Trân trọng tình yêu, sống chân thành mới là điều quan trọng
PNTĐ-Dưới góc nhìn của giới sinh viên, "chữ trinh" vẫn rất cần nhưng là về phạm trù đạo đức hơn là phạm trù sinh học.
Trinh tiết đạo đức quan trọng hơn trinh tiết sinh học?
Nếu như trước đây, “trinh tiết sinh học” được gắn liền với “trinh tiết đạo đức” thì nay trong quan niệm của giới trẻ, nhất là sinh viên, hai khái niệm này được tách bạch rõ ràng. Trong những năm trước, một cô gái mất màng trinh sinh học thì trinh tiết đạo đức cũng không còn. Nhưng bây giờ, bạn gái có thể không còn màng trinh sinh học nhưng vẫn còn trinh tiết đạo đức và ngược lại.
![]() |
Sống thử đã làm sinh viên nhìn nhận thoáng hơn với vấn đề trinh tiết (ảnh minh họa) |
Sống thử với bạn gái đã hai năm nay, Quân (sinh viên trường ĐH Thương mại) coi nặng vấn đề trinh tiết đạo đức hơn trinh tiết sinh học. Quân cho biết, trước khi đến với mình, bạn gái của cậu cũng đã từng trải qua một mối tình trước đó. Khi sống thử cùng nhau, Quân biết chắc bạn gái mình không còn "Zin". Nhưng với cậu điều đó không quan trọng, Quân quan tâm về sự thành thật và chân thành trong tình yêu bạn gái dành cho mình hơn. "Dù mất "Zin" nhưng bạn gái là người tốt, biết trân trọng tình yêu, sống chân thành, đó mới là điều khiến tình yêu của mình bền vững chứ không phải là cái màng trinh sinh học kia".
Những sinh viên có chung quan điểm giống như Quân và Bình không phải là ít
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất nghiên cứu sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục diễn ra ngày 12/12/2012, công trình nghiên cứu “Tìm hiểu quan niệm về trinh tiết dưới góc độ giới của sinh viên” của tác giả Nguyễn Hằng Nguyệt Vân (Đại học Y tế công cộng) cho thấy: "Sau khi tiến hành một cuộc khảo sát trên mạng xã hội với 426 lượt là sinh viên (trong đó nam sinh viên chiếm 53%, nữ sinh viên chiếm 47%) về vấn đề trinh tiết thì có tới 80% chấp nhận bạn đời sau này không còn trinh tiết nếu đó là tình yêu thật sự và 42% đánh giá phụ nữ không còn trinh tiết là điều bình thường".
“Cởi” hay “trói” đều cần có ứng xử thích hợp
Mặc dù luồng tư tưởng cho rằng cần giải phóng sự nặng nề trong quan niệm trinh tiết "áp đảo" nhưng có không ít bạn trẻ vẫn cho rằng trinh tiết cần được giữ gìn.
Tác giả Nguyễn Hằng Nguyệt Vân cho biết: Qua khảo sát thì vấn đề giữ gìn trinh tiết không chỉ dành riêng cho nữ giới, có tới 64% ý kiến sinh viên tham gia khảo sát cho rằng nam giới cần giữ "trinh tiết".
Một minh chứng nữa là khi dịch vụ phục hồi (vá) màng trinh xuất hiện, tốc độ tìm hiểu về dịch vụ này ngay lập tức nhanh chóng gia tăng. Biểu đồ thể hiện số kết quả tìm kiếm với từ khoá "vá màng trinh" theo từng năm trên Google trong công trình nghiên cứu của tác giả Nguyệt Vân như sau: Năm 2008: 877 kết quả, năm 2009: 1.420, năm 2010: 2.180, năm 2011: 8.800, năm 2012: 22.800.
Ở xã hội phương Tây, sau 20 năm trải qua cuộc cách mạng tình dục, kết quả thu lại là giá trị đạo đức truyền thống bị xói mòn, tỷ lệ ly hôn tăng nhanh, các giá trị gia đình lỏng lẻo, nòi giống tương lai trở nên báo động. Trước tình hình đó, vấn đề trinh tiết được xã hội phương Tây bắt đầu được nhìn nhận lại. Tại Mỹ (năm 2008), khảo sát cho thấy có 28% người được hỏi đã không tham gia bất cứ hình thức quan hệ tình dục nào trước hôn nhân, tăng 6% so với năm 2002. Ở Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2011), nghiên cứu trên 534 sinh viên đại học cho thấy nữ giới đang có xu hướng giữ gìn trinh tiết trước hôn nhân. Theo phần lớn nam sinh viên, trinh tiết là biểu tượng của hạnh phúc gia đình.
Hạ Thi