Người dân "khát" nước sạch hàng chục năm nay

Chia sẻ

Mặc dù Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 nhưng đến nay, tại xã Liên Hà, hàng ngàn hộ dân vẫn đang sống trong tình trạng không có nước sạch để sử dụng. Nhiều lần đề đạt nguyện vọng tới các cấp chính quyền rồi nhận được thông báo “sẽ có nước” nhưng người dân đi từ “hy vọng” đến “thất vọng

Hứa rồi lại sai hẹn

Đưa phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đi một vòng quanh thôn Quý, một trong 3 thôn của xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Thành Bôn, Trưởng thôn chỉ vào các nhà dân hai bên đường, cho biết: Thôn Quý hiện có 680 hộ dân với 2.900 nhân khẩu. Ở đây, 100% các hộ dân, kể cả hộ khó khăn nhất cũng phải dành tiền đào giếng khoan, lắp đặt hệ thống máy bơm, cây lọc trong nhà để có nước dùng.

Tính chung, cả xã Liên Hà với hơn 2.000 hộ dân, khoảng hơn 9.000 nhân khẩu cũng đều sống trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch xã Liên Hà cho biết: “Hàng chục năm qua, người dân xã Liên Hà khát nước sạch”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bảng, nguyên Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi xã Liên Hà, nước giếng khoan, tùy vào từng mạch đào mà khi bơm lên có thể có màu đỏ, vàng hoặc ánh xanh. Sợ nước không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, các gia đình phải lọc nước qua bể chứa cát, sau đó đưa xuống bể chứa thứ hai hoặc thùng phuy để đợi nước lắng tạp chất. Nước trong bể lắng dùng để tắm giặt. Với nước nấu ăn lại phải lọc qua cây lọc nước.

Điều nhiều người dân xã Liên Hà băn khoăn là nếu sử dụng phải nước không đạt chuẩn chất lượng thì không thể một sớm một chiều mà phát sinh bệnh. Trong khi đó, ở xã Liên Hà có những người, gần hết đời vẫn chưa biết thế nào là nước sạch cung cấp bởi nhà máy. Còn trẻ em vừa ra đời cũng đã hàng ngày sử dụng nước giếng khoan.

Theo ông Nguyễn Thành Bôn, trưởng thôn Quý, không phải bây giờ, người dân xã Liên Hà mới “kêu cứu” vì khát nước sạch. “Nhu cầu được dùng nước sạch của người dân chúng tôi là chính đáng. Gần như trong tất cả các cuộc đối thoại, tiếp xúc với chính quyền, chúng tôi đều đưa vấn đề này ra để kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Thay vào đó, lời hứa có nước sạch cứ lần lượt sai hẹn. Từ năm 2018, chúng tôi đã tưởng có nước sạch. Sau đó, chúng tôi lại đợi tới năm 2019, rồi đến năm 2021 và nay là năm 2022... Tuy nhiên, theo như những gì chúng tôi quan sát thì phải rất lâu nữa, chúng tôi mới có nước máy sạch để sử dụng”.

Được biết, ngoài xã Liên Hà, hàng chục ngàn hộ dân ở các xã khác như Liên Hồng, Liên Trung, Trung Châu và nhiều vùng phụ cận khác… cũng đều đang “ngóng” nước sạch.

Một người dân xã Liên Hà bên hệ thống bơm, lọc nước giếng khoan thủ công trong thời gian chờ có nước sạchMột người dân xã Liên Hà bên hệ thống bơm, lọc nước giếng khoan thủ công trong thời gian chờ có nước sạch

Dân khổ vì nhà máy nước chậm tiến độ

Cũng theo ông Bôn, nguyên nhân chậm có nước sạch bắt nguồn từ việc chậm tiến độ của Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân giai đoạn đến năm 2020-2030 và để giảm tải áp lực khai thác nguồn nước ngầm theo định hướng quy hoạch Thủ đô đến năm 2020-2030, Công ty CP Nước mặt sông Hồng đã được thành lập để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng bởi ba pháp nhân gồm Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Thành Long và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Hạ tầng nước sạch Hà Nội.

Nhà máy nước mặt sông Hồng được chấp thuận đầu tư vào tháng 10/2015 với số vốn 3.692 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng với diện tích 21,1ha, khi hoàn thành các giai đoạn sẽ đảm bảo cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng bao gồm: Đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường quốc lộ 32 (thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng).

Ngoài ra hệ thống tuyến ống truyền dẫn cấp nước của Dự án theo Quy hoạch có đảm bảo sự kết nối mạng vòng và an toàn cấp nước giữa phạm vi phục vụ của các nhà máy nước, trong đó có hỗ trợ cấp nước cho khu vực huyện Hoài Đức.

Ông Bôn cho biết: Khi dự án được triển khai, người dân xã Liên Hà và một số xã lân cận khác của huyện Đan Phượng đều rất phấn khởi. Trong đó, người dân xã Liên Hà đã chấp hành nghiêm việc giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng một số hạng mục thuộc nhà máy với hy vọng nhà máy sớm hoàn thành giai đoạn I để năm 2018, người dân có nước máy để dùng. Song đến nay đã 4 năm trôi qua, dự án vẫn dang dở.

Nhiều  hạng mục thi công của Nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn đang dang dởẢnh chụp ngày 29/4/2022Nhiều hạng mục thi công của Nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn đang dang dở   Ảnh chụp ngày 29/4/2022

Đúng như những gì người dân phản ánh, theo quan sát của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, tại khu vực bãi sông, nhiều hạng mục thuộc Nhà máy nước mặt Sông Hồng vẫn đang trong giai đoạn thi công, đất đá, đường ống nước ngổn ngang. Một người dân thôn Quý cho biết thêm: Chỉ ít ngày nữa là vào mùa mưa bão, nước sông Hồng sẽ dâng cao, ngập toàn bộ khu vực công trường. Vì vậy, việc thi công sẽ lại phải tạm dừng cho đến tháng 9, 10. Vậy là sau đó cũng chỉ còn ít tháng là hết năm 2022. Với tốc độ thi công như vậy, khối lượng công việc còn rất nhiều, chắc chắn nhà máy sẽ không kịp tiến độ cấp nước máy cho người dân như thông báo mới nhất.

Theo ông Bôn: Ngay cả khi Nhà máy đã được hoàn thành thì việc hoàn thiện hệ thống cấp nước, lắp đường ống chia nước tới từng hộ gia đình trong xã cũng chiếm nhiều thời gian. Trong khi hiện nay, theo như những gì người dân chúng tôi quan sát, đường ống thu nước vẫn còn chưa hoàn thiện thì bao giờ mới thực hiện tới hệ thống dẫn nước.

“Tiến độ thi công, hoàn thành nhà máy ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa có buổi làm việc trực tiếp nào với Công ty CP Nước mặt sông Hồng. Người dân chúng tôi mong muốn được nghe phía Công ty giải thích rõ ràng nguyên nhân và đưa ra thông báo chính thức đến thời điểm nào thì sẽ cung cấp được nước sạch. Tôi cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này có một phần do chính quyền chưa sâu sát với tiến độ dự án, chủ đầu tư thì làm ăn hời hợt, chưa hết trách nhiệm với người dân”.

Bài và ảnh: HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...
Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

(PNTĐ) - Gần 22 năm trước, theo thông báo của địa phương, gia đình bà Lê Thị Nho ở thôn Cát, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cùng 4 hộ gia đình trong thôn đã mua đấu giá 6 thửa đất ở khu Gốc Vờm, Giếng Đá, Gò Bãi, các vị trí đất xen kẹt, giáp khu dân cư với mục đích để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền mua đất, nộp thuế hàng năm, đến năm 2022, gia đình bà Nho xây dựng nhà thì lại bị chính quyền đình chỉ.
Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

(PNTĐ) - Khi Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuyến số 2 đi qua địa bàn 2 thôn Long Phú và Hòa Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai triển khai, hàng chục hộ dân có nhà ở trong diện bị thu hồi trở nên hoang mang, lo lắng, bức xúc và kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì giá đền bù quá rẻ như mất trắng.