Xuân đợi chờ ở “làng Trường Sa“

HẢI LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -“Không có anh ấy ở nhà, mẹ con em đón Tết đơn giản lắm. Trước lúc giao thừa, mấy mẹ con cùng hướng lòng về Trường Sa, nơi anh ấy công tác. Nếu anh bận không thể gọi điện về nhà, mẹ con em đón năm mới trong sự chờ đợi, nhớ thương nhau”. Đó là chia sẻ của những người vợ lính Trường Sa mà tôi gặp trong những ngày cuối năm ở Khu đô thị Căn cứ Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà), nơi còn được gọi là “làng Trường Sa”.

Xuân đợi chờ ở “làng Trường Sa“ - ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Láng cùng con chăm sóc cây sung để làm quà cho chồng khi anh đi đảo về
 
"Bác hàng xóm về rồi, sao ba con chưa về?"

Giữa trưa, chị Nguyễn Thị Láng (SN 1990) vừa từ cơ quan về nhà lo bữa trưa cho cô con gái 6 tuổi Nguyễn Hồng Ánh Linh. Anh Nguyễn Hồng Đĩnh (SN 1988), chồng của chị Láng, hiện công tác tại đảo Sinh Tồn Đông, ra đảo từ cuối năm 2021. Gia đình 2 bên nội - ngoại đều ở Ninh Bình nên sau khi cưới, hai vợ chồng chị vào Cam Ranh sinh sống từ năm 2017 đến nay.

"Lấy chồng bộ đội, em xác định đến với nhau bằng tình cảm chân tình, vợ chồng động viên nhau cố gắng. Dù vậy, mỗi lần nghe anh nói "ngoài này anh khỏe, chỉ nhớ vợ con thôi", em lại thương anh nhiều hơn"- chị Láng xúc động nói.

Xuân đợi chờ ở “làng Trường Sa“ - ảnh 2
Chị Lê Thị Ngân mỗi lúc nhớ chồng lại áp con ốc biển, quà Trường Sa của chồng, vào tai để nghe tiếng biển vọng về

Ở nhà, cô con gái Ánh Linh tối nào học xong bài cũng đòi gọi điện thoại để được nghe giọng bố. Có lúc gọi không được vì anh bận công việc, chị Láng đành động viên con cùng chăm sóc mấy chậu cây sung để làm quà khi bố về đất liền.

Cũng ở 1 căn hộ nhỏ trong tòa nhà chung cư ở "làng Trường Sa" này, chị Lê Thị Loan (SN 1990) có chồng là Lê Văn Tuân, đang công tác tại đảo Trường Sa Đông, quê ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Chị Loan cho biết, Tết này anh vắng nhà. Đây là lần thứ hai anh Tuân ra đảo. Lần đầu từ tháng 12/2020 đến ngày 15/8/2022. 

Sau đợt nghỉ phép 2 tháng, anh lại ra đảo vào ngày 15/10 vừa qua. Chị Loan kể, lần đầu ba đi đảo, cậu con lớn Lê Thiên Phúc khi ấy 4 tuổi cho rằng ba chỉ đi vài tuần là về nhưng đợi 1 tháng, 3 tháng vẫn chưa thấy ba về. Có lần đi học về, Thiên Phúc thấy bác hàng xóm từ đảo về vui đùa với các con, cậu bé vào phòng khóc nức nở. Con nói: "Bác hàng xóm về rồi, sao ba mãi chưa về? Con nhớ ba".

Khi anh Tuân đi đảo, con thứ hai của anh chị là Lê Văn Minh Nhật mới 9 tháng tuổi. Hằng ngày, con chỉ nghe tiếng nói của ba qua điện thoại. Vì vậy khi anh Tuân về đất liền, tranh thủ gọi cho con, lần đầu thấy ba qua màn hình, Minh Nhật dè dặt chào: "Con chào… ông ạ". Giây phút ấy, cả hai vợ chồng chị đều nghẹn ngào trước tình cha con xa cách lâu ngày. Năm nay, mấy mẹ con lại chuẩn bị đón thêm một cái Tết vắng anh và hướng lòng về Trường Sa.

Sau một ngày đi làm về, chị Lê Thị Ngân (SN 1985), vợ của anh Lê Đại Dương (SN 1985) quê ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), vội vã dọn nhà, chuẩn bị nấu bữa tối cho 3 mẹ con. Ngân và chồng là bạn học, khi tốt nghiệp ra trường, cả hai đã về chung một nhà. 

Trước ngày cưới, anh Dương nói với vợ: "Lấy chồng bộ đội, em sẽ vất vả. Anh sẽ không ở bên thường xuyên được, nhất là lúc có lệnh đột xuất, anh vẫn phải lên đường". Anh Dương cẩn thận làm công tác tư tưởng cho vợ, 4 tháng sau anh nhận quyết định ra đảo Trường Sa công tác. Khi con được 5 tháng tuổi, anh Dương mới được về phép, lần đầu tiên gặp con. Anh về phép 2 tháng, gần như dành toàn bộ thời gian bên con như để bù đắp nỗi nhớ khi xa nhà.

Chị Ngân làm việc tại Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao thành phố Cam Ranh, 3 năm sinh liền 2 con cũng khá vất vả khi sống xa gia đình. Thương vợ, mỗi lần về thăm nhà, anh Dương lại mang con ốc biển về làm quà tặng vợ. "Những lúc nhớ chồng, các con nhớ ba, mẹ con em lại mang con ốc ra áp vào tai nghe như tiếng sóng biển, nơi có anh ở đó", chị Ngân chia sẻ.

Chia sẻ ngọt bùi

Chiều cuối ngày, các khu chung cư nằm trong Khu đô thị Căn cứ Cam Ranh rộn rã tiếng trẻ nô đùa. Bao nhiêu hộ gia đình ở đây là bấy nhiêu hoàn cảnh. Song, họ có một điểm chung đều là những người vợ lính Trường Sa. 

Để động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tháng 11/2017, Ban Thường vụ Hội LHPN TP. Cam Ranh đã thành lập "Câu lạc bộ phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa" nhằm phát huy vai trò của người mẹ, người vợ trong thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", xây dựng hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác.

Xuân đợi chờ ở “làng Trường Sa“ - ảnh 3
Vợ chồng chị Lê Thị Loan và 2 con dịp anh Lê Văn Tuân được về phép, tranh thủ về thăm quê

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cho biết: 5 năm qua, Câu lạc bộ luôn tổ chức thăm hỏi các chị em thành viên, giao lưu văn nghệ, thể thao với các Hội LHPN trên địa bàn thành phố, tổ chức Tết Trung thu cho các con. 

Câu lạc bộ thường xuyên phối hợp với tổ chức Hội thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa như: Tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó học giỏi; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc gia đình… qua đó, giúp chị em có thêm kiến thức, làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm làm nhiệm vụ canh giữ biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Hải Linh/ báo phunuvietnam.vn

Theo https://phunuvietnam.vn/xuan-doi-cho-o-lang-truong-sa-20230117155128934.htm

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

(PNTĐ) - Khi mới về nhà chồng, có những cô dâu vẫn “vô lo vô nghĩ” vì bếp nhà đã có mẹ chồng lo. Ngày Tết, cũng một tay mẹ chồng quán xuyến, bày biện. Nhưng rồi biến cố ập tới mang mẹ chồng đi xa, các cô dâu nhận thêm trọng trách mới, đảm đang lo Tết cho nhà mình và cho cả nhà chồng.
Diễn viên Đàm Hằng: “Ly hôn văn minh giúp tôi trở thành phiên bản mới”

Diễn viên Đàm Hằng: “Ly hôn văn minh giúp tôi trở thành phiên bản mới”

(PNTĐ) - Đàm Hằng đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ là diễn viên được biết đến qua nhiều bộ phim truyền hình, và gần đây ấn tượng nhất là chị Hoa “ế chồng” trong phim “ Lối về miền hoa”... Ngoài đời, cô là mẹ đơn thân, đang nuôi con gái 14 tuổi. Không ngại nói về quyết định ly hôn của mình, ngược lại, Đàm Hằng còn coi ly hôn là bước ngoặt giúp cô mạnh mẽ hơn, nghị lực vươn lên trong cuộc sống và trở thành một phiên bản mới hoàn thiện hơn.
Người con gái đặc biệt của mẹ

Người con gái đặc biệt của mẹ

(PNTĐ) - Đó là lời động viên đầy cảm động của mẹ dành cho Hoàng Thị Phương - người bị ảnh hưởng do di chứng chiến tranh để lại. Nhận được sự an ủi và động viên của mẹ, chị Phương nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo đặc biệt để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.