“Phụ thu”từ quỹ phụ huynh:

Bao giờ hết “núp bóng” tự nguyện?

NGUYỄN MAI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngay trước thềm khai giảng năm học mới, trên một số diễn đàn cha mẹ học sinh đã xuất hiện nhiều ý kiến về việc phải đóng góp những khoản trái với quy định. Mới đây, nhiều trường học tiếp tục ra thông báo về những khoản “phụ thu” này.

Bao giờ hết “núp bóng” tự nguyện? - ảnh 1
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng nhà trường cần công khai thông tin về những khoản phụ huynh phải đóng và khoản nào là tự nguyện  - Ảnh: N.M

Nặng gánh vì “phụ thu” 
Trước thềm năm học 2022-2023, trong công văn gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu công khai các khoản thu, chi. Yêu cầu này đưa ra trong bối cảnh vào đầu năm học, phụ huynh phải đóng nhiều loại phí cho con, tạo gánh nặng cho nhiều gia đình.

Thế nhưng đến hẹn lại lên, vào đầu năm học, ngoài các khoản thu phải đóng bắt buộc như học phí, tiền xây dựng cơ sở vật chất nhà trường thì các khoản “phụ thu” từ quỹ phụ huynh trường, quỹ phụ huynh lớp lại xuất hiện khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi bức xúc. Nhất là khi họ được đặt trong tình cảnh “tự nguyện” đóng góp và không dám công khai lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến con của mình đang theo học. Trong đó, phải kể đến vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh, hiện đang được xem là “cánh tay nối dài” cho các khoản đóng góp này. 

Trên nhiều diễn đàn mạng, nhiều ý kiến phụ huynh bức xúc cho rằng, cần bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh bởi đây là “cánh tay nối dài” của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, thu những khoản không được phép, núp bóng tinh thần “tự nguyện”
 “Ám ảnh khoản thu đầu năm học. Chưa tựu trường, họp lớp nhưng các tin nhắn báo khoản thu đầu năm liên tục cộng dồn bằng 30% lương tháng”- một phụ huynh đăng lên diễn đàn. Và dưới bài đăng của phụ huynh này, rất nhiều phụ huynh cho biết, họ đã phải đóng ít nhất từ 2 triệu đồng trở lên, thậm chí là 5 triệu cho cái gọi là “quỹ lớp”, “quỹ phụ huynh trường”. 

Chị Trần Thị Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, với những phụ huynh có 2 con đi học, mức lương chỉ khoảng 7- 8 triệu đồng/tháng, khoản thu đầu năm cộng dồn của các con thực sự là một gánh nặng. Nhiều phụ huynh cho biết, đã phải nộp luôn cả tháng lương cho tiền quỹ lớp, quỹ phụ huynh trường của con. Tất cả những khoản tiền này, về mặt hình thức, đều là trên tinh thần “tự nguyện”. Thế nhưng, ít có cha mẹ nào lại không “tự nguyện” nộp cho con. 

Là một phụ huynh có “thâm niên” hơn 10 năm đóng các khoản “phụ thu” cho quỹ phụ huynh, chị Nguyễn Kiều Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là để thu tiền quỹ, chứ không có vai trò gì trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm cũng thường chọn người có điều kiện kinh tế để vào ban này. Và mỗi khi đóng góp, họ cũng đều là người đầu tiên “gương mẫu” khiến các phụ huynh khác khó mà không theo. 

Làm sao để phụ huynh thực sự “tự nguyện” đóng góp? 
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho hay, ý nghĩa của Ban đại diện cha mẹ học sinh là phối hợp cùng với nhà trường để tăng cường các hoạt động giáo dục dành cho các con. Ví dụ, trong nhà trường có thể có những em có đặc điểm rất độc đáo, làm thế nào để phối hợp với nhà trường phát huy được khả năng của các em? Hoặc cũng có những trường hợp gặp những khó khăn khiến các em có nguy cơ tụt lại phía sau. Vậy làm thế nào để có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, giúp cho các em ấy có thể theo kịp được bạn bè? “Bây giờ giáo dục chuyển đổi, chú trọng tới dạy người, việc kết hợp giữa cha mẹ và nhà trường cũng như các tổ chức xã hội ngày càng mật thiết hơn. Và vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục ngày càng cần thiết hơn”- ông Nam nói.

Bao giờ hết “núp bóng” tự nguyện? - ảnh 2
Khoản thu tự nguyện mang tên “Đóng góp tài trợ giáo dục” do một phụ huynh đăng trên group bàn về vấn đề “phụ thu” - ảnh: N.M

Về phản ánh mọi hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh hầu như chỉ liên quan tới tiền, nảy sinh những biến tướng, ông Nam cho rằng, một phần có ảnh hưởng bởi yếu tố do ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục còn hạn hẹp. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu tổ chức rất nhiều hoạt động. Bản thân các bậc phụ huynh cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với các thầy cô, nhà trường. 

“Tôi đã từng tới làm việc ở một số trường, có trường số học sinh lên tới cả ngàn, nhưng một năm số tiền nhận được từ ngân sách chi cho các hoạt động chỉ khoảng 40-50 triệu. Như vậy, làm sao mà các thầy cô có thể tổ chức đầy đủ được các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động thường xuyên giúp học sinh đạt được các mục tiêu giáo dục? Cho nên, một trong những nhu cầu là chúng ta cần phải có các nguồn xã hội hóa, tự nguyện cho việc này. Nếu có một hình thức làm được và minh bạch giữa khoản thu vào, chi ra, và quan trọng là đều liên quan tới hoạt động giáo dục, thì câu chuyện về Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ không trở thành vấn đề quan ngại quá. Vấn đề là phải xuất phát từ sự “tự nguyện” thực sự”- ông Nam nói.

Để giám sát việc này, theo ông Nam, có thể quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Bởi mọi khoản thu hiệu trưởng đều nắm được. Cùng với đó, các cơ quan ở cấp cao hơn, chẳng hạn như Phòng Giáo dục và Đào tạo có thể thiết lập đường dây nóng, khi có phản ánh thì xem xét và xử lý ngay. Xử lý chậm sẽ phải chịu trách nhiệm. Đối với nhà trường, phải công khai thông tin về những khoản phụ huynh phải đóng, khoản nào là tự nguyện. Bởi nhiều phụ huynh cũng không nắm được điều này.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Thành Nam, cô giáo Đặng Thị Liễu, trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cũng cho rằng, có rất nhiều hoạt động giáo dục cần có sự đồng hành của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Chẳng hạn như tổ chức ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm… Vấn đề là thu như thế nào, thu bao nhiêu, và cần có sự minh bạch, đồng thuận của tất cả các phụ huynh thì mọi người sẽ thấy thoải mái để tự nguyện đóng góp.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm việc về việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và giáo dục STEM tại huyện Thanh Trì

Làm việc về việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và giáo dục STEM tại huyện Thanh Trì

(PNTĐ) - Ngày 30/3, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Thanh Trì về việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và công tác giáo dục STEM trên địa bàn huyện.
Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, không còn 2 bài thi tổ hợp

Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, không còn 2 bài thi tổ hợp

(PNTĐ) -Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) dự kiến áp dụng từ năm 2025 nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với lộ trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình tự chủ giáo dục đại học. Tuy nhiên đã có những quan điểm trái chiều từ các chuyên gia, nhà giáo trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo.
Cậu học trò Việt chinh phục Học viện hàng đầu nước Pháp

Cậu học trò Việt chinh phục Học viện hàng đầu nước Pháp

Nguyễn An Trường (lớp 12, Alpha School) vừa trở thành một trong số rất ít học sinh Việt Nam trúng tuyển Học viện Quốc gia Khoa học Ứng dụng INSA của Pháp (Institut National des Sciences Appliquées) - ngôi trường trong mơ của biết bao thế hệ học sinh đam mê khoa học trên toàn cầu. Đặc biệt hơn, chàng trai này là học sinh duy nhất không đến từ các trường chuyên và thuyết phục trường bởi những điều bất ngờ.