Xử phạt nặng để đủ sức răn đe
Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, tối 12/3, cháu bé Đ.N.A, 3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã tử vong sau gần 2 tháng điều trị. Nguyên nhân được xác định là do tổn thương não quá nặng, không thể phục hồi. Từ vụ việc thương tâm này đặt ra vấn đề làm sao để bảo vệ trẻ khỏi nạn bạo hành dã man, vô nhân tính?
Theo hồ sơ vụ án, chiều ngày 17/1, bệnh viện Thạch Thất tiếp nhận bé Đ.N.A trong tình trạng hôn mê sâu. Các bác sỹ đã tiến hành đặt ống, chụp phim và phát hiện 9 chiếc đinh trong hộp sọ cháu bé. Chiều 20/1, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt giam Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, trú huyện Thạch Thất, Hà Nội) để làm rõ hành vi Giết người quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự. Huyên được xác định là nghi phạm chính trong vụ việc. Tại cơ quan điều tra, Huyên thừa nhận đã đóng đinh vào đầu cháu A.
Trong nỗi tiếc thương vô hạn, ông Đỗ Hữu Chức, ông nội cháu A nghẹn ngào nói: Suốt 2 tháng cháu A nằm viện, gia đình ông đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ đau khổ, xót xa khi thấy cháu gái nằm bất động trên giường bệnh với dây rợ chằng chịt đến những phút hy vọng hiếm hoi khi thấy cháu đã cử động nhẹ ngón chân, ngón tay… Tưởng chừng như phép màu đã đến, nào ngờ, cháu bé vẫn không qua khỏi… Ông đề nghị pháp luật nghiêm trị kẻ gây ra nỗi đau cho cháu bé, đòi lại công bằng để cháu được ra đi thanh thản.
Gia đình làm lễ an táng cho cháu Đ.N.A tại quê nhà Ảnh: GĐCC
Sự ra đi của cháu A để lại nỗi đau xót cho không chỉ của gia đình nạn nhân mà còn rất nhiều người đang ngày ngày theo dõi vụ việc đau lòng này. Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Đ.N.A cho biết, cơ quan chức năng tiến hành giám định pháp y cho cháu A và thu được 10 chiếc đinh trong đầu cháu bé (trước đó, bệnh viện xác định có 9 chiếc đinh).
“Trong quá trình điều tra, trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được Huyên có hành vi cho cháu A uống thuốc trừ sâu, đóng đinh vào đầu cháu A như lời khai ban đầu của Huyên thì đối tượng sẽ phải đối diện mức án cao nhất là Tử hình” - luật sư Lê Hồng Hiển nói.
TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cũng nhận định, trong vụ án này, điều không may mắn đã xảy ra, bởi vậy hậu quả được xác định là làm nạn nhân tử vong và phát sinh chi phí cứu chữa.
Do đó, với hành vi tàn ác, mất tính người, đối tượng Huyên sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, đối tượng Huyên còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra, trong đó có tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần đối với gia đình nạn nhân. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.
Về vai trò của người mẹ, TS.LS Đặng Văn Cường cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người mẹ có lời lẽ xúi giục, kích động hoặc biết hành vi đóng đinh vào đầu con mình nhưng không can ngăn, không tố cáo thì cũng phải xử lý hình sự với vai trò đồng phạm hoặc tội không tố giác tội phạm.
Về các giải pháp bảo vệ trẻ trước nguy cơ bạo hành, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, Luật Trẻ em có hiệu lực từ tháng 6/2017 quy định việc tước đoạt quyền nuôi con nếu bố, mẹ phạm tội bạo hành.
Cụ thể, khi có sự cố bạo hành, ngay lập tức quy định tước quyền nuôi con của cha mẹ được áp dụng. Cơ quan bảo vệ trẻ em, chính quyền sẽ tìm nơi chăm sóc thay thế tốt nhất cho trẻ em, có thể gửi cho người thân, gia đình khác hoặc cá nhân khác nuôi dưỡng, chăm sóc. “Thông thường trẻ ở với người thân thích khác thay thế bố mẹ, nếu không trẻ sẽ được đưa vào chăm sóc ở các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc tìm kiếm môi trường gia đình cho trẻ” - ông Nam nhấn mạnh.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lo ngại, những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian gần đây đang xảy ra với mức báo động. Tỷ lệ ly hôn, ly thân tại các gia đình trẻ ngày càng nhiều. Ở một số gia đình sau ly hôn, trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý và sức khoẻ nặng nề.
“Ở các gia đình “rổ rá cạp lại”, bên cạnh trách nhiệm nuôi dạy con của bố mẹ, người thân cũng phải có trách nhiệm quan tâm, để ý đến cuộc sống của trẻ, xem trẻ có được sống an toàn, đảm bảo không? Nếu có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại, gia đình cần có biện pháp như thay đổi quyền nuôi con, hoặc báo cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời can thiệp, không để những vụ việc đau lòng tiếp tục xảy ra” - bà Hồng kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi đang soạn thảo cần có những điều luật cụ thể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em tại các gia đình. Các cấp chính quyền cần tuyên truyền để người dân hiểu và có ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống… Làm thế nào để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra mới là quan trọng, điều này cần có sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để bảo vệ trẻ em.
HỒNG NHUNG