Dân số đông, dân số vàng là thuận lợi để startup công nghệ tại Việt Nam

HẠNH CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đặc biệt, điều tự hào ở Việt Nam là có rất nhiều nhân tài với những động lực mạnh mẽ và mong muốn thành công. Số lượng sinh viên tốt nghiệp các khoa và trường kỹ thuật ngày càng tăng qua các năm; trong đó, nhiều sinh viên đang được đào tạo tại các trường hàng đầu thế giới. Nguồn cung nhân lực công nghệ và kỹ thuật số của Việt Nam rất lớn.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có trên 3.800 công ty khởi nghiệp (startup), trong đó có 4 kỳ lân (công ty được định giá trên 1 tỷ USD), bao gồm: VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis. Có thể thấy một điểm chung của các startup “kỳ lân” là sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mà các doanh nghiệp này tạo ra thường mang tính đột phá, có khả năng làm thay đổi sâu sắc những lĩnh vực kinh doanh mà chúng hoạt động, cũng như có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội.  Mặc dù, 4 “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam có quy mô còn khá khiêm tốn so với các “kỳ lân” công nghệ lớn trên thế giới, nhưng cùng với sự xuất hiện của họ, Việt Nam hiện đang đứng thứ ba, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia, về số lượng các “kỳ lân” công nghệ trên bản đồ khu vực. Ngoài 4 kỳ lân hiện có, ở Việt Nam những thế hệ doanh nghiệp startup có thể sớm trở thành kỳ lân. Các kỳ lân sẽ mang lại giá trị to lớn, góp phần thu hút vốn, nhân tài tới Việt Nam; đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Dân số đông, dân số vàng là thuận lợi để startup công nghệ tại Việt Nam  - ảnh 1
Ông Il-Dong Kwon, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group Việt Nam (ảnh: HL)

Nhìn vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ vốn đang rất “hot” trên toàn cầu, ông Il-Dong Kwon, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group Việt Nam đã nhận định Việt Nam có nhiều dư địa cho sự xuất hiện của các “kỳ lân” mới trong tương lai.

Với khát vọng về một đất nước giàu mạnh, hùng cường, Việt Nam đang hoạch định mô hình phát triển kinh tế tiên tiến dựa trên động lực là các doanh nghiệp công nghệ số. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường trong nước rộng lớn với hơn 100 triệu dân cùng các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường… chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn tầm ra thế giới.

Để có thêm nhiều kỳ lân, theo ông Il-Dong Kwon, trước hết thị trường phải sôi động, giàu tiềm năng phát triển, có khả năng và tỷ lệ ứng dụng công nghệ số cao, sẵn sàng đón nhận sản phẩm mới. Tiếp đến là nguồn nhân lực, nhân tài; các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Giám đốc điều hành Boston Consulting Group Việt Nam đánh giá thị trường Việt Nam có nhiều thuận lợi cho các startup công nghệ bởi Việt Nam có dân số đông và là dân số vàng; tăng trưởng kinh tế nhanh; tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tốc độ ứng dụng công nghệ rất nhanh.

Theo các chuyên gia, để tạo ra các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, “kỳ lân” công nghệ, đòi hỏi cần có thêm thời gian tích lũy. Ở giai đoạn đầu của quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần có sự tham gia hỗ trợ rất mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiếp theo, vai trò của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp cần sâu sắc hơn. 

Dân số đông, dân số vàng là thuận lợi để startup công nghệ tại Việt Nam  - ảnh 2
Techfest Việt Nam 2024: Sân chơi sôi động cho các startup Việt trên hành trình vươn tầm quốc tế

Thực tế thời gian qua cho thấy, cơ chế thực thi để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống chưa thực sự hiệu quả, tư duy của hệ thống quản lý chậm đổi mới, dẫn tới các giải pháp bị vô hiệu hóa hoặc thực hiện không triệt để. Vì vậy, cho đến nay có thể nói khoa học và công nghệ Việt Nam vẫn chưa thực sự thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, chưa tương xứng với vai trò "nền tảng, động lực" và "quốc sách hàng đầu" như kỳ vọng.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng Chuyển đổi số, lần đầu tiên tại Nghị quyết 57, khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí "đột phá quan trọng hàng đầu" với những mục tiêu cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có. Có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình cùng Nghị quyết 57. Trong một bài viết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cần xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia. Kinh tế tư nhân cùng với nền kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Để phát huy vai trò của đội ngũ kinh tế tư nhân, một trong những giải pháp quan trọng được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra, đó là cần thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Đây là yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao kiến thức và kỹ năng tài chính số cho thanh niên

Nâng cao kiến thức và kỹ năng tài chính số cho thanh niên

(PNTĐ) - Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng tài chính số cho sinh viên, thanh niên Việt Nam, giúp sinh viên, thanh niên quản lý tài chính cá nhân một cách khoa học, chủ động và hiệu quả, chiều 26/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2025 - 2028.
Đẩy mạnh chính sách thu phí "0 đồng" đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến

Đẩy mạnh chính sách thu phí "0 đồng" đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến

(PNTĐ) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài Chính bảo đảm bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách cho khoa học công nghệ.