Vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị xâm hại:
Trẻ em không còn an toàn ngay trong nhà mình
(PNTĐ) - Hiện nay, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối. Vụ việc bé gái 3 tuổi bị xâm hại cho thấy, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bất kể giới tính, độ tuổi hay hoàn cảnh sống.

Khi người thân quen là đối tượng xâm hại trẻ
Ngày 22/6, Bệnh viện Nhi TƯ tiếp nhận điều trị cho bé gái 3 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng chảy máu nghiêm trọng vùng sinh dục. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ bị xâm hại tình dục. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, người đàn ông liên quan đến vụ việc đã bị bắt giữ, ông này là người thân của bé. Y đã khai nhận hành vi xâm hại đối với trẻ.
Cháu bé dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, đã thành công giữ mạng sống, nhưng sự tổn thương thể chất cùng với những tổn thương tâm lý âm thầm và kéo dài mới là điều đáng lo ngại.
Trước đó, đã không ít vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ngay chính những người thân trong gia đình. Đầu tháng 5/2025, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” xảy ra ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Nạn nhân trong vụ việc này là 2 bé gái sinh năm 2004 và 2007, bị xâm hại tình dục lúc 7 tuổi và 11 tuổi mà người bị tố cáo xâm hại là cha ruột.
Theo Bộ Công an, năm 2024, cơ quan chức năng trên cả nước đã khởi tố 2.361 vụ việc xâm hại trẻ em với tổng số 2.505 nạn nhân, trong đó có 1.927 vụ xâm hại tình dục. Còn theo báo cáo của Ban Bảo vệ trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong năm 2024, Ban này đã tiếp nhận 66 trẻ bị xâm hại, trong đó 28,8% bị xâm hại tình dục. Một thống kê khác cũng cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận từ 1.000-1.800 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 80% là xâm hại tình dục. Gần 60% thủ phạm là người thân hoặc quen biết, đặt ra yêu cầu cảnh giác cao hơn ngay trong gia đình - nơi lẽ ra phải là nơi an toàn nhất với trẻ.
Ông Đặng Hoa Nam - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) bày tỏ lo ngại, dù rất đau lòng nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: Chính những người gần gũi, có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em lại là nhóm có nguy cơ cao nhất gây ra hành vi xâm hại. Đây là một đặc điểm của hành vi tội phạm xâm hại trẻ em. Không chỉ ở Việt Nam mà chung trên thế giới, có tới 50 - 60% số vụ xâm hại trẻ em đến từ người thân, quen.
Sự im lặng: Nguyên nhân khiến tội phạm không bị xử lý
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - nhận định, sự im lặng của mỗi người là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em chưa được đưa ra ánh sáng. Các nạn nhân đã không được hỗ trợ kịp thời, bị tổn thương nghiêm trọng cả thể chất lẫn tinh thần.
Theo bà Hồng, nhiều gia đình có con bị xâm hại mong muốn xử lý nghiêm kẻ phạm tội nhưng cũng hy vọng được sống trong yên ổn, không bị kỳ thị: “Nạn nhân và thân nhân mong giảm thiểu hậu quả của việc bị xâm hại hơn là bắt kẻ phạm tội trả giá. Họ muốn được bảo vệ danh tính, được xã hội quên đi vụ việc càng sớm càng tốt”. Bà cho rằng, giải pháp cốt lõi là nhà chức trách phải điều tra đến cùng, xử lý nghiêm minh các vụ việc, đồng thời chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, hướng dẫn cha mẹ và trẻ cách nhận diện, phản ứng, bảo vệ chứng cứ khi bị xâm hại.
Ông Đặng Hoa Nam cũng xác định, điều tiên quyết là phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục trong các gia đình. Phòng, chống xâm hại tình dục cần trở thành kiến thức, kỹ năng cơ bản, phổ cập trong mọi gia đình. Cần nhận thức rõ rằng, không chỉ trẻ em gái hay trẻ ở tuổi dậy thì mà bất kỳ trẻ nào cũng đều có nguy cơ bị xâm hại. Trẻ càng nhỏ tuổi, càng cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn.
Xâm hại tình dục không chỉ gây tổn thương nhất thời mà còn để lại những vết sẹo tâm lý dai dẳng, đi theo nạn nhân suốt đời. Đã đến lúc cả xã hội phải chung tay để phá vỡ “vòng im lặng”. Đó không phải là trách nhiệm của riêng đứa trẻ hay người cha, người mẹ nào. Đó là hành trình cần sự góp sức của cả cộng đồng. Văn hóa “không im lặng” cần được nuôi dưỡng từ trong từng gia đình, trong trường học, trên mạng xã hội và ở các cơ quan thực thi pháp luật.