Khi chồng "yêu" tiền hơn vợ
PNTĐ-Lấy được chồng biết kiếm tiền, lo cho vợ con có cuộc sống sung túc là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ, thế nhưng không phải người vợ nào cũng hạnh phúc viên mãn với điều đó.
Nỗi niềm người vợtrong phiên toà ly hôn
Qua hai lần hoà giải ở phường; thêm một lần hoà giải "ngoại lệ" do yêu cầu của gia đình cộng với hai phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, chị Lê Thu Ngân (Cầu Giấy, HN) mới được Toà chấp nhận cho ly hôn.
Dù đạt được mục đích nhưng chị Ngân vẫn không thấy nhẹ lòng bởi sự oán trách của bố mẹ hai bên. Chị kể, đêm trước khi phiên toà phúc thẩm diễn ra, mẹ chị vẫn còn cố gắng "đả thông tư tưởng" cho con gái. Khi thấy chị vẫn quyết tâm ly hôn, bà đã khóc rất nhiều, trách con gái cạn nghĩ, chỉ cần chị hiểu tính chồng, bỏ ngoài tai những lời nói vô tình kia thì hôn nhân không đổ vỡ, con cái đỡ thiệt thòi.
![]() |
Ảnh minh họa |
"Mày thoả nguyện chưa con? Giờ thì mày định sống thế nào đây, tài sản không có lấy gì mà nuôi con? Đúng là sướng mà không biết sướng...". Chị Ngân im lặng trước những lời trách móc buồn bã của mẹ. Toà đồng ý cho chị ly hôn, hai đứa con mỗi người nuôi một. Tài sản chị chỉ được chia một phần nhỏ vì tất cả đều là tài sản riêng của chồng.
"Ai cũng cho rằng tôi có lỗi khi chủ động ly hôn, rằng tôi có vấn đề nên mới bỏ chồng, chia con như vậy. Không ai hiểu và nhìn thấy nỗi khổ của tôi, bao năm nay tôi đã cố gắng chịu đựng và giờ là lúc phải thoát ra. Điều làm tôi day dứt nhất là người thân đã làm cho hai đứa trẻ hiểu nhầm mẹ. Giờ chúng cũng cho rằng tôi là người có lỗi khi đập vỡ tổ ấm".
Hạnh phúc đằng sauđồng tiền chồng “ban cho”
Năm 2000, chị Ngân kết hôn với anh Sơn - một người nhạy bén trong làm ăn nên thành đạt khá sớm. Cưới xong, khi nhiều vợ chồng trẻ đang phải sống cảnh nhà thuê, chật vật mưu sinh thì chị đã có sẵn biệt thự để ở. Ai cũng bảo chị đi làm để cho vui chứ kinh tế thì chồng đảm bảo dư thừa. Đồng nghiệp trong cơ quan lúc nào cũng tấm tức khen anh Sơn mỗi khi chị khoe đồ trang sức, quần áo chồng mua cho.
Trong gia đình nội ngoại, chị là người vợ sướng nhất trần đời. Vậy nên chị có phàn nàn gì về chồng là ngay lập tức ai cũng gạt đi vì cho rằng đó là "chuyện vặt" bên cạnh việc anh lo toan cho cuộc sống gia đình sung túc như thế. Nhưng cái "chuyện vặt" ấy lại là "chuyện lớn" đối với chị.
Chị thừa nhận anh giỏi làm kinh tế và đó cũng là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời anh. Làm ra nhiều tiền nên anh cũng "yêu" tiền vô độ. Anh "yêu" những đồng tiền mình kiếm ra hơn cả vợ con. Chị là người biết chi tiêu, thu vén gia đình vậy mà mỗi lần đưa tiền cho chị lo nội trợ hay mua sắm là anh dặn đi dặn lại không lãng phí mồ hôi xương máu của chồng. Trong nhà hư hỏng cái gì cần đến tiền sửa chữa là anh than vãn cả ngày đổ lỗi vợ con không biết dùng, chỉ biết phá tiền của chồng.
Việc đảm bảo cuộc sống, lo cho vợ con là trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình nhưng với anh việc đó là một sự ban ơn. Vì ban ơn nên ai cũng phải nghe lời, phải phục tùng, làm anh phật ý là biến thành kẻ "vong ân bội nghĩa". Dần dần, anh chẳng cần ý tứ mà coi thường vợ ra mặt mỗi khi đưa tiền cho chị chi tiêu. Nhất là việc đối nội đối ngoại, dù công khai với chồng nhưng lúc nào chị cũng như kẻ "ăn cắp" tiền của anh.
Ai cũng nghĩ anh yêu và cung phụng vợ nên mới mua ô tô cho chị đi làm nhưng đó chỉ là một màn "làm hàng" cho chính bản thân anh. Mỗi lần bỏ tiền sửa xe vì chị lỡ va chạm đâu đó là anh xót xa, nhiếc móc chị mãi. Nữ trang anh mua cho vợ dùng nhưng dùng xong thì phải đưa anh cất vào tủ. Anh mất ngủ hàng đêm, xỉ vả vợ con là đồ ăn hại mỗi khi phải bỏ ra một món tiền lớn vì sự cố nào đó của gia đình. Chị có tất cả nhưng đều do anh quản, cấm bán, cấm cho, cấm vứt đi khi chưa có sự đồng ý của chồng.
Thu Giang