Thủ đoạn lừa đảo đang nhắm đến người cao tuổi

Chia sẻ

Trong những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gọi điện giả danh cán bộ công an. Đây không phải là thủ đoạn mới nhưng nạn nhân đa phần là cán bộ hưu trí, tuổi cao nên vẫn bị lừa số tiền rất lớn.

Hàng trăm triệu tích luỹ “bay” theo cuộc điện thoại

Đầu tháng 3, ông T (SN 1948) trú tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ gọi đến. Ở đầu dây bên kia, một người đàn ông giới thiệu công an. Người này cho biết, cơ quan công an đang điều tra đường dây rửa tiền liên quan đến ông T. Khi biết ông có khoản tích luỹ đang có trong tài khoản, đối tượng đã cho yêu cầu ông nộp tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để xác minh. Tin lời đối tượng, ông T đã chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó, ông T mới biết mình bị lừa. Ngày 6/3, ông đến cơ quan công an thị xã Sơn Tây trình báo.

9h30 ngày 8/3/2022, các đối tượng tiếp tục gọi đến máy cố định của gia đình bà Trần Thị Th (SN 1947) trú tại phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây. Vẫn với thủ đoạn giả danh công an như đã từng lừa đảo ông T, các đối tượng thông báo là đang điều tra vụ án ma tuý, rửa tiền có liên quan đến bà Th.

Khi nhận được thông tin, bà Th rất lo lắng và gặng hỏi các đối tượng thông tin liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, để đánh lạc hướng của nạn nhân, các đối tượng đã cố tình lấp liếm và yêu cầu bà Th rút tiền tiết kiệm đang được gửi ở ngân hàng và chuyển vào số tài khoản ngân hàng của Lò Thị Lộc. Theo các đối tượng, số tiền này được dùng để xác minh và được hoàn trả cả gốc lẫn lãi cho bà Th vào buổi chiều cùng ngày. Nếu cố tình chống đối, không nghe theo chúng, bà Th sẽ bị mất hết số tiền tiết kiệm.

Vì cuốn sổ tiết kiệm của bà Th đến cuối tháng 3 sẽ đáo hạn nên để thực hiện hành vi lừa đảo trót lọt, các đối tượng yêu cầu bà Th không được tiết lộ thông tin với bất kỳ ai, khi ra ngân hàng rút tiền thì nói lý do là cần tiền đưa cho con gái mua đất. Các đối tượng hướng dẫn bà Th sau khi nhận tiền mang đến một ngân hàng ở 57 Phạm Ngũ Lão gần đó để chuyển vào số tài khoản của cơ quan Công an để giữ hộ.

Lo sợ bị mất tài sản nên bà đã mang sổ tiết kiệm ra ngân hàng để rút tiền nhưng chưa kịp làm các thủ tục, nhận thấy nhiều vấn đề còn khả nghi, bà đã cầm sổ tiết kiệm đến công an phường, thông tin lại với các đồng chí trực ban toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện. Vì thế, bà đã không bị mất số tiền tích luỹ sau nhiều năm làm việc vất vả.

Đây là 2 trong 3 vụ việc lừa đảo liên tục xảy ra trên địa bàn thị xã Sơn Tây trong tuần đầu tiên tháng 3. Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra thị xã đang điều tra truy xét các đối tượng đã gọi điện thoại lừa đảo bà Th và các vụ lừa đảo đã xảy ra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Các thủ đoạn lừa đảo do đối tượng xấu nhằm đến nạn nhân là người cao tuổiẢnh: CATPCác thủ đoạn lừa đảo do đối tượng xấu nhằm đến nạn nhân là người cao tuổi Ảnh: CATP

Tăng cường phổ biến tuyên truyền nâng cao ý thức phòng ngừa

Thông tin thêm về hình thức lừa đảo này, đại diện phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết: Thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cán bộ của các cơ quan tư pháp, công an, tòa án, thuế... đã xảy ra nhiều năm nay. Thậm chí, các đối tượng còn làm giả lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân gửi cho nạn nhân qua mạng xã hội zalo, từ đó yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.

Các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải giữ bí mật, không được trao đổi thông tin với người thân và thực hiện theo hướng dẫn của chúng. Với những người không thành thạo về công nghệ như bà Th sẽ ra ngân hàng chuyển khoản; người có tài khoản ngân hàng trực tuyến sẽ thực hiện chuyển tiền qua điện thoại hoặc có thể điền thông tin qua đường link qua mạng, từ đó đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân để rút tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân…

Qua công tác nắm tình hình, chỉ huy phòng Cảnh sát hình sự nhận thấy các đối tượng nhằm vào những người cao tuổi sinh sống tại các huyện ngoại thành. Mặc dù các nạn nhân đều không có sai phạm hay khuất tất gì nhưng trước những lo lắng, mất bình tĩnh khi bị các đối tượng đe doạ nên chưa thể nhận biết sự việc bị lừa đảo để phòng tránh. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân chưa quan tâm, ít cập nhật thông tin xã hội, pháp luật, thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao.

Để tránh xảy ra các trường hợp tương tự, Công an Hà Nội khuyến cáo người dân hãy tỉnh táo, cảnh giác trước các giọng điệu đe dọa, mời chào cho vay mượn, chuyển tiền qua điện thoại….; thận trọng với việc cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại của mình cho người khác; không truy cập các đường link lạ do những người không quen gửi đến.

Đặc biệt, cần quan tâm phổ biến cho thân nhân của mình, nhất là người cao tuổi, biết về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để tránh bị mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với công dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện đến Tổng đài 113; hotline 069.219.4053 để được giải quyết.

VIỆT BÁCH - NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.