Nhiều câu hỏi chưa được giải đáp

Chia sẻ

Báo Phụ nữ Thủ đô số 48 ra ngày 1/12/2021, trên trang Bạn đọc có bài “Cán bộ, y bác sĩ bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương kéo dài: Thiếu nguồn thu do khó khăn, bệnh viện xin dừng tự chủ", phản ánh sự việc gần 6 tháng nay, 160 cán bộ, y bác sĩ bệnh viện (BV)  Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã bị nợ lương, khiến cuộc sống của nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng bấn. Sau khi bài báo ra, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã có phản hồi đến báo chí và công luận, đồng thời đề ra giải pháp cho tình hình trên.

Tại Công văn số 1081/TC-HVYDHCTVN gửi các cơ quan thông tin đại chúng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: BV Tuệ Tĩnh được thành lập theo Quyết định số13/QĐ-BYT ngày 3/1/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế, là BV thực hành trực thuộc Học viện, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, hạch toán độc lập. Từ tháng 1/2019, BV Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang tự bảo đảm chi thường xuyên... BV được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng quy định của Nhà nước và học viện. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ và chế độ tiền lương của viên chức, người lao động (NLĐ) làm việc tại BV thực hiện theo Luật Viên chức và pháp luật hiện hành.

Thực tế gần 3 năm qua, cơ cấu tổ chức của BV Tuệ Tĩnh, quan hệ lao động vẫn chưa được thiết lập lại theo đơn vị tổ chức mới. Cụ thể, 128 NLĐ là viên chức cơ hữu của BV Tuệ Tĩnh vẫn do Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam ký hợp đồng lao động và chưa được BV ký lại hợp đồng mới. Điều này nói lên một phần trách nhiệm của việc nợ lương thuộc về Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam hay không cũng chưa được đề cập tới.

Đáng chú ý, giải pháp đề xuất Bộ Y tế, Bộ Tài chính bố trí các nguồn kinh phí hỗ trợ BV Tuệ Tĩnh để kịp thời khắc phục khó khăn trước mắt đã được nêu ra từ ngày 19/11 thì trong Công văn 1081, học viện cũng chưa thông tin chi tiết.

Trong Công văn 1081, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam thông tin: “Mặc dù BV Tuệ Tĩnh được tự chủ và tự chịu trách nhiệm với việc sử dụng nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, song trước vấn đề khó khăn về tài chính, học viện tiếp tục thực hiện những biện pháp hỗ trợ các khoản chi cho BV (đã báo cáo Bộ Y tế): Tiền nước, tiền thuê dịch vụ bảo vệ, tiền vệ sinh thu gom rác thải, tiền xăng xe, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo hiểm xe cứu thương, tiền bảo dưỡng sửa chữa thang máy, toàn bộ lương và chế độ cho 67 viên chức của học viện kiêm nhiệm tại BV. Học viện cũng hỗ trợ tiền giảm giờ giảng cho giảng viên kiêm nhiệm lãnh đạo BV, các khoản chi phúc lợi cho viên chức, NLĐ tại BV...”.

Thông cáo báo chí của học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam gửi báo Phụ nữ Thủ đôThông cáo báo chí của học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam gửi báo Phụ nữ Thủ đô

Với việc chỉ có 67 viên chức kiêm nhiệm của học viện vừa là giảng viên, vừa kiêm nhiệm những chức danh lãnh đạo chủ chốt tại BV vẫn được nhận đủ lương, thưởng và các khoản chi phúc lợi, còn 128 viên chức cơ hữu của BV không được nhận mặc dù về hợp đồng lao động đều cùng học viện ký. Đây cũng là thắc mắc của NLĐ tại BV Tuệ Tĩnh sau khi học viện ra văn bản gửi các cơ quan thông tin đại chúng này. Câu hỏi đặt ra là phải chăng có sự bất công trong cùng một cơ quan lại có hai chế độ và bệnh viện đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về hợp đồng lao động?

Bên cạnh vấn đề nợ lương, còn những phản ánh về việc BV Tuệ Tĩnh mua sắm hàng loạt trang thiết bị y tế không sử dụng gây bức xúc trong cán bộ nhân viên và dư luận xã hội. Tuy nhiên, trong Công văn 1081 của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lại chưa đề cập tới.

Hiện nay, cán bộ, nhân viên BV phản ánh, hằng ngày vẫn phải chứng kiến các trang thiết bị trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng nằm “xếp xó” như: Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính trị giá hơn 7,8 tỷ đồng, nồi hấp tiệt trùng trị giá hơn 300 triệu đồng, máy tán sỏi laser trị giá hơn 3,3 tỷ đồng, máy siêu âm điều trị 3 chiếc… không được sử dụng hoặc sử dụng vô cùng ít.

Đặc biệt, năm 2021, dù tình hình tài chính vô cùng khó khăn, phải nợ lương cán bộ, nhân viên trong nhiều tháng, trong bối cảnh nhiều thiết bị y tế tiền tỷ không được sử dụng hết công năng thì BV Tuệ Tĩnh vẫn có kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế với tổng số tiền là 18,233 tỷ đồng. Hiện nay, có thiết bị đã mua xong chờ bàn giao, có thiết bị đang được hoàn thiện hồ sơ.

Cùng với thiết bị mới được nhập về, còn có những thiết bị được mua nhiều năm vẫn còn nguyên trong hộp như: Máy tán sỏi laser giá hơn 3 tỷ đồng, hệ thống máy xét nghiệm hỗ trợ sinh sản IVF giá hơn 7 tỷ đồng…

Hoạt động theo cơ chế tự chủ từ năm 2019 đến nay, song BV Tuệ Tĩnh vẫn chịu sự lãnh đạo toàn diện của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
Báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục thông tin về vấn đề này.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.