện tích đất 330m2, tại thửa 742 mà ông Tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Tượng đã cho ông Cao Sỹ Hội thì ông Hội nhận bồi thường 42.488.000 đồng.

Còn diện tích 128,8m2 không nằm trong diện tích 330m2 ông Tượng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích này, gia đình đã họp và thống nhất cho ông Mão chị Huyền và ông Mão đã đứng tên trong hồ sơ năm 2010 và năm 2018. Trên thửa đất này có nhà ở từ trước năm 1990.

Chị Huyền cho rằng, trong quyết định thu hồi đất, chủ thể xác định ông Cao Sỹ Tượng là không đúng pháp luật. Bởi vì ông Tượng đã chết năm 1999, trước đó từ những năm 1990 ông Tượng đã phân chia, tách thửa cho các con cháu sử dụng. Trong đó, có phần đất của gia đình chị Huyền. Hồ sơ địa chính cũng thể hiện rõ ông Cao Sỹ Mão là người đứng tên đăng ký sử dụng và nộp thuế hàng năm (ông Mão đã chết năm 2016).

Diện tích đất gia đình chị Huyền bị thu hồi là 128,8m2 chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải căn cứ vào khoản 2 Điều 11 Luật Đất đai năm 2013 để xác định loại đất thu hồi. Tuy nhiên trong quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Đất đai năm 2013 là không đúng.

Do đó, chị Huyền yêu cầu Tòa án hủy cả 5 quyết định: Cụ thể, là Quyết định số 6613/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của UBND TP Sầm Sơn; Quyết định số 6614/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của UBND TP Sầm Sơn; Quyết định số 1687/QĐ-UBND ngày 17/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về giải quyết khiếu nại lần 2; Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 8/3/2022 của UBND TP Sầm Sơn về giải quyết khiếu nại lần đầu; Quyết định số: 8689/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND TP Sầm Sơn về điều chỉnh phương án bồi thường. Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND TP Sầm Sơn, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn phải xác định là đất ở, bồi thường tái định cư cho gia đình.

Tiếp tục kiến nghị đến các cấp để được đảm bảo quyền lợi chính đáng

Luật sư Lê Doãn Tuấn - Văn phòng luật sư Lê Doãn Tuấn và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khẳng định, phần đất mà gia đình chị Huyền đang sử dụng, có nhà ở được xây dựng từ năm 1990 và chưa được cấp giấy chứng nhận thì phải căn cứ vào khoản 2 Điều 11 Luật Đất đai năm 2013 để xác định loại đất thu hồi. Nhưng, trong quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thanh Hóa lại áp dụng khoản 1 Điều 11 là không khách quan.

Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 quy định, điều kiện được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi… “là có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận”.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 100, trường hợp của hộ gia đình này đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận thì khi bị thu hồi phải bồi thường về đất. Vì, khi xét cấp/công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là xét trên cơ sở người đang trực tiếp quản lý sử dụng, các giấy tờ pháp lý, hồ sơ kê khai đăng ký và quản lý Nhà nước về đất đai.

Cũng tại khoản 1 Điều 74 Luật Đất đai nêu: “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 thì được bồi thường về đất. Ngoài ra, khoản 2 quy định: “bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi…”.

Như vậy, theo Hồ sơ kê khai năm 2010 biên lai nộp thuế đất phi nông nghiệp (ODT) và thực tế phần đất của hộ gia đình bị thu hồi đã có nhà thì khi thu hồi phải bồi thường là đất ở thì mới đúng pháp luật.

Luật sư Tuấn nêu: Chị Huyền yêu cầu hủy 5 quyết định trong khởi kiện nêu trên là phù hợp thực tế sử dụng đất, phù hợp với các quy định pháp luật về đất đai. Vì vậy, tôi kính mong Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị Huyền. Mong muốn của chị Huyền là có nhà ở ổn định cùng các con là quyền lợi chính đáng sau khi bị thu hồi toàn bộ nhà đất mà gia đình chị đã sử dụng ổn định từ trước đến nay, phù hợp quy hoạch và không có ai tranh chấp.

Hiện nay, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở do chị Nguyễn Thị Huyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa vẫn tuyên y án sơ thẩm, chị Huyền cho biết sẽ tiếp tục kêu cứu, kiến nghị đến các cấp để được đảm bảo quyền lợi chính đáng là có nhà để ở sau thu hồi nhà đất thực hiện dự án xây dựng khu đô thị.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.