Xuất hiện thủ đoạn mua bán người qua mạng xã hội

Chia sẻ

Mặc dù công tác phòng, chống mua bán người đã được các cấp chính quyền triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua, song tội phạm mua bán người vẫn rất phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi đã gây khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Phụ nữ bị lừa bán: Tủi hổ, đau đớn, tuyệt vọng !

5 năm sau hành trình vượt hàng nghìn cây số từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Việt Nam, chị N.D.L (Cầu Giấy, Hà Nội, nạn nhân của mua bán người) đã bắt đầu có một cuộc sống mới với tổ ấm hạnh phúc và là chủ một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Nhưng chị không thể nào quên được ký ức về quãng thời gian dài đằng đẵng, đầy nước mắt khi bị lừa bán sang Trung Quốc mà mình đã phải trải qua.

Chị N.D.L kể, tháng 2/2016, chị cùng một người bạn (quê Thái Nguyên) sang Quảng Châu (Trung Quốc) để nhập quần áo về Việt Nam bán. Sang đến nơi, trong khi người bạn đang ngủ, chị L đi dạo phố và vô tình gặp một nam thanh niên gốc Việt. Anh ta chủ động bắt chuyện và mời chị uống nước. Vui mừng vì gặp được đồng hương ở nơi đất khách, chị không cảnh giác đã đồng ý. Rồi chị bị hôn mê sau khi uống cốc nước anh ta mời, tỉnh lại thì đã thấy mình đang ngồi trên một chiếc xe ô tô với 3 người đàn ông lạ mặt. “Tôi sợ hãi, khóc thét thì họ đe doạ, bóp cổ. Họ đưa tôi đến một thị trấn nhỏ, bao quanh bởi đồi núi. Tại đây, tôi bị cưỡng bức nhiều lần trước khi bán cho một người bản địa với giá 10 vạn tệ” – chị L nghẹn ngào. 

Lực lượng chức năng trao trả nạn nhân của mua bán người cho công an Việt NamLực lượng chức năng trao trả nạn nhân của mua bán người cho công an Việt Nam (Ảnh: tư liệu BĐBP)

Do không biết tiếng Trung, vợ chồng chị dùng app điện thoại để dịch ngôn ngữ. Sợ vợ bỏ trốn, mỗi lần ra ngoài, anh chồng đều khoá trái cửa nhốt chị trong nhà. Chị tìm cách để chồng tin tưởng, cho sử dụng mạng xã hội. Nhờ đó, chị kết nối zalo với người thân. Trong một lần chồng chị ra ngoài quên khoá cửa, chị cầm theo điện thoại bỏ trốn, đồng thời gọi điện nhờ người thân giúp đỡ. May mắn thay, một lái xe taxi đã chở chị vượt hàng trăm cây số để về Nam Ninh trước khi được hỗ trợ trở về Việt Nam.

Không phải nạn nhân nào cũng may mắn trở về quê hương như chị N.D.L. Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2016- 2020, mỗi năm, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ, 340 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người, với gần 500 nạn nhân bị lừa bán, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Các nạn nhân chủ yếu được bán sang các nước láng giềng của Việt Nam, chiếm khoảng 86%. Các địa phương phát hiện nhiều là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh… Rất ít nạn nhân được giải cứu trở về. Đáng chú ý, ngoài việc mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột sức lao động như trước đây, những năm gần đây, công an phát hiện một số trường hợp mua bán trẻ sơ sinh, nội tạng, bộ phận cơ thể…

Lợi dụng mạng xã hội để “lừa” bán nạn nhân

Tại sự kiện trực tuyến Chung tay phòng chống mua bán người do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức ngày 30/7, bà Hà Thị Nga, UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, mặc dù các cấp chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng thực trạng mua bán người vẫn diễn ra phức tạp, xuất hiện những thủ đoạn mới tinh vi hơn. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 đã để lại hệ quả tiêu cực, tội phạm mua bán người bất chấp thủ đoạn, tăng cường lợi dụng mạng xã hội để lừa bán nạn nhân trong nước. Có những vụ việc, đối tượng phạm tội tạo hồ sơ giả trên mạng rồi tiếp cận nữ thanh thiếu niên, với chiêu trò yêu đương hoặc giới thiệu việc làm để lừa bán qua biên giới. Thậm chí, chúng sử dụng mạng xã hội để liên lạc, móc nối đưa phụ nữ mang thai ra nước ngoài để bán trẻ sơ sinh... Gần đây, lực lượng cảnh sát hình sự công an tỉnh Nam Định đã giải cứu thành công 6 em gái từ 14-16 tuổi bị các đối tượng lợi dụng hứa hẹn làm giúp việc lương cao rồi cưỡng ép, lừa bán làm nhân viên phục vụ quán karaoke và quán massage ở tỉnh Phú Thọ. 

“Không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội. Báo cáo toàn cầu về tình hình mua bán người năm 2020 cho thấy trong số những người bị lừa bán thông qua quan hệ trên mạng xã hội thì tới 69% là người trưởng thành. Do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều phụ nữ bị mất việc, thu nhập không ổn định. Điều này cũng khiến họ dễ trở thành nạn nhân của mua bán người” – bà Hà Thị Nga lo ngại. 

Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế - cơ quan Di cư LHQ tại Việt Nam cùng cam kết Chung tay phòng chống mua bán ngườiLãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế - cơ quan Di cư LHQ tại Việt Nam cùng cam kết Chung tay phòng chống mua bán người (Ảnh: Nguyễn Hiếu)

Đồng quan điểm, Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, hành vi, thủ đoạn của đối tượng phạm tội là lợi dụng mạng xã hội để cấu kết hình thành tổ chức, đường dây khép kín, hoạt động trên nhiều địa bàn, xuyên quốc gia. Chúng kết bạn làm quen nạn nhân, dụ dỗ hứa hẹn tìm việc ở nước ngoài cho nạn nhân với mức lương cao, hoặc môi giới lấy chồng nước ngoài giàu sang, giả danh cán bộ công an, bộ đội để kết bạn yêu đương rồi bán ra nước ngoài. “Chúng ta cần cảnh giác khi thấy các đối tượng quen biết qua mạng có biểu hiện như: Đối tượng dùng tên tuổi, địa chỉ giả, không cung cấp hình ảnh cá nhân; yêu cầu nạn nhân liên lạc qua mạng xã hội mà không gặp mặt trực tiếp hoặc bắt nạn nhân liên lạc qua nhiều số điện thoại khác nhau; hứa hẹn xin việc nhưng không đưa đến cơ quan làm việc cụ thể mà ra một địa điểm nào đó trao đổi; chủ động lo chi phí ăn ở, đi lại… Bởi rất có thể, chúng ta đang là “con mồi” của các đối tượng phạm tội mua bán người” – Đại tá Tô Cao Lanh cho biết.

Lấy nạn nhân làm trung tâm của mọi giải pháp phòng ngừa tội phạm

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ khẳng định, cần xác định rõ tầm quan trọng của việc lấy nạn nhân làm trung tâm, lắng nghe và thấu hiểu nạn nhân, từ đó đưa ra những biện pháp hiệu quả nhằm phòng ngừa tội phạm mua bán người cũng như để xác định giải cứu và hỗ trợ nạn nhân trong quá trình tái hợp cộng đồng.

Đồng quan điểm, Đại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ đội biên phòng cho rằng, với sự quyết tâm và bằng biện pháp quyết liệt, lực lượng biên phòng đã phối hợp với Bộ Công an, Hội Phụ nữ các cấp bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, giải cứu nhiều nạn nhân, chủ yếu là trẻ em gái. Đa số các nạn nhân khi giải cứu thường bất ổn về tâm lý, tổn thương sâu sắc về tinh thần, thể chất, bị xâm hại hoặc trầm cảm. Họ thường không có tài sản, giấy tờ tuỳ thân, thậm chí không nhớ địa chỉ nhà. Nhiều người còn chỉ mặc một bộ quần áo suốt nhiều ngày.

Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phát huy thế mạnh của tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người với cách tiếp cận truyền thông đa dạng, phối hợp nhiều hình thức như tổ chức các phiên chợ truyền thông, phiên tòa giả định, triển lãm, các hoạt động giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, truyền thông chung giữa các tỉnh/huyện hai bên biên giới…; chủ động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống. Nổi bật là mô hình Ngôi nhà Bình yên được thành lập từ năm 2007 cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, là điểm sáng về bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em. 

Bà Nguyễn Thuý Hiền, Giám đốc Ngôi nhà Bình yên cho rằng, nhiều nạn nhân mua bán người đến Ngôi nhà Bình yên đã được hỗ trợ tham vấn tâm lý, pháp lý, nâng cao kỹ năng kiến thức, học nghề và tạo việc làm. Nhiều chị em được tiếp cận giáo dục, đi học đại học, có việc làm ổn định, hỗ trợ làm lại giấy tờ tuỳ thân…Để tiếp tục giúp nạn nhân mua bán người tái hoà nhập bền vững, đề nghị các ngành, cộng đồng tích cực tuyên truyền pháp luật phòng, chống mua bán người, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, trong đó có nạn mua bán người.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, người dân cần chủ động trang bị kiến thức về thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng di cư an toàn. Đặc biệt, phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, giao tiếp, quan hệ với người lạ trên mạng xã hội.

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7, các hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người được đẩy mạnh trên các kênh thông tin, các mạng xã hội nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới hội viên, phụ nữ, người dân và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Chỉ tính riêng trên trang facebook của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, trong vòng 1 tuần, các bài tuyên truyền về phòng chống mua bán người đã tiếp cận gần 130 nghìn lượt người. Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến với 5 bài thi sau 5 ngày đã thu hút được sự tham gia của hơn 19 nghìn lượt hội viên, phụ nữ và nhân dân.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...
Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

Cần giải quyết dứt điểm việc bán đất trái thẩm quyền!

(PNTĐ) - Gần 22 năm trước, theo thông báo của địa phương, gia đình bà Lê Thị Nho ở thôn Cát, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cùng 4 hộ gia đình trong thôn đã mua đấu giá 6 thửa đất ở khu Gốc Vờm, Giếng Đá, Gò Bãi, các vị trí đất xen kẹt, giáp khu dân cư với mục đích để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền mua đất, nộp thuế hàng năm, đến năm 2022, gia đình bà Nho xây dựng nhà thì lại bị chính quyền đình chỉ.
Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

Nhiều hộ dân kêu cứu vì giá đền bù quá thấp

(PNTĐ) - Khi Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc tuyến số 2 đi qua địa bàn 2 thôn Long Phú và Hòa Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai triển khai, hàng chục hộ dân có nhà ở trong diện bị thu hồi trở nên hoang mang, lo lắng, bức xúc và kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì giá đền bù quá rẻ như mất trắng.